Cần sớm nạo vét đập Đồng Hố để đảm bảo tưới, tiêu phục vụ sản xuất

(Baohatinh.vn) - Đập Đồng Hố ở xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang bị đất, cát trên các triền đồi trôi xuống gây bồi lắng, làm ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất.

Cần sớm nạo vét đập Đồng Hố để đảm bảo tưới, tiêu phục vụ sản xuất

Đập Đồng Hố là nơi cung cấp nước tưới cho 130/470 ha lúa của xã Hồng Lộc, nhưng hiện không đảm bảo dung tích tích trữ vì bị bồi lắng.

Đập Đồng Hố nằm trên địa bàn thôn Thượng Phú (xã Hồng Lộc), được xây dựng cách đây 50 năm, có diện tích rộng khoảng 1 km2, dung tích thiết kế hơn 1,2 triệu m3 nước.

Nguồn nước từ đập thủy lợi này phục vụ cho 130 ha đất lúa ở các thôn: Đông Thịnh, Quan Nam, Thượng Phú, Trung Sơn, Trường An của xã Hồng Lộc.

Cần sớm nạo vét đập Đồng Hố để đảm bảo tưới, tiêu phục vụ sản xuất

Lòng đập bị thu hẹp nên mực nước trong đập nhanh chóng giảm sâu, hiện chỉ đủ cho 1 - 2 đợt tưới.

Ông Bùi Văn Đồng - Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hồng Lộc cho biết: “Từ khi xây dựng đến nay mới chỉ có một lần nâng cấp thân đập chứ chưa được nạo vét. Trong khi đó, trong vực nguồn sinh thủy của đập có rất nhiều con suối, nhiều vùng đồi núi đất mềm, dốc nên đất, cát, đá dễ trôi xuống lòng đập khi có mưa lớn.

Do tích tụ lâu ngày nên đến nay đất, cát, đá đã vùi lấp gần 1/4 diện tích vùng lòng đập, kéo theo dung tích trữ nước cũng giảm theo với tỷ lệ tương ứng”.

Cần sớm nạo vét đập Đồng Hố để đảm bảo tưới, tiêu phục vụ sản xuất

Đất, đá trên các triền đồi trôi xuống làm bồi lấp lòng đập.

Cũng theo ông Bùi Văn Đồng, nếu không được nạo vét, khắc phục kịp thời thì vùng lòng đập Đồng Hố ngày càng bị thu hẹp nhanh chóng, trong đó có vị trí ở gần cống xả sẽ bị vùi lấp. Việc nạo vét ở đây thuận lợi hơn những hồ đập khác vì nó nằm xa khu dân cư, có đường sá để máy móc, xe cộ đi vào; lòng hồ chủ yếu là cát với chất lượng rất tốt có thể tận dụng phục vụ xây dựng và bán bổ sung kinh phí cho hoạt động nạo vét...

Cần sớm nạo vét đập Đồng Hố để đảm bảo tưới, tiêu phục vụ sản xuất

Tình trạng bồi lắng khiến nhiều vị trí trong lòng đập rất nông, nhỏ hẹp.

Tại thời điểm này, mực nước trong lòng đập đã xuống thấp hơn khoảng 12m so với mức bình thường. Nếu không mưa, lượng nước còn lại chỉ đủ cho 1-2 đợt tưới trong vài tuần tới là chạm ngưỡng nước “chết”.

Mực nước xuống thấp cũng khiến các bãi bồi xung quanh chân núi dần hiện lên, diện tích các bãi bồi ngày một lớn, hiện trạng đất, cát trôi từ đồi xuống làm vùi lấp lòng đập càng thể hiện rõ.

Cần sớm nạo vét đập Đồng Hố để đảm bảo tưới, tiêu phục vụ sản xuất

Theo ông Bùi Văn Đồng, không lâu nữa, đất, đá ở các bãi như thế này sẽ trôi xuống những vị trí sâu nhất của đập, khiến lòng đập cạn dần.

Xã Hồng Lộc hiện đang rất cần nước để sản xuất vụ hè thu nhưng nguồn nước tưới từ đập Đồng Hố không đáp ứng được yêu cầu. Nước trong đập chứa hiện nay không nhiều và cổng vận hành xả nước của đập đang bị hỏng (chỉ mở được ½ cánh), không đủ để tưới cho các diện tích như quy hoạch nên bà con nông dân đang khá bất an.

Cần sớm nạo vét đập Đồng Hố để đảm bảo tưới, tiêu phục vụ sản xuất

Những bãi bồi giữa lòng đập.

Ông Lê Viết Bình – Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc thông tin: “Tình trạng sạt lở đất, cát khiến lòng đập Đồng Hố bị thu hẹp, ảnh hưởng đến sản xuất diễn ra từ nhiều năm nay. Bà con cử tri cũng nhiều lần kiến nghị, đề xuất các cấp, ngành bố trí kinh phí xử lý. UBND xã cũng đã có văn bản gửi các phòng, ngành chức năng của huyện đề xuất kiểm tra, có phương án khắc phục.

Tuy nhiên, đây là dự án lớn, thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư thuộc HĐND tỉnh nên đầu năm 2022, UBND huyện Lộc Hà đã có văn bản gửi HĐND và UBND tỉnh về việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án này, nhưng hiện chưa có hồi âm. Chính quyền địa phương và bà con nông dân rất mong muốn cấp trên xem xét, ưu tiên nguồn lực để sớm khắc phục tình trạng này”.

Chủ đề Bạn đọc viết

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast