Bất cập quy hoạch khu xử lý rác thải ở Hương Khê

Do bức xúc về bãi xử lý rác nên mới đây, huyện Hương Khê đã lập quy hoạch Khu xử lý rác thải kết hợp với Nhà máy chế biến phân bón tại xã Hương Long và Hương Thủy. Thế nhưng, việc bãi rác được quy hoạch nằm gần khu dân cư, sát ngay nghĩa địa, trường bắn quân sự và chồng lên 5 ha đất cao su, trong đó có 2 ha cao su đã gần cho khai thác, thì đúng là kiểu quy hoạch không giống ai.

Quan liêu!

Ngày 31/5/2011, UBND huyện Hương Khê có Tờ trình số 444/TTr-UBND về việc xin khảo sát, quy hoạch khu xử lý rác thải (bằng phương pháp chôn lấp-PV), xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón vi sinh và nghĩa địa trung tâm, do ông Lê Trần Sáng - Phó Chủ tịch UBND huyện ký. Ngay trong Tờ trình đã thể hiện sự cẩu thả, quan liêu bằng một số lỗi chính tả và tinh thần văn bản. Ngày ông Sáng ký Tờ tình là ngày 31/5/2011 nhưng Tờ trình lại căn cứ một quyết định của UBND tỉnh về việc quy hoạch khu xử lý chất thải rắn… mà theo Tờ trình này cho biết là “định hướng đến năm 2010”! Tờ trình ký năm 2011 mà theo định hướng đến năm 2010 thì quả thật là không thể hiểu nổi!

Sơ đồ quy hoạch khu xử lý rác thải nằm sát ngay nghĩa trang thôn 15, xã Hương Long
Sơ đồ quy hoạch khu xử lý rác thải nằm sát ngay nghĩa trang thôn 15, xã Hương Long

Quan liêu hơn là ở việc xác định lô đất cần quy hoạch. Trong văn bản ghi rõ: Tổng diện tích xin khảo sát quy hoạch là 12 ha. Vị trí hai khu đất liền nhau tại đồi Đá Đứng xã Hương Long, có: phía Tây giáp đất quân sự (trường bắn); phía Bắc: giáp khe Đá Đứng; phía Đông và phía Nam: giáp đất Công ty cao su Hương Khê.

Thế nhưng, trên thực tế ở thực địa, khu đất được quy hoạch chủ yếu là nằm trên địa phận xã Hương Thủy, chỉ một phần nhỏ nằm ở xã Hương Long, hầu hết đều thuộc diện tích do Công ty cao su Hương Khê quản lý, sử dụng.

Chưa hết, trên thực địa, đất Công ty cao su, đất quân sự và khe Đá Đứng nằm giáp ranh nhau, không có diện tích đất khác nằm giữa khu vực này. Nếu nói theo cách của Tờ trình ấy, không biết họ sẽ khảo sát ở vị trí nào. Và, thực tế, nếu muốn lấy khỏang 12 ha, thì buộc phải lấy cơ bản đất Công ty cao su.

Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Long thừa nhận: Tại khu vực này, cơ bản là đất thuộc địa giới hành chính xã Hương Thủy, còn đất thuộc xã Hương Long chỉ khoảng vài ba ha nhưng thuộc quyền sử dụng của Công ty cao su Hương Khê (Công ty đã giao khoán trồng cây lâm nghiệp cho hộ bà Yến, hiện bà Yến đã trồng keo - PV).

Bất cập!

Trên thực địa hiện tại, mốc khảo sát quy hoạch đã được cắm với một diện tích khá rộng, trong đó đa phần nằm trên diện tích đất mà nhà nước đã bàn giao cho Tập đoàn CNCS Việt Nam quản lý, sử dụng (đơn vị trực tiếp quản lý là Công ty Cao su Hương Khê). Tại hiện trường, một bản đồ quy hoạch tổng thể khu xử lý rác thải đã được dựng lên, ngay trên phần đất thuộc quyền sử dụng của Công ty cao su Hương Khê. Đa phần diện tích đất trong quy hoạch này nằm trên đất Công ty cao su quản lý, trong đó có gần 2 ha là cây cao su đã 5 năm tuổi, gần cho khai thác mủ.

Rừng cao su 5 năm tuổi chuẩn bị khai thác, đã bị đánh dấu nằm trong mốc quy hoạch bãi rác
Rừng cao su 5 năm tuổi chuẩn bị khai thác, đã bị đánh dấu nằm trong mốc quy hoạch bãi rác

Theo mốc khảo sát hiện tại, khu xử lý rác này nằm sát ranh giới trường bắn, sát nghĩa địa thôn 15 và nằm đè lên đất Công ty cao su Hương Khê. Nếu thực hiện theo quy hoạch này, có nghĩa là trong một diện tích rất nhỏ bé này, sẽ có một trường bắn của Ban chỉ huy Quân sự huyện, một nghĩa địa của thôn 15 - xã Hương Long (được quy hoạch năm 2004), một đồi cao su, và nằm chính giữa là bãi xử lý rác thải!. Nhìn những ngôi mộ khang trang, những khu lăng mộ đang được xây dựng đàng hoàng, tôi chợt nghĩ rằng, mai mốt đây, một bãi rác thải được chôn đầy ở đây, liệu có ổn, cả về mặt tâm linh và khoa học.

Xét về khoa học, khó có thể chấp nhận môt bãi chôn lấp rác nằm sát khu dân cư (cách hội quán thôn 15 khoảng hơn 300 mét, tính theo đường chim bay), sát nghĩa trang của thôn (đã đựơc quy hoạch), sát trường bắn mà hàng năm có rất nhiều đợt hội thao, tập bắn của 22 xã, thị toàn huyện về đây diễn tập. Đặc biệt hơn, khu xử lý rác thải nằm quá sát khu dân cư, chắc rằng sẽ khó tránh khỏi tình trạng ô nhiễm đối với hàng chục hộ dân xóm 15 - xã Hương Long. Đó là chưa nói đến, nước thải ngấm xuống lòng đất, sẽ ngấm xuống theo khe Đá Đứng, chảy về xuôi, ảnh hưởng đến đời sống cả người dân Gia Phố, Hương Thủy, bởi người dân nơi đây hầu hết sử dụng giếng đất…

Ông Nguyễn Quốc Việt – Phó Chủ tịch xã Hương Long thẳng thắn: “Nói một cách khách quan, cấp trên tổ chức họp và có mời địa phương lên tham dự chứ chưa có một buổi nào cấp trên về làm việc cụ thể với địa phương về vấn đề này. Vì chưa có buổi làm việc cụ thể nào nên trong địa phương chúng tôi cũng chưa có sự thống nhất. Nói tóm lại là chưa nhất trí. Theo tôi, việc này phải làm cẩn thận, phải họp dân, lấy ý kiến…”.

Ông Đường Danh Kỳ, thôn trưởng thôn 15 nói: "Việc quy hoạch một bãi xử lý rác thải đối với Hương Khê lúc này là rất cần thiết nhưng quy hoạch bãi xử lý rác thải theo hình thức chôn lấp ở sát dân thế này, quả thật là vô lý. Theo tìm hiểu của tôi, chẳng ai lại đi quy hoạch bãi rác thải nằm gần khu dân cư, sát ngay bên nghĩa trang như thế này cả. Kể cả nhà máy phân bón cũng thế, chẳng ai lại quy hoạch sát khu dân cư và sát cạnh nghĩa trang như vậy cả. Nhân dân chúng tôi đã có nhiều ý kiến phản đối về việc làm này. Sắp tới chúng tôi sẽ có cuộc họp chính thức để có vă bản trình lên cấp trên yêu cầu xem xét lại việc làm này”.

Ông Đường Danh Kỳ: “Bãi rác chỉ cách hội quán thôn chúng tôi khoảng 300 mét”
Ông Đường Danh Kỳ: “Bãi rác chỉ cách hội quán thôn chúng tôi khoảng 300 mét”

Ông Quang, cán bộ quy hoạch thuộc Công ty Cao su Hương Khê nói:" Trong văn bản của huyện ghi là ranh giới khu quy hoạch giáp ranh đất công ty cao su, nhưng trên thực tế thì hầu hết đều nằm trên đất của chúng tôi. Chúng tôi ngớ người khi thấy đơn vị tư vấn đánh mốc khảo sát lên tận nửa đồi cao su đã sắp cho khai thác của Công ty, thật là hết nói. Mặt khác, ngay phía gần khu đất quy hoach bãi rác này, chúng tôi đã xin quy hoạch 16 ha khu dân cư cho công nhân, đã được UBND tỉnh cho chủ trương. Để bãi rác ở đây, thật là không ổn chút nào”.

Theo một số người dân cho biết, ngoài nhà máy rác, nhà máy chế biến phân vi sinh này là của một tư nhân làm chủ. Nếu đúng vậy, việc cắt đất của Công ty cao su Hương Khê (Công ty nhà nước) để giao cho một công ty tư nhân làm nhà máy sản xuất phân bón, hoạt động không vì mục tiêu an sinh xã hội, liệu có đúng luật?. Đó là chưa kể, một ha cao su đã gần cho khai thác, sẽ đem lại giá trị kinh tế hàng năm rất lớn (theo barem tính hiện tại của Tập đoàn CNCS Việt Nam, giá trị 1 ha cao su cả chu kỳ là 1,5 tỷ đồng).

Việc quy hoạch khu xử lý rác thải đối với Hương Khê là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, tỉnh ta đã có nhiều bài học từ vấn đề này. Để không phát sinh những vấn đề phức tạp sau này, thiết nghĩ, huyện Hương Khê cũng như các cấp ngành liên quan cần xem xét, cân nhắc kỹ càng trước khi thực hiện dự án.

Những bất cập nêu trên, thiết nghĩ cần được xem xét một cách khách quan, khoa học. Giữa bạt ngàn núi rừng Hương Khê, việc chọn địa điểm tổ chức xây dựng một bãi xử lý rác, không phải là quá khó. Không nên vì một lý do nào đó rồi làm ẩu, làm lấy được, để tránh những phức tạp không đáng có có thể phát sinh sau này.

Đọc thêm

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống.
Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 cũng quy định 3 trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng bị tạm dừng hưởng chế độ như luật hiện hành nhưng có một số điều chỉnh.
5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Những câu chuyện xúc động phía sau từng bức ảnh liệt sĩ

Những câu chuyện xúc động phía sau từng bức ảnh liệt sĩ

Với gia đình các liệt sĩ ở Hà Tĩnh, bức ảnh người đã khuất được nhóm Skyline phục dựng là món quà tinh thần vô giá. Những câu chuyện xúc động sau mỗi tấm ảnh càng làm nổi bật ý nghĩa sâu sắc của hành trình này trong việc gìn giữ giá trị lịch sử và tình thân.
Chương trình "Tô màu ký ức" - phục dựng và trao ảnh liệt sỹ

Chương trình "Tô màu ký ức" - phục dựng và trao ảnh liệt sỹ

Chương trình “Tô màu ký ức” - phục dựng và trao ảnh liệt sĩ là hành trình ý nghĩa, lan tỏa lòng biết ơn, lưu giữ ký ức lịch sử và nhắc nhở thế hệ trẻ về giá trị của hòa bình, độc lập. Chương trình do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, Nhóm Skyline, Báo Hà Tĩnh, Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh phối hợp thực hiện.
“Tô màu ký ức” - câu chuyện về hành trình phục dựng di ảnh liệt sĩ

“Tô màu ký ức” - câu chuyện về hành trình phục dựng di ảnh liệt sĩ

“Tô màu ký ức” là hoạt động đầy ý nghĩa của nhóm bạn trẻ Skyline nhằm phục dựng di ảnh các liệt sĩ - những người đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Những bức ảnh không chỉ tái hiện gương mặt mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp gia đình và các liệt sĩ được “đoàn tụ” theo cách đặc biệt.