Nghề nuôi ngao bắt đầu manh nha ở thôn Mai Lâm (Mai Phụ - Lộc Hà) từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Ban đầu, bà con dùng lưới quây rào mặt nước rồi mua giống về nuôi quy mô nhỏ. Kỹ thuật nuôi trồng cũng tự mày mò học qua sách báo, ti vi. Dần dần, nhà này làm ăn được chỉ bảo nhà kia, cuối cùng, Mai Lâm trở thành vựa ngao lớn của huyện, với 43 hộ chuyên sản xuất, cung ứng ngao thương phẩm ra thị trường. Nghề nuôi ngao “phất lên” trông thấy chỉ ít năm, tính ra, mỗi năm, bình quân hộ nuôi nhiều, lợi nhuận thu được cả tỷ đồng; hộ ít cũng được vài ba trăm triệu. “Tích tiểu thành đại”, nhà nhà đua nhau dựng nhà lầu, có hộ sắm cả xe hơi bạc tỷ.
Nhiều hộ nuôi cá lồng bè gặp khó khăn vì thị trường rớt giá.
Những người nuôi ngao ở đây chẳng thể ngờ chỉ trong vòng 1 năm (từ tháng 11/2015), nghề nuôi ngao lại thảm hại như bây giờ. Trưởng thôn Lê Xuân Hùng vừa là Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản và Dịch vụ vệ sinh môi trường Hùng Thuận, vừa là chủ đầm ngao 15 ha, thở dài: “Đợt rét đậm, rét hại gần tết khiến các đầm ngao chết như ngả rạ. Sau rét, bà con tiếp tục vay mượn thả lứa mới thì gặp sự cố môi trường biển do Formosa xả thải”. Ngao chết dần, chết mòn, số sống được thì bán không ai mua. Hai trận “bão” đổ dồn trong 1 năm khiến tất cả các hộ nuôi ngao Mai Lâm rơi vào khó khăn. Lo nhất là 100% hộ nuôi đều phải vay vốn ngân hàng. Bây giờ, chỉ mong ngân hàng cho giãn nợ, khoanh nợ để vượt qua giai đoạn khó khăn này”. Ngoài 2,2 tỷ đồng đang nợ tại Ngân hàng No&PTNT thì sau đợt rét đầu năm, ông Hùng lại vay thêm anh em, bạn bè 1 tỷ đồng mong lấy lại mất mát. Chẳng ngờ…
Ông Lê Đình Thành là người dày dạn kinh nghiệm trong nghề nuôi ngao. Ông từng nuôi mấy công nhân trong nhà để làm nghề, nhưng nay cũng vắng vẻ. Mất trắng 5 tỷ đồng (tính theo giá ngao thịt) vì đợt rét hồi giáp tết, món nợ 1,4 tỷ đồng từ ngân hàng tiếp tục trôi theo “bọt nước” do ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Kể cả khi công bố vùng nuôi đã an toàn thì giá cũng rớt thảm hại.
Theo thống kê ban đầu, số nợ của các hộ nuôi ngao ở thôn Mai Lâm lên đến trên 20 tỷ đồng (chủ yếu nợ Ngân hàng No&PTNT và Ngân hàng CSXH). Ở HTX Hùng Thuận (32 ha), nhiều gia đình đang “cõng” trên vai khoản nợ lớn như: Nguyễn Đình Tiến, Lê Văn Thuận (nợ trên 700 triệu đồng/hộ); anh Phạm Văn Dậu, Phạm Văn Thế (nợ 300 triệu đồng/hộ)...
Chẳng riêng nghề nuôi ngao, đây có lẽ là kỳ thu hoạch buồn nhất của những hộ nuôi cá lồng bè trên sông Hộ Độ. Mặc dù không bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, nhưng tâm lý lo sợ của người dân đã “tẩy chay” luôn cả sản phẩm của họ. Giá bán rớt xuống còn 65.000 đồng/kg (trên 1 kg/con), bằng nửa giá năm ngoái mà vẫn chỉ tiêu thụ nhỏ giọt, chẳng mấy ai hỏi tới. Nóng ruột, nhiều hộ vớt cá đem lên các chợ đầu mối TP Hà Tĩnh bán, nhưng ngày nhiều thì bán được dăm con, có ngày chẳng được con nào.
Ông Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Dưới lồng còn gần 10 tấn cá loại hơn 1 kg/con. Hơn tháng nay, mỗi ngày, chúng tôi mất 5 triệu đồng tiền thức ăn cho cá. Hầu hết các hộ đều vay ngân hàng để đầu tư, bình quân mỗi hộ vay trên dưới 100 triệu đồng. Nếu sắp tới không tìm được mối tiêu thụ, chắc chắn vụ cá 2016, người nuôi trồng thiệt hại hàng tỷ đồng”.
Vợ chồng anh Trương Quang Dần cũng theo dân làng làm ăn để thoát nghèo, cầm cố vay mượn 200 triệu đồng (trong đó, 175 triệu đồng vay ngân hàng) đầu tư 2 lồng cá chẽm, hồng mỹ. Từ tháng 4 đến nay, thị trường ế ẩm, anh chị phải đi làm thuê lấy tiền trả lãi.
Vùng nuôi trồng này không bị ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển nên không được liệt kê vào danh sách bồi thường. Điều họ mong muốn nhất là nhận được sự sẻ chia của các ngân hàng cũng như chính quyền để vượt qua khó khăn…