Năm 1861, thực dân Pháp chiếm Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) và lập ra hệ thống nhà tù vào năm 1862 để lưu đày, giam giữ những người tham gia cách mạng và sĩ phu yêu nước. Tính tới ngày đất nước thống nhất (năm 1975), hệ thống nhà tù Côn Đảo đã tồn tại được 113 năm.
Dưới con mắt của thực dân, Côn Đảo là nơi lý tưởng, đáp ứng tốt những yêu cầu đối với một nhà tù khi bốn bề là biển, cách xa đất liền, không có phương tiện, người tù khó bề trốn thoát, người bên ngoài cũng không có cách nào để cứu thoát người bên trong.
Hệ thống nhà tù Côn Đảo thời Pháp gồm: Trại Phú Hải, Trại Phú Sơn, Trại Phú Thọ, Trại Phú Cường, chuồng bò, chuồng cọp với hàng trăm xà lim, phòng giam, phòng biệt lập. Tại đây, chúng đã giam cầm, xiềng xích, gông cùm và thực hiện đủ các đòn tra tấn vô cùng tàn bạo hòng dập tắt ý chí đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng.
Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Côn Đảo, năm 1955, Mỹ - ngụy tiếp quản nơi này. Chúng xây dựng thêm 4 trại giam mới gồm: Trại Phú Phong, Trại Phú An, Trại Phú Bình - chuồng cọp kiểu Mỹ và Trại Phú Hưng. Mỗi trại tù có 2 dãy, mỗi dãy có 48 phòng giam biệt lập.
Qua các thời kỳ, hệ thống nhà tù Côn Đảo có 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng “biệt lập chuồng cọp”. Mỗi loại phòng giam, hầm đá, phòng cấm cố tập thể, biệt lập chuồng cọp, phòng tắm nắng, hầm phân bò…, đều gắn liền với những câu chuyện rùng rợn về cách mà bọn cai ngục tra tấn, hành hạ người tù.
Được xây dựng vào năm 1862, Trại Phú Hải là trại giam lớn nhất và lâu đời nhất tại hệ thống nhà tù Côn Đảo.
Trại Phú Hải có 33 phòng giam chia thành 2 dãy nằm đối diện nhau, 5 phòng giam mỗi bên, nối qua hai dãy là 20 hầm đá hay còn được gọi là xà lim, 2 hầm xay lúa cho tù nhân lao động, 1 phòng tử hình và 1 khu đập đá.
Nơi đây, bọn cai ngục dùng các đòn tâm lý để thuyết phục các chiến sĩ cách mạng phục tùng. Khi không thuyết phục được, bọn chúng quay sang giam cầm, tra tấn. Trong ảnh: Những nhân vật được tạo dựng lại bằng sáp tại Trại Phú Hải nhằm tái hiện cách đối xử dã man đối với tù nhân người Việt.
Trong Trại giam Phú Hải còn có các khu vực như giảng đường, bệnh xá, nhà thờ, nhà bếp, nhà ăn. Tuy nhiên, tất cả đều được dựng lên để đối phó với các đoàn giám sát về nhân quyền của quốc tế và đánh lừa dư luận.
Nhắc đến nhà tù Côn Đảo không thể không nhắc đến “chuồng cọp”. Tại đây có “chuồng cọp” kiểu Pháp và “chuồng cọp” kiểu Mỹ. Được xây dựng năm 1940, “chuồng cọp” kiểu Pháp nằm bên trong Trại Phú Tường có diện tích gần 5.500 m2 gồm 60 phòng tắm nắng không có mái che và 120 phòng giam biệt lập. Nhờ cấu trúc “nhà tù trong nhà tù” mà “chuồng cọp” kiểu Pháp được giấu kín trong suốt 30 năm.
Mỗi buồng giam “chuồng cọp” giam từ 5 đến 12 người, chân bị còng vào một thanh sắt, việc ăn uống và vệ sinh cá nhân đều tại chỗ. Tù nhân bị giam trong chuồng cọp phải chịu tra tấn dã man, như đóng đinh vào tay, chân, đục răng, thiêu sống, chôn sống...
Bên trên, cai ngục đi dọc hành lang để theo dõi, kiểm soát người tù, trên tay luôn cầm gậy sắt dài nhọn sẵn sàng chọc xuống tù nhân nào chống đối. Trên mỗi buồng giam đều có 1 thùng nước bẩn, 1 thùng vôi bột, khi tù nhân có dấu hiệu phản đối, cai ngục rắc vôi bột làm mù mắt tù nhân.
Khác với “chuồng cọp” kiểu Pháp, “chuồng cọp” kiểu Mỹ được xây dựng năm 1971 với tên gọi Trại Phú Bình do các chuyên gia Mỹ thiết kế, chủ yếu tra tấn tù nhân về tinh thần. “Chuồng cọp” Mỹ gồm 384 phòng biệt giam được chia làm 4 khu: AB-CD-EF-GH, mỗi khu có 2 dãy và mỗi dãy có 48 phòng. Đây là kiểu nhà giam đặc biệt bằng bê tông, không có bệ nằm, người tù phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp.
Phía trên của mỗi buồng giam đều có song sắt như “chuồng cọp” Pháp nhưng không có hành lang bên trên mà thay bằng mái tôn thấp, trong phòng giam không có bệ, tù nhân phải nằm dưới nền nhà và đại, tiểu tiện trong thùng gỗ nhỏ. Có thời điểm mỗi phòng giam từ 8 - 10 người, các thùng gỗ này đến vài tuần không được cho đổ, phòng giam không khác nào nhà vệ sinh bẩn thỉu hôi thối nhằm tra tấn tinh thần những người tù cộng sản.
Tại Côn Đảo, đấu tranh bảo vệ khí tiết và lý tưởng cộng sản được đặt ra cao hơn bảo vệ tính mạng mình. Ngay trong nhà tù, sinh hoạt chi bộ vẫn được duy trì bởi những người cộng sản để giáo dục đảng viên, giác ngộ quần chúng và lãnh đạo đấu tranh. Trong ảnh: Phòng giam số 7 là nơi đã giam giữ các chiến sỹ cách mạng kiên cường như Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh. Phòng giam này là nơi ra đời tờ báo “Tiến lên” do đồng chí Phạm Hùng, Lê Văn Lương phụ trách thời kỳ 1930-1939.
Trong suốt lịch sử 113 năm tồn tại, nhà tù Côn Đảo là nơi ghi dấu sự đấu tranh bất khuất, kiên cường, ý chí sắt đá của hàng vạn chiến sĩ cộng sản trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Theo thống kê, có khoảng 20.000 người Việt Nam yêu nước đã mãi mãi nằm lại ở hòn đảo này.
Vào năm 2012, nhà tù Côn Đảo được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Ngày nay, Côn Đảo đã trở thành một khu di tích lịch sử cách mạng lớn, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.