Người kể chuyện lịch sử ở Ngã ba Đồng Lộc

(Baohatinh.vn) - 20 năm gắn bó với công việc thuyết minh viên tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc) là bấy nhiêu năm anh Phan Công Lệ (SN 1979) nỗ lực để giữ trọn lửa đam mê với nghề và “thổi hồn” vào từng câu chuyện lịch sử ở mảnh đất linh thiêng.

Video: Anh Phan Công Lệ chia sẻ về kỳ vọng du lịch Hà Tĩnh khởi sắc trong năm mới.

Người kể chuyện lịch sử ở Ngã ba Đồng Lộc

Anh Phan Công Lệ đã có 20 năm gắn bó với công việc thuyết minh viên tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp khoa Văn - Trường Đại học Vinh (Nghệ An), anh Phan Công Lệ (quê xã Thanh Bình Thịnh, Đức Thọ) trở về quê nhà và bắt đầu công việc của một thuyết minh viên tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Anh Lệ chia sẻ: “Để có thể làm tròn vai của một thuyết minh viên, bản thân phải thường xuyên trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh. Thế nên, từ những ngày đầu bước chân vào nghề, tôi đã bắt đầu mày mò, tìm hiểu, nghe các đồng nghiệp nói để học hỏi, tìm cho mình một phương thức thuyết minh. Với tôi, điều quan trọng nhất là phải luôn giữ ngọn lửa đam mê và một trái tim nhiệt huyết để có thể gắn bó trọn vẹn với nghề”.

Người kể chuyện lịch sử ở Ngã ba Đồng Lộc

Được kể những câu chuyện lịch sử tới du khách gần xa là hạnh phúc của anh Lệ.

Dù những câu chuyện kể về Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, về 10 nữ thanh niên xung phong có sự lặp lại nhưng với anh Lệ, mỗi lần thuyết minh đều có một cảm xúc rất khác.

“Mỗi ngày, tôi và các thuyết minh viên khác đều được gặp gỡ rất nhiều du khách. Chúng tôi cảm nhận được sự xúc động, nghẹn ngào và những tình cảm trân quý của khách tham quan dành cho chốn thiêng Đồng Lộc. Sau khi nghe chúng tôi thuyết minh về những câu chuyện lịch sử, mỗi du khách đều có những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Đó là những bác thương binh, cựu chiến binh lặng lẽ quay mặt cố giấu những dòng nước mắt xúc động khi nhớ về đồng đội của mình. Đó còn là ánh mắt tự hào của các bạn học sinh, sinh viên khi lắng nghe những câu chuyện về sự hy sinh của những anh hùng liệt sỹ trong chiến tranh, là những câu hỏi hồn nhiên của các em nhỏ…” - anh Lệ tâm sự.

Người kể chuyện lịch sử ở Ngã ba Đồng Lộc

Anh Lệ cùng các đồng nghiệp thường xuyên trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo anh Phan Công Lệ, thuyết minh viên không đơn thuần chỉ là truyền đạt thông tin đến với du khách mà chứa đựng trong từng câu chữ là cả một tâm hồn nghệ sỹ. Bởi họ phải nói bằng tất cả trái tim, gửi lòng mình vào từng câu chữ để giúp câu chuyện trở nên sinh động và hấp dẫn, giúp du khách như được quay về lịch sử, cảm nhận từng “hơi thở” của thời gian.

Dẫu vậy, con đường với nghề thuyết minh viên của anh Lệ cũng đầy nhọc nhằn, khó khăn. Anh Lệ chia sẻ: “Nghề thuyết minh viên cũng chẳng hề dễ dàng, nhất là khi nói làm sao để du khách có thể hiểu và cảm nhận trọn vẹn về câu chuyện lịch sử luôn là điều trăn trở nhất của chúng tôi. Bởi vậy, nếu muốn thành công và gắn bó lâu dài với nghề thì cần phải có “tâm” và lửa đam mê không bao giờ tắt”.

Người kể chuyện lịch sử ở Ngã ba Đồng Lộc

Các đoàn khách đến với Ngã ba Đồng Lộc đều được anh Lệ chuyển tải những câu chuyện lịch sử với cảm xúc đặc biệt, khó quên.

Nhớ về kỷ niệm ấn tượng nhất trong nghề, anh Lệ kể: “Thời điểm năm 2020-2021, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất, các hoạt động du lịch gần như đóng băng, những thuyết minh viên như chúng tôi luôn trong trạng thái bản thân có thể bị nhiễm bệnh bất kỳ lúc nào. Đã có thời điểm, toàn bộ cán bộ, nhân viên đã phải cùng nhau cách ly tại khu di tích hoặc cách ly tập trung. Đó là quãng thời gian khó khăn nhất của chúng tôi. Nhưng khi dịch COVID-19 được khống chế, các hoạt động du lịch dần mở cửa trở lại, chúng tôi được đón các du khách và rất phấn khởi bởi sự khởi sắc của du lịch quê nhà”.

Người kể chuyện lịch sử ở Ngã ba Đồng Lộc

Ngoài công việc của một thuyết minh viên, anh Lệ cũng đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc phần mộ và các khu vực khác trong khu di tích.

Ông Nguyễn Tiến Đạt (65 tuổi, du khách từ tỉnh Thái Bình) chia sẻ: “Lần thứ 2 đến đây, tôi và đoàn được anh Phan Công Lệ kể những câu chuyện về 10 nữ thanh niên xung phong kiên cường, chúng tôi vẫn có xúc cảm vẹn nguyên như lần đầu. Qua lời của thuyết minh viên, tôi có thể tưởng tượng được không khí lịch sử đầy hào hùng của thế hệ đi trước, hiểu được giá trị to lớn của hòa bình mà cha ông đã đánh đổi xương máu mới có”.

Với anh Lệ, một lời động viên, lời khen của những du khách là những tình cảm rất đáng trân trọng. “Được du khách trao tặng những tình cảm chân thành là động lực để chúng tôi luôn cố gắng với công việc, làm mới nội dung và hình thức thuyết trình để mỗi khi khách tham quan trở về Ngã ba Đồng Lộc lại thêm yêu quý mảnh đất này” - anh Lệ bày tỏ.

Người kể chuyện lịch sử ở Ngã ba Đồng Lộc

Thường xuyên đọc sách, tìm hiểu sâu hơn về lịch sử là cách mà anh Lệ cùng các thuyết minh viên khác trau đồi thêm kiến thức.

Có thể nói, tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, bên cạnh sự đầu tư về cơ sở vật chất, trưng bày hiện vật… thì những thuyết minh viên như anh Lệ là yếu tố quan trọng góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà. Họ không đơn thuần là những thuyết minh viên mà còn là người dẫn dắt, truyền tải bức thông điệp về văn hóa, lịch sử và “thổi hồn” vào từng câu chữ bằng tất cả trái tim mình.

“Du khách có hiểu được những giá trị, những câu chuyện lịch sử hay không, phần nhiều phụ thuộc vào cách dẫn dắt của các thuyết minh viên. Vì khách tham quan thuộc nhiều tầng lớp, nhiều độ tuổi nên tôi và đồng nghiệp luôn có các cách dẫn riêng, chọn lọc kiến thức để phù hợp với người nghe. Công việc này cũng đòi hỏi người thuyết minh phải có kiến thức, trách nhiệm và tinh thần để quảng bá, lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử” - anh Lệ chia sẻ.

Người kể chuyện lịch sử ở Ngã ba Đồng Lộc

Những câu chuyện về 10 nữ thanh niên xung phong kiên cường luôn được anh Lệ kể lại bằng chính trái tim mình.

Nói về người đồng nghiệp của mình, anh Đào Anh Tuân - Phó Trưởng ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết: “Bằng sự nỗ lực không ngừng với công việc, năm 2009, anh Lệ được phân công làm Trưởng phòng Thuyết minh viên.

Trong quá trình làm việc, anh Lệ luôn nỗ lực tìm hiểu, trau đồi kiến thức lịch sử và tự học hỏi để bài thuyết minh được sống động, hấp dẫn hơn. Anh cùng với 9 thuyết minh viên của khu di tích đã góp phần đưa những câu chuyện lịch sử, sự hy sinh oanh liệt của những người con quê hương đến với du khách gần xa và góp phần đưa du lịch tỉnh nhà ngày một phát triển”.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.