Những con đường “gọi tên” lịch sử ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đi trên những con đường, tuyến phố gắn liền với tên tuổi của anh hùng, liệt sỹ, của phong trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh, người dân Hà Tĩnh càng thêm tự hào về lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng của thế hệ cha ông. Chợt nghe âm vang đâu đây tiếng trống của phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh vọng về.

Dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nói riêng, phong trào cách mạng 1930 - 1931 nói chung đóng vai trò vô cùng quan trọng, khắc ghi dấu mốc chói lọi trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Những con đường “gọi tên” lịch sử ở Hà Tĩnh

Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Nghèn (Can Lộc). Ảnh: Đồng Anh.

Đánh giá về ý nghĩa lịch sử to lớn của phong trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi sau này”.

Đi trên những con đường, tuyến phố gắn liền với tên tuổi của anh hùng, liệt sỹ, của phong trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh, người dân Hà Tĩnh càng thêm tự hào về lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng của thế hệ cha ông.

Những con đường “gọi tên” lịch sử ở Hà Tĩnh

Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh là điểm nhấn của thành phố trẻ năng động. Ảnh: Đình Nhất.

Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh là một trong những con đường mang nhiều niềm tự hào của người dân Hà Tĩnh như thế. Tuyến đường rộng rãi, thoáng mát, được thiết kế hiện đại; công viên Trần Phú nằm trên trục đường chính văn minh, sạch đẹp đã trở thành điểm nhấn của một thành phố trẻ năng động.

Nơi đây cũng là điểm đứng chân của nhiều cơ quan, đơn vị. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của tuyến đường và tên gọi Xô Viết Nghệ Tĩnh càng thêm phần ý nghĩa, thiêng liêng.

Con phố Trần Thị Hường ở phường Bắc Hà chỉ mới được đặt tên những năm gần đây nhưng tên gọi của nữ liệt sỹ Trần Thị Hường đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ người dân Thành Sen.

Những con đường “gọi tên” lịch sử ở Hà Tĩnh

Nhà thờ liệt sỹ Trần Thị Hường và các thành viên đã khuất của gia đình được con cháu chăm sóc, thờ phụng chu đáo.

Theo lời kể của cụ Bùi Thị Hương (SN 1928) - em dâu của liệt sỹ Trần Thị Hường thì chị Trần Thị Hường sinh năm 1911, là con gái đầu lòng trong gia đình có 6 người con của ông Trần Thượng Chất và bà Nguyễn Thị Tám.

Chị từng theo học Trường Tiểu học Pháp - Việt tại TX Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh). Năm 17 tuổi, chị xin gia đình vào Huế để học nhưng thực chất là ra Nghệ An gia nhập tổ chức cách mạng và bí mật hoạt động. Một thời gian sau, chị Hường trở về Hà Tĩnh mang theo rất nhiều tài liệu bí mật để phục vụ cho hoạt động cách mạng nhưng không may bị giặc Pháp bắt giữ, giam ở Nhà lao Hà Tĩnh.

Những con đường “gọi tên” lịch sử ở Hà Tĩnh

Nơi đây còn như một địa chỉ đỏ, là niềm tự hào của người dân địa phương mỗi khi họ kể cho con cháu nghe về sự hy sinh anh dũng của người con gái kiên trung.

Dù tra tấn rất dã man nhưng giặc Pháp không thể khuất phục được ý chí kiên trung của người con gái anh hùng. Chị đã hy sinh tại Nhà lao Hà Tĩnh vào ngày 2/8/1930 khi vừa tròn 19 tuổi. Năm 1945, chị được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sỹ.

Ngày nay, trên con phố Trần Thị Hường vẫn còn ngôi nhà của cha mẹ chị, là nơi thờ cúng những thành viên đã khuất trong gia đình ông Trần Thượng Chất và bà Nguyễn Thị Tám. Không chỉ là nhà thờ của gia đình, nơi đây còn như một địa chỉ đỏ, là niềm tự hào của người dân địa phương mỗi khi họ kể cho con cháu nghe về sự hy sinh anh dũng của người con gái kiên trung.

Những con đường “gọi tên” lịch sử ở Hà Tĩnh

Người dân khu phố Trần Thị Hường có tinh thần đoàn kết, đồng lòng xây dựng tổ dân phố mẫu, tuyến phố văn minh.

Cũng chính bằng niềm tự hào đó, người dân trong phố luôn nêu cao ý thức xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Bà Bùi Thị Nga - Bí thư Chi bộ tổ dân phố 4, phường Bắc Hà cho biết: “Để tiến tới xây dựng khu phố mẫu, tuyến phố văn minh vào cuối năm 2022, người dân tổ dân phố đã đóng góp trên 70 triệu đồng để rải thảm tuyến đường Trần Thị Hường, chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa, xây dựng đường hoa, khu vui chơi công cộng... Người dân khu phố luôn có tinh thần đoàn kết, đồng lòng xây dựng nếp sống văn minh”.

Những con đường “gọi tên” lịch sử ở Hà Tĩnh

Tiểu công viên bên tuyến đường Trần Thị Hường trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương.

Bên cạnh đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Trần Thị Hường thì những tên đường như Nguyễn Huy Lung (xã Thạch Trung), Nguyễn Trung Thiên (phường Tân Giang)... cũng gợi nhắc cho người dân về những con người anh hùng của một giai đoạn lịch sử anh hùng.

Ông Nguyễn Văn Tạo - một hộ dân sống trên tuyến đường Nguyễn Huy Lung chia sẻ: “Ngày trước, con đường này chỉ là đường đất nhỏ hẹp, lầy lội nhưng khi được mang tên người chiến sỹ cách mạng kiên trung Nguyễn Huy Lung, tuyến đường được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Nhờ đó, cuộc sống của người dân hai bên tuyến đường cũng văn minh hơn rất nhiều”.

Những con đường “gọi tên” lịch sử ở Hà Tĩnh

Tuyến đường mang tên người chiến sỹ cộng sản kiên trung Nguyễn Huy Lung đã được mở rộng khang trang, sạch đẹp.

Đồng chí Nguyễn Huy Lung (quê xã Thuận Lộc - Can Lộc, nay thuộc TX Hồng Lĩnh) là Bí thư Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng của TX Hà Tĩnh từ đầu năm 1930. Đồng chí là một trong những yếu nhân trong phong trào đấu tranh của Nhân dân thị xã những năm 1930-1931. Nhận định “Nguyễn Huy Lung không phải là một đảng viên thường”, thực dân Pháp đã đày ông đi qua nhiều nhà lao, tra tấn dã man nhưng không khuất phục được ý chí kiên cường của ông.

Tại các nhà ngục, ông đều tổ chức đấu tranh chống lại kẻ thù, làm rất nhiều bài thơ cảm khái, coi thường ngục tù, cái chết. Tại ngục Kon Tum, ông đã bị kẻ thù sát hại. Sự hy sinh anh dũng của ông đã trở thành một trong những biểu tượng của lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu bất khuất của người chiến sỹ cộng sản.

Những con đường “gọi tên” lịch sử ở Hà Tĩnh

Những con đường mang tên lịch sử là niềm tự hào của người dân thành phố Hà Tĩnh.

Dẫu không phải người dân nào cũng hiểu hết lịch sử, ý nghĩa tên gọi của những con đường, nhưng khi tuyến đường nơi mình sinh sống được đặt tên các danh nhân, anh hùng liệt sỹ, chắc hẳn là một niềm tự hào. Những con đường gọi tên lịch sử sẽ luôn gợi nhắc cho thế hệ sau về công lao to lớn của những người đi trước để bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước thanh bình như hôm nay.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống