Thuật ngữ “cổ công nghệ” dùng để nói về chứng đau cổ và lưng do việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số. Hàng tháng trời “dán mắt” vào màn hình máy tính hoặc điện thoại trong thời gian lockdown khiến bệnh càng trở nên trầm trọng.
“Gần như 100% người dùng máy tính hoặc điện thoại thông minh đều bị căn bệnh này”, tiến sĩ K. Daniel Riew, Giám đốc phẫu thuật cột sống cổ tại khoa Phẫu thuật chỉnh hình, Bệnh viện cột sống NewYork-Presbyterian Och, nói trên tạp chí Health.
Theo tiến sĩ, người Mỹ dành trung bình 5 giờ 53 phút mỗi ngày sử dụng các thiết bị kỹ thuật số.
Giai đoạn lockdown dẫn đến sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống khiến mọi người dành nhiều thời gian hơn vào các ứng dụng giải trí trên điện thoại thông minh. Điều này gây tác động xấu lên cổ, khiến chúng ta vô tình mắc bệnh “cổ công nghệ” mà hoàn toàn không hay biết.
Nguyên nhân gây ra bệnh "cổ công nghệ"?
Anji Gopal, chuyên gia BackCare, Giáo viên Osteopath & Yoga cho biết: “Cổ công nghệ chỉ đơn giản là đau cổ do bị căng thẳng ở một tư thế lặp đi lặp lại. Chủ yếu đau ở phần cơ bị mỏi hoặc phần dây chằng bị căng ra”.
Ví dụ như khi chúng ta cúi xuống nhìn điện thoại hoặc màn hình máy tính, đầu chúng ta ở vị trí nhô ra phía trước, phần trên lưng chùng xuống, tạo ra sự mất cân bằng tạm thời ở cổ và cơ vai.
Boniface, bác sĩ chuyên khoa xương khớp và châm cứu của Vương quốc Anh cho biết rằng, sự kết hợp của các thư thế sai khi ngồi và vị trí bàn làm việc không đúng là nguyên nhân chính gây ra bệnh “cổ công nghệ”. Theo ông, “cơn đau ở vùng sau cổ và vai trên có thể liên quan đến bệnh đau đầu khi căng thẳng. Cơn đau sẽ lan xuống vai, khủyu tay, và cổ tay”.
Dấu hiệu nhận biết bạn đang mắc bệnh "cổ công nghệ"
Nếu bạn thấy cơ cổ và vai bị nhức sau khi ngồi hoặc nếu bạn liên tục phải xoa vai để đỡ mỏi, hay khi bạn luôn phải tìm một tư thế ngồi cho thích hợp và đầu cảm thấy nặng nề thì rất có thể bạn đã mắc chứng bệnh “cổ công nghệ”.
Một dấu hiệu nhận biết nữa là nếu bạn thấy vai mình bắt đầu hơi nhô về trước khiến cho đầu bạn thấp xuống và luôn hướng về trước. Căn bệnh còn được nhận ra bởi các dấu hiệu như sự khó chịu ở cổ dưới, vai và lưng trên; tần suất đau đầu tăng lên, hoặc hay bị cứng khớp.
Tự chữa bệnh "cổ công nghệ"
- Giảm thời gian sử dụng điện thoại hoặc máy tính
Đây là phương pháp tốt nhất để ngăn ngừa căn bệnh. Nhưng nếu công việc của bạn không cho phép điều này thì bạn hãy nâng màn hình lên độ cao ngang tầm mắt. Đồng thời, cố gắng tạo góc 90 độ giữa bàn chân và cẳng chân, giữa đầu gối và hông khi ngồi làm việc.
- Không ngồi quá lâu
Nếu bạn bắt đầu thấy cơ cổ có dấu hiệu bị căng có nghĩa là cổ và vai bạn đang cần co duỗi. Nếu có thể, bạn nên đứng dậy và vận động vai cổ trong vài phút sau mỗi giờ.
- Thư giãn cơ cổ
Bài tập này rất đơn giản và có thể tập bất kỳ lúc nào. Bạn ngồi ở tư thế thoải mái, tay trái thả dọc xuống theo người. Tay phải ôm lên đỉnh đầu và nhẹ nhàng kéo đầu sang phía vai phải, cố không để vai trái bị kéo nhô lên. Bạn chỉ cần kéo đầu ở cường độ vừa phải để giúp duỗi phần cơ bị mỏi chứ không kéo quá mạnh dẫn tới đau. Giữ đầu ở vị trí này từ 30 đến 50 giây rồi lặp lại với tay bên kia.
- Tập thể dục
Các bài tập và hoạt động phù hợp là chìa khóa quan trọng để phòng tránh và điều trị bệnh “cổ công nghệ” đặc biệt là các bài tập hỗ trợ tăng cường cơ lưng và vai. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo với huấn luyện viên để tìm ra bài tập phù hợp.