Bệnh viện Hà Tĩnh thực hiện thành công kỹ thuật bơm xi măng sinh học trong điều trị xẹp loãng xương

(Baohatinh.vn) - Bác sỹ Hoàng Quang Trung - Giám đốc BVĐK Hà Tĩnh cho biết, các bác sỹ Khoa Ngoại thần kinh vừa thực hiện thành công kỹ thuật bơm xi măng sinh học vào cột sống cho bệnh nhân bị chấn thương cột sống, loãng xương dưới sự hướng dẫn của Bệnh viện Trung ương Huế.

Bệnh viện Hà Tĩnh thực hiện thành công kỹ thuật bơm xi măng sinh học trong điều trị xẹp loãng xương

Các bác sỹ tiến hành xác định vị trí tổn thương của đốt sống dưới sự hỗ trợ của máy chụp X-quang C-Arm để tiến hành làm thủ thuật bơm xi măng sinh học

Bệnh nhân Nguyễn Trọng Vỵ (82 tuổi, ở xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) bị ngã xe máy đập lưng xuống nền cứng gây đau lưng, hạn chế vận động.

Sau khi ngã, bệnh nhân Vỵ gặp khó khăn trong việc đi lại, đặc biệt là mỗi khi thay đổi tư thế, cuộc sống sinh hoạt bị ảnh hưởng. Bệnh nhân được người thân đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh thăm khám và điều trị.

Tại đây, sau khi các bác sỹ thăm khám, chụp cộng hưởng từ MRI cho thấy, cột sống bệnh nhân bị vỡ lún nhẹ đốt sống L2, thoái hóa các đốt sống thắt lưng còn lại.

Bác sỹ Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng khoa Ngoại thần kinh (BVĐK Hà Tĩnh) cho biết: Ngay sau khi có kết quả chụp MRI, dưới sự hỗ trợ của các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế, chúng tôi đã tiến hành bơm xi măng bằng kỹ thuật chọc kim qua cuống sống hai bên, dưới sự hướng dẫn của máy chụp X-quang C-Arm cho bệnh nhân Vỵ.

Hai quả bóng sau khi được đưa vào đốt sống bị xẹp sẽ được bơm từ từ cho đến khi gần chạm đến bờ trên và dưới của đốt sống. Sau đó, xi măng sẽ được bơm vào khoang trống vừa tạo ra, cho đến khi nó gần chạm tới hai phần ba của tường sau đốt sống.

Sau khi được xử lý bằng kỹ thuật này, bệnh nhân sẽ nhanh chóng ổn định và xuất viện trong vài ngày.

Bệnh viện Hà Tĩnh thực hiện thành công kỹ thuật bơm xi măng sinh học trong điều trị xẹp loãng xương

Việc bơm xi măng sinh học vào thân đốt sống vừa có tác dụng gắn lại các chỗ gãy xương siêu nhỏ, vừa làm cho thân đốt sống trở nên ổn định, vững chắc, làm giảm sức nén cơ học và tăng sức chịu đựng cho thân đốt sống

Theo Tiến sỹ Ngô Văn Quang Anh - Phó Chủ nhiệm Khoa Ngoại Thần kinh - Bệnh viện Trung ương Huế, xẹp đốt sống là biến chứng nguy hiểm của bệnh loãng xương, rất phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh, người cao tuổi hoặc những người bị chấn thương cột sống. Khi một người bị loãng xương hay chấn thương, xương khớp thường trở nên suy yếu và đẩy nguy cơ gãy xương tăng cao. Nếu người bệnh không phát hiện và điều trị sớm, lâu ngày cột sống có thể bị biến dạng, đốt sống xẹp lún gây ra những cơn đau nhức ảnh hưởng đến chức năng của cột sống và khả năng vận động của người bệnh.

Bác sĩ Anh cũng cho biết, trước đây, cũng có những phương pháp phẫu thuật điều trị xẹp đốt sống, nhưng chỉ áp dụng cho các trường hợp do chấn thương. Phương pháp này chỉ mổ mở, dùng dụng cụ chuyên dụng để làm cho đốt sống chắc chắn trở lại. Nhưng, mổ mở mất nhiều thời gian và dễ gây nhiều tai biến.

Trong khi đó, các trường hợp bị loãng xương thì phải sống chung với đau đớn suốt phần đời còn lại. Với những trường hợp vừa xẹp đốt sống do chấn thương vừa bị loãng xương thì không có cách phẫu thuật nào hiệu quả do xương của bệnh nhân giòn, dễ vỡ.

Thông thường những trường hợp chấn thương thường chỉ phải bơm xi măng vào 1 đốt sống, còn những trường hợp bị loãng xương phải bơm xi măng vào nhiều đốt sống. Đối với những trường hợp đa chấn thương kèm lún đốt sống thì điều trị đa chấn thương trước khoảng 2 tuần mới có thể thực hiện kỹ thuật này.

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.