Các cô giáo Trường Mầm non thị trấn Phố Châu vào tận khe suối để thu lượm những viên đá cuội đưa về phục vụ cho việc dạy học.
Cô Nguyễn Thị Quỳnh Sa - Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Phố Châu cho biết, ý tưởng “biến” đá cuội, sỏi thành phương tiện dạy học, phục vụ các hoạt động trải nghiệm, khám phá cho trẻ được các giáo viên trong trường đề xuất và thảo luận từ những ngày đầu năm học 2021 - 2022.
Xét thấy đề xuất có tính thực tế, nhất là trong điều kiện các thiết bị phục vụ dạy học cho trẻ vẫn còn thiếu nên Ban Giám hiệu nhà trường đã thống nhất cho triển khai ngay.
Với màu sắc và khả năng sáng tạo, các cô giáo “chế tác” sỏi, đá cuội thành những bức tranh, con số đẹp mắt.
Để kịp thời có phương tiện học tập phục vụ trẻ, từ đầu tháng 9/2021, tranh thủ những ngày cuối tuần, giáo viên của Trường Mầm non thị trấn Phố Châu đã vào tận các khe suối, lựa chọn những viên đá cuội, sỏi phù hợp và vận chuyển về trường.
Những viên sỏi xù xì, thô ráp đã được bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của các cô giáo vẽ hình, tô màu để biến thành những tác phẩm dạy học độc đáo như: bông hoa, con vật, chữ cái, chữ số... Rất nhiều câu chuyện cổ tích cũng được tái hiện bằng những bức tranh trên nền của những viên đá cuội.
Hòn đá cuội trở thành những bức tranh nhiều màu sắc.
Cô giáo Phan Thị Loan - giáo viên Trường Mầm non thị trấn Phố Châu chia sẻ: “Việc làm này xuất phát từ sự đam mê nghề nghiệp và tình yêu với con trẻ. Chính điều đó đã luôn thôi thúc chúng tôi tìm mọi cách, tận dụng từ những vật dụng và sáng tạo ra các hình ảnh ngộ nghĩnh của thiên nhiên cùng nhiều đồ vật khác.
Qua các giáo cụ trực quan này, chúng tôi mong muốn góp phần để các cháu nhận biết thế giới muôn màu, đa sắc trong nhà trường. Chúng tôi rất vui vì ý tưởng “biến” sỏi, đá thành đồ dùng học tập được ban giám hiệu và phụ huynh đồng tình, ủng hộ”.
Những câu chuyện cổ tích cũng được tái hiện qua những bức tranh bằng đá, sỏi.
Cũng theo cô Loan, quá trình thực hiện, các cô giáo gặp không ít khó khăn khi quãng đường đi thu lượm chất liệu (đá, sỏi) khá xa; việc lựa chọn đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu; công đoạn thực hiện tác phẩm mất nhiều thời gian khi phải làm sạch trước khi vẽ, tô màu lên đá, sỏi... Thế nhưng đổi lại, cô trò đã có những trải nghiệm thú vị trong những giờ học bằng các chất liệu học tập mới.
Thông qua những hình ảnh đầy màu sắc được tái hiện trên mỗi viên đá cuội, hòn sỏi, trẻ sẽ ghi nhớ sự vật nhanh hơn, dễ hơn. Ngoài ra, phương pháp này còn phát triển khả năng quan sát, trí tưởng tượng, tư duy và ngôn ngữ của trẻ...
Học sinh thích thú vẽ tranh trên nền của viên sỏi trắng.
Cháu Nguyễn Hoàng Dũng - lớp mẫu giáo 5A5 bày tỏ sự thích thú khi quan sát những viên đá ngộ nghĩnh đầy màu sắc. “Cháu được học nào là chữ cái, chữ số, bông hoa, con cá, con mèo. Cháu cũng rất thích khi được các cô hướng dẫn cách vẽ tranh trên đá” - Hoàng Dũng hào hứng.
Theo kế hoạch của nhà trường, đồ dùng học tập độc đáo này trước mắt sẽ được trình bày ở các gốc cây và các khu trải nghiệm theo chủ đề; sau đó tiếp tục triển khai để có nhiều sản phẩm phục vụ công tác dạy học cũng như các hoạt động giáo dục kỹ năng, trải nghiệm, khám phá cho các cháu.
Bức tranh đầy màu sắc từ đá cuội, sỏi được trình bày ở các gốc cây, trở thành những bài học thú vị.
“Việc chế tác những viên đá cuội, sỏi trở thành đồ dùng học tập đẹp mắt có chi phí không lớn nhưng đã góp phần tạo dựng được môi trường trải nghiệm cho trẻ, giúp trẻ cảm nhận được sự vật một cách trực quan, sinh động.
Từ đó, giúp các cô giáo thuận lợi hơn trong việc giúp các cháu yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nâng niu, trân trọng cái đẹp...”, cô Nguyễn Thị Quỳnh Sa - Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Phố Châu chia sẻ thêm.