Biến đổi Khí hậu đang khiến số lượng các đợt nắng nóng chết người gia tăng trên khắp thế giới, đẩy ngày càng nhiều người vào môi trường khắc nghiệt, nơi cơ thể con người không thể tự làm mát đủ nhanh để tồn tại.
Minh chứng rõ ràng nhất là cuộc hành hương Hajj ở Saudi Arabia vào năm ngoái, nơi nhiệt độ chạm mức 51,8 độ C, khiến hơn 1.300 người thiệt mạng.
Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C, những đợt nắng nóng cực đoan có thể đe dọa cư dân trên một khu vực rộng tương đương diện tích nước Mỹ. Đây là cảnh báo được đưa trong một kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Reviews Earth and Environment ngày 4/2.
Các nhà khoa học đã xem xét tác động của nhiệt độ cực cao đối với cơ thể con người và phát hiện rằng các khu vực có nhiệt độ trung bình ở mức nguy hiểm đối với người dưới 60 tuổi đã tăng lên, chiếm khoảng 2% diện tích đất liền toàn cầu trong giai đoạn từ năm 1994 đến 2023. Với người trên 60 tuổi, tỷ lệ này cao hơn đáng kể - lên tới 20%.
Ông Tom Matthews - Giảng viên cấp cao về địa lý môi trường tại King’s College London (Anh), đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu trên, cảnh báo rằng khi nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.
Theo Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu năm 2015, các quốc gia cam kết giữ khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu "thấp hơn nhiều so với ngưỡng 2 độ C," trong đó mục tiêu lý tưởng là 1,5 độ C. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, mức tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu đều đã vượt qua ngưỡng 1,5 độ C.
Báo cáo cảnh báo diện tích đất có nhiệt độ nguy hiểm cho người trẻ sinh sống sẽ tăng gấp 3 lần, chiếm khoảng 6% diện tích đất liền toàn cầu. Trong khi đó, những người trên 60 tuổi sẽ đối mặt nguy cơ sống trong điều kiện nguy hiểm trên 1/3 diện tích đất liền thế giới.
Tại các khu vực vốn nóng nhất trên Trái Đất có thể xuất hiện nhiệt độ “ở mức con người không thể sống sót," khi người trẻ khỏe mạnh cũng có thể tử vong do sốc nhiệt, ngay cả khi họ ở trong bóng râm, có gió mát và uống đủ nước.
Hiện tượng sốc nhiệt xảy ra khi hệ thống làm mát tự nhiên của cơ thể bị quá tải, dẫn đến triệu chứng như hoa mắt, đau đầu, suy nội tạng và tử vong. Nguy hiểm hơn, độ ẩm cao khiến mồ hôi không thể bay hơi, làm giảm khả năng tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
Châu Âu cho đến nay đã ghi nhận số ca tử vong do các đợt nắng nóng cao nhất thế giới, với hơn 70.000 ca tử vong vào năm 2003, 60.000 ca vào năm 2022 và hơn 47.000 ca vào năm 2023. Châu Á cũng đã ghi nhận những thiệt hại nặng nề do nhiệt độ tăng cao, bao gồm vài nghìn ca tử vong ở Ấn Độ và Pakistan trong các đợt nắng nóng vào năm 2015.
Các nhà nghiên cứu cho biết số ca tử vong do nhiệt ở châu Phi "thường không được báo cáo đầy đủ."
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính nhiệt độ cao đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 500.000 người mỗi năm tại khu vực này. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn gấp 30 lần./.