Video: Biển xâm thực vào đất liền ở xã Xuân Hội
Tuyến đê từ K12+400 đến K12+923 và phần bờ biển nằm ngoài eo cửa ra sông Lam, thuộc xã Xuân Hội (Nghi Xuân) đang bị sạt lở nghiêm trọng. Tình trạng trên là do nước nước biển xâm thực kéo dài nhiều năm qua và thật sự đáng báo động.
Tại tuyến đê này, nước biển đã ăn sâu vào đất liền, cuốn trôi nhiều diện tích rừng phòng hộ.
Nhiều cây dứa dại, cây phi lao có tuổi đời hàng chục năm đã bị sóng biển đánh bật trơ gốc. Hiện tại, tuyến đê bị nước biển xâm thực làm xói lở nghiêm trọng, kéo dài khoảng 2,5 km.
Đáng nói là bãi cát vùng ven bờ đã bị xói lở với bề rộng trên 30m gây gãy, đổ bãi cây chắn sóng trước đê, có đoạn đã lở sát vào chân đê.
Ông Trịnh Quang Luật – Chủ tịch UBND xã Xuân Hội cho biết: Sau một trận mưa lớn vào năm 2020 kết hợp với triều cường, khu vực này bắt đầu xuất hiện tình trạng sạt lở. 2 năm gần đây tình trạng nước biển xâm thực ngày càng diễn biến phức tạp hơn, khi diện tích sạt lở tiếp tục mở rộng.
Cũng theo ông Luật thời gian gần đây nước biển lấn sâu vào đất liền từ 15 – 20 m đang dần uy hiếp tuyến đê biển và đất vườn, đất ở của hàng trăm hộ dân 4 thôn trên địa bàn. Với sự thay đổi bất thường của khí hậu, thời tiết cho thấy tình trạng này đang thật sự báo động nên cần sớm có biện pháp khắc phục.
Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đã báo cáo với UBND huyện Nghi Xuân để đưa ra các phương án nhằm ứng phó trước mắt cũng như lâu dài. Tuy nhiên, địa phương đang cần sự quan tâm của các cấp, ngành chuyên môn có biện pháp để hạn chế tình trạng này.
Theo ông Lê Anh Đức – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân, đê Hội Thống được đầu tư nâng cấp từ năm 2009 có tổng chiều dài 17,8 km với nhiệm vụ bảo vệ trực tiếp cho hơn 22.400 người dân và 3.765 ha đất tự nhiên các xã Xuân Hội, Đan Trường, Xuân Phổ, Xuân Hải và gián tiếp bảo vệ cho các vùng phụ cận.
Tuy nhiên, đoạn đê từ K12+400 đến K12+923 và phần bờ biển nằm ngoài eo cửa ra sông Lam với tổng chiều dài khoảng 2,5 km chưa được đầu tư dẫn đến sạt lở nghiêm trọng.
“Huyện cũng đang đề xuất với tỉnh quan tâm tạo điều kiện để đầu tư xây dựng đê giảm sóng tạo và giữ bãi với chiều dài khoảng 2,5 km. Theo đó, kết cấu của đê bằng lõi đá đổ bọc khối bê tông dị hình Akmon, hình thức đê đứt khúc với tổng kinh phí dự kiến 15 tỷ đồng. Đây được xem là công trình phòng chống thiên tai cấp bách trong năm 2022 ” – ông Đức cho biết thêm.