Bộ GD&ĐT không thể quyết định thời gian nghỉ của học sinh cả nước

Bộ GD&ĐT không thể quyết định thời gian nghỉ của học sinh cả nước vì theo quy định hiện nay thẩm quyền này thuộc UBND tỉnh, thành phố.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết theo quy định về phân cấp quản lý, UBND tỉnh, thành phố quyết định việc học sinh nghỉ để phòng tránh Covid-19. Ảnh: MOET .

Trả lời báo chí tối 14/2, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT - cho hay bộ sẽ có hướng dẫn về kỳ thi THPT quốc gia trước khi học sinh quay trở lại trường để các địa phương điều chỉnh quỹ thời gian học bù.

Thời điểm kết thúc năm học có thể lùi 2-3 tuần

- Căn cứ tình hình dịch bệnh, các địa phương cho học sinh nghỉ hai tuần, có nơi nghỉ hết tháng hai. Bộ GD&ĐT thông báo sẽ lùi thời gian kết thúc năm học, cụ thể như thế nào?

Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ tình hình thực tiễn để điều chỉnh thời gian kết thúc năm học sao cho phù hợp, có thể kéo dài 1-2 tuần. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian kết thúc năm học có thể kéo dài 2-3 tuần. Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể để địa phương có căn cứ làm khung điều chỉnh kế hoạch năm học.

Một năm học có những mốc thời gian phải thực hiện như thời điểm kết thúc, hoàn thành xét tốt nghiệp tiểu học, THCS, tuyển sinh vào lớp 10. Khi lùi thời gian kết thúc năm học, các mốc trên cũng phải điều chỉnh dựa trên nguyên tắc không ảnh hưởng nhiều kế hoạch năm tiếp theo.

Học sinh ở Vĩnh Phúc nếu nghỉ quá lâu sẽ là trường hợp đặc thù. Khi đó, với kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ có phương án riêng cho địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Thành

Cơ quan quản lý nên rút gọn thời gian chuẩn bị hoạt động giáo dục để ôn tập, đảm bảo kiến thức cho học sinh. Như vậy, cái khó sẽ thuộc về cơ quan quản lý. Ví dụ, thời gian chuẩn bị cho kỳ thi chiếm 6 tuần thì nên rút lại thực hiện trong 4-5 tuần.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn về thời điểm tổ chức thi THPT quốc gia phù hợp. Hướng dẫn này sẽ có trước khi học sinh quay trở lại trường, để các địa phương điều chỉnh quỹ thời gian học bù.

- Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại sao Bộ GD&ĐT không quyết định thời điểm cho học sinh nghỉ trên toàn quốc?

Pháp luật quy định về phân cấp quản lý. Trong đó, Nghị định 127 quy định UBND thành phố trực thuộc trung ương sẽ quản lý và có trách nhiệm giải trình các tổ chức hoạt động giáo dục trên địa bàn.

Nghị định 69 về chức năng, quyền hạn của Bộ GD&ĐT cũng ghi rõ điều này. Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định 2071 về khung kế hoạch thời gian năm học, quy định rõ UBND cấp tỉnh, trung ương sẽ xây dựng kế hoạch học tập, học bù.

Quyết định nêu rõ: “Chủ tịch UBND tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương quyết định kế hoạch thời gian năm học với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp thực tiễn của địa phương trong trường hợp kéo dài năm học, trường hợp đặc biệt do UBND cấp tỉnh quy định”.

- Có ý kiến thắc mắc tại sao Bộ GD&ĐT không cho học sinh nghỉ luôn 3 tháng mùa xuân thay vào 3 tháng mùa hè?

Học sinh bậc phổ thông từ lớp 1 đến 12, không phải tất cả đều giống nhau. Học sinh cuối cấp buộc phải có kỳ thi chuyển cấp, thi THPT quốc gia, không thể lùi đến sang năm được. Vì vậy, chúng ta phải tính đến các mốc thời gian này, cần tính toán lùi hơn năm học trước nhưng không ảnh hưởng lớn các năm tiếp theo.

Căn cứ tình hình thực tiễn, các địa phương quyết định cho học sinh đi học trở lại theo lứa tuổi và địa bàn. Ví dụ, học sinh lớp 12 có kỹ năng tự bảo vệ mình và thể lực tốt, có thể tính toán, cân nhắc cho đến trường trở lại. Nếu tất cả học sinh đều nghỉ 3 tháng, sẽ ảnh hưởng năm học tiếp theo.

Nhiều tỉnh thành quyết định cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2. Ảnh: Hoàng Hà.

Học bù nhưng phải đảm bảo thời gian nghỉ ngơi

- Sắp tới, khi học sinh quay lại trường, việc học bù của các địa phương sẽ được thực hiện như thế nào?

Các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức chương trình học bù, có thể tổ chức vào thứ bảy, chủ nhật nhưng phải đảm bảo thời gian cho các em nghỉ ngơi.

Thời gian năm học hiện nay là 35 tuần, được thiết kế một buổi học mỗi ngày. Nhiều trường chưa có điều kiện để học cả ngày. Trước tình hình dịch bệnh, địa phương có thể tận dụng thời gian và lớp học trống, phòng đa năng, phòng chức năng để học bù.

Giáo viên tăng giờ làm bù lại thời gian đã nghỉ. Mỗi địa phương phải có kế hoạch cụ thể, không áp dụng chung cho tất cả cơ sở giáo dục.

- Trường hợp học sinh ở Vĩnh Phúc nghỉ quá lâu, ảnh hưởng thời gian diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ có phương án nào?

Với các địa phương đặc thù như Vĩnh Phúc, thời gian dịch bệnh có thể kéo dài. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là sức khỏe của học sinh, giáo viên đặt lên hàng đầu. Học sinh cần cách ly theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và Bộ Y tế.

Thời gian nghỉ của học sinh ở tỉnh này có thể kéo dài hơn. Địa phương cần nỗ lực tổ chức học bù sau khi đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường. Học sinh cũng phải cố gắng hơn về thời gian tập trung học tập so với các địa phương khác.

Trong thời gian các em ở nhà, nhà trường nên cố gắng sử dụng các phương tiện thông tin, email, điện thoại, học trực tuyến để kết nối thầy và trò. Học sinh phải ôn tập khi nghỉ để lúc đến trường vẫn đảm bảo chương trình.

Học sinh ở Vĩnh Phúc nếu nghỉ quá lâu sẽ là trường hợp đặc thù. Khi đó, với kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ có phương án riêng cho địa phương. Nếu đủ thẩm quyền, Bộ GD&ĐT sẽ có những quyết định. Nếu vượt thẩm quyền, Bộ GD&ĐT xin ý kiến Chính phủ, Quốc hội về việc này

Tin liên quan:
Theo Quyên Quyên/Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói