Bộ trưởng Nội vụ Pháp từ chức vì bê bối tuyển dụng con gái

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bruno Le Roux ngày 21/3, từ chức do bê bối liên quan đến cáo buộc ông tuyển 2 con gái làm trợ lý tại Quốc hội từ năm 2009-2016.

Phát biểu trong tuyên bố từ chức, ông Bruno Le Roux khẳng định mình “thành thật” và nhấn mạnh không muốn bê bối cá nhân ảnh hưởng đến công việc trong chính phủ.

bo truong noi vu phap tu chuc vi be boi tuyen dung con gai

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bruno Le Roux từ chức do bê bối liên quan đến cáo buộc ông tuyển 2 con gái. Ảnh: RTL.

Ngay lập tức, Tổng thống Pháp đã thông báo chỉ định Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương Matthias Fekl thay thế vị trí Bộ trưởng Nội vụ. Việc chuyển giao giữa ông Le Roux và tân bộ trưởng sẽ diễn ra vào sáng nay 22/3.

Theo những cáo buộc, từ thời làm nghị sỹ tại Seine Saint Denis vào năm 1997 cho tới khi vào chính phủ vào tháng 12/2016, ông Bruno Le Roux đã nhiều lần tuyển dụng hai con gái dưới dạng hợp đồng ngắn hạn làm trợ lý tại Quốc hội.

Những hợp đồng đầu tiên được ký khi hai con gái của ông mới chỉ 15 – 16 tuổi. Tổng cộng 24 hợp đồng đã được ký kết với số tiền lương trả cho hai con gái ông Le Roux khoảng 55.000 euro, trong đó 10 hợp đồng với con gái lớn, 14 hợp đồng với con gái thứ.

Theo nguồn tin báo chí, một số hợp đồng được ký trong thời gian trùng với thời gian đi học hay thực tập bắt buộc tại các công ty của hai con gái ông Le Roux, làm dấy lên nghi ngờ công việc là không có thực.

Tân bộ trưởng nội vụ được báo chí Pháp đánh giá là một gương mặt chưa được công chúng biết nhiều. Mang trong mình hai dòng máu Pháp – Đức, ông Matthias Fekl, 39 tuổi, hiện là Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương, thúc đẩy du lịch và phụ trách vấn đề người Pháp ở nước ngoài.

Báo chí Pháp phân tích lai lịch cũng như quá trình học vấn khá “mẫu mực” của ông Fekl và nhận định ông là một chính trị gia trung thành của đảng Xã hội – nhân vật ít có khả năng liên minh với ứng cử viên tự do, cựu bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron.

Dù được đánh giá là làm tốt trong việc thiết lập mạng lưới quan hệ, song sự bổ nhiệm ông Fekl vào thời điểm này vẫn gây nhiều hoài nghi trong dư luận, đặc biệt trong bối cảnh nước Pháp đang phải đối mặt với một loạt vấn đề an ninh, đe dọa khủng bố, khủng hoảng hình ảnh của cảnh sát dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ trên cả nước…

Và dù đã là “hoàng hôn” trong nhiệm kỳ của Tổng thống Hollande, song chỉ còn 4 tuần nữa là tới cuộc bầu cử Tổng thống, do đó, các nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự càng trở nên cấp bách. Tất cả đòi hỏi một nhân vật mạnh vào vị trí Bộ trưởng nội vụ.

Vụ bê bối làm hạ bệ Bộ trưởng nội vụ Le Roux càng đè nặng “bóng ma bê bối tài chính” mà các chính trị gia Pháp đang phải đối mặt.

diễn biến mới nhất, tờ Le Canard Enchaine ngày 22/3 đưa tin cáo buộc ứng cử viên cánh hữu Francois Fillon đã nhận 50.000 USD vào năm 2015 từ một tập đoàn công nghiệp Lebanon để dàn xếp một cuộc gặp với Tổng thống Nga và Chủ tịch tập đoàn năng lượng Total của Pháp.

Theo tờ báo, ông Fillon đã đóng vai trò trung gian vào ngày 19/6/2015, bên lề Diễn đàn kinh tế quốc tế ở Saint Peterbourgs. 9 ngày trước đó, ông Fillon có thể đã ký một hợp đồng, thông qua công ty của ông 2F Conseil, với tập đoàn của tỷ phú Lebanon Fouad Makhzoumi.

Le Canard Enchaine khẳng định đã tiếp cận bản hợp đồng dài 7 trang này, trong đó ông Fillon cam kết đóng vai trò trung gian giữa những nhân vật có ảnh hưởng và quyền lực trong giới doanh nghiệp Nga, Algeria, Gabon, Bờ biển Ngà và Pháp.

Nếu những cáo buộc mới này được chứng minh, đây có thể sẽ là “cú chốt” chấm dứt cuộc chạy đua của ông Fillon vào chiếc ghế tổng thống, và thậm chí kết thúc sự nghiệp chính trị của chính trị gia này.

Theo VOV

Đọc thêm

Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Ông Sheikh Naim Qassem, người được bầu làm thủ lĩnh mới của Hezbollah ngày 29/10, là nhân vật đã gắn bó, cống hiến cho với lực lượng này trong hơn 30 năm.
Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Quốc gia Ðông Phi đang bị đẩy đến bờ vực nạn đói, khiến Liên hợp quốc phải kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý nhiều hơn đến "cuộc khủng hoảng bị lãng quên" này.
Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Được đánh giá là một trong những cơn bão nguy hiểm và tàn khốc nhất đổ bộ vào Philippines trong năm nay, cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia cho biết cơn bão đã khiến ít nhất 85 người thiệt mạng và 41 người khác mất tích.
Nhiều trẻ em tử vong do không thể rời khỏi Gaza

Nhiều trẻ em tử vong do không thể rời khỏi Gaza

Các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) cho biết trẻ em tại Dải Gaza đang chết trong đau đớn vì thiếu các hoạt động cấp cứu trong bối cảnh chính quyền Israel ngày càng ít chấp thuận sơ tán y tế cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này này sau khi đóng cửa khẩu Rafah.