World Cup nâng số đội tham dự, Việt Nam sẽ cạnh tranh với những ai?

FIFA chính thức nâng số đội dự vòng chung kết (VCK) World Cup lên 48 đội. Về lý thuyết cơ hội của đội tuyển Việt Nam sẽ được nâng lên nhưng thực tế có thể không dễ dàng như vậy.

Theo tính toán, sau khi số lượng đội dự VCK World Cup tăng từ 32 lên 48 đội vào năm 2026, châu Á sẽ có tổng cộng 8,5 suất (thay vì 4,5 suất như trước đó) gồm 8 đội vào thẳng VCK và một đội sẽ đá play-off tranh vé vớt với đại diện của lục địa khác.

Cũng về lý thuyết, đội tuyển Việt Nam đã nằm trong nhóm 12 đội xuất sắc nhất tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á (sau khi chúng ta lọt vào vòng loại thứ ba - vòng loại cuối cùng). Đội bóng của HLV Philippe Troussier trong thời gian tới chỉ cần cố gắng thêm chút nữa để lọt vào top 8. Nhưng đấy cũng chỉ là lý thuyết.

World Cup nâng số đội tham dự, Việt Nam sẽ cạnh tranh với những ai?

Thái Lan sẽ là rào cản lớn đầu tiên đội tuyển Việt Nam cần phải vượt qua nếu muốn có vé dự World Cup (Ảnh: Tiến Tuấn).

Thực tế cho thấy, hành trình của đội tuyển Việt Nam hướng đến vé dự VCK World Cup 2026 hết sức chông gai.

Đầu tiên, trong khu vực Đông Nam Á, đội bóng của HLV Philippe Troussier sẽ cạnh tranh với đối thủ rất mạnh Thái Lan.

Đội tuyển Thái Lan tại vòng loại World Cup 2026 (bắt đầu khai diễn từ cuối năm nay) sẽ khác hẳn chính họ tại vòng loại World Cup 2022. Giai đoạn vòng loại World Cup 2022 là giai đoạn mà hầu hết các tuyển thủ Thái Lan tẩy chay HLV Akira Nishino (người Nhật Bản), nên các trụ cột của đội này hoặc không lên tuyển, hoặc không thi đấu hết mình.

Đến khi HLV Akira Nishino bị sa thải, HLV Mano Polking lên thay, đội bóng đất Chùa Vàng lập tức lột xác. Họ liên tiếp 2 lần vô địch AFF Cup các năm 2020 và 2022. Trong cả hai lần đấy, Thái Lan đều đánh bại đội tuyển Việt Nam trên hành trình đăng quang (họ thắng chúng ta ở bán kết AFF Cup 2020 và chung kết AFF Cup 2022).

Tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam nằm chung bảng với Thái Lan và xếp trên đội này. Tuy nhiên, tại vòng loại World Cup 2026, về lý thuyết đội bóng đất Chùa Vàng mạnh hơn đội tuyển Việt Nam.

World Cup nâng số đội tham dự, Việt Nam sẽ cạnh tranh với những ai?

Để có vé dự VCK World Cup, đội tuyển Việt Nam phải biết đá tấn công áp đặt lối chơi, thay vì chỉ biết đá phòng ngự phản công như trước đây (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ngoài ra, theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, trong lần trả lời phóng viên Dân trí trước đây, có phân tích: 5 đội có trình độ cao nhất châu Á, vượt trội so với phần còn lại gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran, Australia gần như sẽ có vé. Tính thêm Qatar đang nổi lên rất nhanh, gần như đã có 6/8,5 vé của châu Á được xác định.

“2,5 vé còn lại sẽ là sự cạnh tranh của hơn 10 đội gồm Việt Nam, Thái Lan, Uzbekistan, UAE, Iraq, Syria, Bahrain, Kuwait, Oman, Jordan, Lebanon, Yemen, Trung Quốc, có thể có CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, 2 đội bóng Đông Nam Á Malaysia và Indonesia, cùng với Ấn Độ cũng không phải đối thủ lót đường nếu so với tuyển Việt Nam” - chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương khi đó bình luận thêm.

Khoảng 16 đội cạnh tranh 2,5 suất, xác suất lọt vào nhóm có vé của bất kỳ đối thủ nào trong nhóm này không hề cao, nên nhiệm vụ của đội tuyển Việt Nam chắc chắn không dễ.

Vả lại, so với vòng loại thứ 3 World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam khi đó chưa đặt mục tiêu giành vé dự World Cup. Chúng ta chưa nhất thiết phải cạnh tranh điểm số với các đội còn lại, không nhất thiết phải đá tấn công để tích lũy điểm, nên nhiệm vụ của chúng ta đơn giản hơn, lối chơi dành cho nhiệm vụ đó cũng đơn giản hơn.

Còn ở vòng loại World Cup 2026, khi đã đặt mục tiêu giành vé, đội tuyển Việt Nam sẽ phải đá tấn công để cạnh tranh thành tích và cạnh tranh điểm số.

Trong bóng đá, chơi tấn công áp đặt khó hơn nhiều so với đá phản công kiểu rình rập (xây mới khó, phá thì dễ). Thành ra, khi đã hướng về mục tiêu tranh vé dự World Cup, đội tuyển Việt Nam cũng phải xây dựng lối chơi tấn công áp đặt đối thủ ngay từ bây giờ, không đơn thuần chỉ biết đá đúng kiểu phòng ngự - phản công như thời HLV Park Hang Seo. Đấy cũng là nhiệm vụ không hề đơn giản!

Theo Dân trí

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast