Các giải pháp đầu tư của Hà Tĩnh phải đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững!

(Baohatinh.vn) - Các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp mong muốn Hà Tĩnh tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo cơ chế thông thoáng, hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược.

Báo Hà Tĩnh ghi nhận sự kỳ vọng, chia sẻ của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp trước thềm hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh.

Giáo sư Mai Trọng Nhuận - Trưởng nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội - Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: Các giải pháp đầu tư phải đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Các giải pháp đầu tư của Hà Tĩnh phải đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững!

Theo Giáo sư Mai Trọng Nhuận, căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế và làm việc với lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, Hội Khoa học kinh tế Hà Tĩnh vào tháng 3/2023, Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội thống nhất tiêu chí và dự kiến các nội dung tư vấn để Hà Tĩnh ưu tiên triển khai.

Theo đó, về tiêu chí lựa chọn nội dung ưu tiên phát triển bền vững Hà Tĩnh, cần lưu ý phát huy, tận dụng được lợi thế địa chính trị, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Hà Tĩnh (tự nhiên, tài nguyên, văn hóa, con người ở tại Hà Tĩnh và ở ngoài Hà Tĩnh) thành cơ hội, chuyển tiềm năng thành giá trị sử dụng tạo ra sản phẩm, kết quả phục vụ phát triển KT-XH, ứng phó biến đổi khí hậu, tạo đột phá phát triển theo hướng bền vững. Ngoài ra, phải dựa trên tiêu chí tạo tính khác biệt; sức cạnh tranh cao, hài hòa phát triển kinh tế - xã hội - môi trường - văn hóa; tạo được niềm tin, nhiều người được hưởng lợi thực sự; tạo thuận lợi thu hút đầu tư và tính khả thi về nguồn lực, nhân lực.

Trên cơ sở đó, Nhóm Tư vấn đã đề xuất các nội dung ưu tiên triển khai để phát triển Hà Tĩnh bền vững.

Đầu tiên là xây dựng, áp dụng mô hình tiếp cận phát triển Hà Tĩnh bền vững, thịnh vượng, an toàn. Theo đó, nhận diện, đánh giá lại lợi thế, vị trí của Hà Tĩnh trong tương quan của thời đại, khuynh hướng phát triển của khu vực miền Trung, Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và toàn cầu; đưa trí tuệ bao trùm lên tất cả các lĩnh vực phát triển (phát triển dựa trên nền tảng công nghệ số và trí tuệ), nghiên cứu đề xuất các giải pháp để phát triển và ứng dụng sâu rộng công nghệ trong tất cả các lĩnh vực, các ngành, đưa Hà Tĩnh phát triển thịnh vượng, an toàn dựa vào trí tuệ; chuyển đổi mô hình phát triển.

Các giải pháp đầu tư của Hà Tĩnh phải đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững!

KDL Xuân Thành nhìn từ trên cao. Ảnh: Đình Nhất

Các giải pháp đầu tư phải đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm kinh tế - xã hội, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, cac-bon thấp, chống chịu cao, đưa tư duy số vào tất cả các lĩnh vực quản lý và quản trị, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, xã hội… ; phát triển bền vững dựa vào phát huy nguồn lực nội lực, đi từ đột phát thí điểm, sau đó mở rộng và sâu dần. Bên cạnh đó, tập trung các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, khai thác thế mạnh của kinh tế rừng, kinh tế mặt nước; nghiên cứu phát hiện, tạo động lực phát triển bền vững Hà Tĩnh.

Thứ hai là nghiên cứu đề xuất các giải pháp đột phá số, kết nối số và làm cho Hà Tĩnh gần với tất cả các trung tâm xuất sắc của Việt Nam, thế giới. Chính phủ số cung cấp nền tảng số để đảm bảo 100% dịch vụ trực tuyến cho mọi người dân có thể tiếp cận theo mô hình doanh nghiệp. Kinh tế số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Xây dựng nông thôn mới dựa vào chuyển đổi số, công nghệ số; đô thị số, đô thị thông minh; đưa công nghệ đến từng hộ gia đình, từng cá nhân để nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai.

Thứ ba là công nghiệp hóa, cần phân tích, so sánh, ưu tiên công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo gắn với chuyển đổi năng lượng … để phát triển Hà Tĩnh bền vững. Cùng đó, đề xuất các giải pháp sản xuất thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao, công nghiệp chế biến, phát triển dự án dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh; vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường bền vững, giám sát môi trường minh bạch.

Thứ tư là phát triển và phát huy lan toả cảng Vũng Áng. Xác định mô hình phát triển liên vùng - liên quốc gia - liên khu vực - liên quốc tế theo hướng tập trung; triển khai các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh bằng liên kết vùng, khu vực, thế giới; phát triển dịch vụ hậu cần sau cảng - logistics để thu hút nguồn hàng.

Thứ năm là xây dựng, phát triển và áp dụng các giải pháp triển du lịch và công nghiệp văn hóa tạo ra sản phẩm để triển KT -XH dựa vào khai thác, tôn tạo, bảo tồn các di sản, các giá trị độc đáo về tự nhiên, xã hội, văn hóa; phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái gắn với văn hoá, lịch sử, tâm linh, sông, hồ; kết nối du lịch Nghệ An - Quảng Bình, Lào -Thái Lan…

Các giải pháp đầu tư của Hà Tĩnh phải đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững!

Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là nhà máy thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương được xác định là trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh.

Thứ sáu là sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường, gồm: các giải pháp quản lý và khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên (khoáng sản, nước, rừng…) gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững; các giải pháp đảm bảo môi trường sống an toàn, sạch cho người dân Hà Tĩnh, vừa thu hút đầu tư và thu hút du lịch, hạn chế rủi ro môi trường từ các khu công nghiệp và khai thác khoáng sản.

Thứ bảy là các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, sức khỏe, nâng cao chỉ số hạnh phúc. Phát triển, thu hút, sử dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao theo các nhóm (các nhà hoạch định và thực thi chính sách; các doanh nhân, quản lý doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã; các nhà khoa học và đội ngũ kỹ sư, công nhân có tay nghề), theo ngành, lĩnh vực, bậc học dựa vào đổi mới sáng tạo, công nghệ số, công nghệ thông minh và phát huy tiềm năng, thế mạnh của Hà Tĩnh và con người Hà Tĩnh. Đề xuất thành lập Trung tâm Y tế Hải Thượng bên cạnh Khu tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và Khu du lịch sinh thái Hải Thượng với các chức năng khám chữa bệnh theo phương pháp đông tây y kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; đào tạo thầy thuốc đông y; phát triển cây dược liệu thuốc nam.

Thứ tám là các giải pháp đẩy mạnh đô thị hóa (trong đó có các mô hình phát triển đô thị) và phát triển dựa vào đô thị. Phát triển mạng lưới, hệ thống đô thị phù hợp với địa lý, địa hình, địa kinh tế của Hà Tĩnh theo hướng hiện đại hoá là động lực tăng trưởng nhanh và bền vững, trong đó có 3 trung tâm: TP Hà Tĩnh mở rộng về hướng biển; đô thị công nghiệp - dịch vụ; cảng biển, logistics.

Hình thành các mô hình phát triển đô thị ở Hà Tĩnh như: mô hình đô thị biển dựa vào công nghiệp hóa (Vũng Áng, đô thị từ khu công nghiệp VSIP Thạch Hà …), đô thị sinh thái, văn hoá - du lịch - công nghệ cao… Nghiên cứu phát triển các thành phố cặp đôi: Kỳ Anh - Vũng Áng; TP Hà Tĩnh - Đồng Hới (thành phố cặp đôi liên tỉnh); TP Hà Tĩnh - TX Kỳ Anh (mối liên hệ có tính chất thể chế giữa trung tâm chính trị, hành chính và trung tâm công nghiệp, đô thị lớn và quan trọng nhất của tỉnh); cặp đôi đô thị sinh thái, văn hoá - du lịch - công nghệ cao TX Hồng Lĩnh – huyện Nghi Xuân; cặp đôi giữa đô thị Bắc Hà Tĩnh (TX Hồng Lĩnh và huyện Nghi Xuân) với thành phố Vinh (huyện Nghi Xuân cùng TX Hồng Lĩnh trở thành đô thị sinh thái, văn hoá, du lịch, bổ sung cho thành phố Vinh)…

Các giải pháp đầu tư của Hà Tĩnh phải đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững!

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khẳng định khát vọng, tầm nhìn, chỉ ra các động lực phát triển của tỉnh. Ảnh: Đình Nhất.

Thứ chín là các giải pháp về thu hút đầu tư và nguồn lực trong và ngoài nước; phát triển doanh nghiệp thông qua “chương trình phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư”, tổ chức trong hội nghị thu hút đầu tư gắn với việc công bố Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ mười là các đột phá về thể chế, chính sách, cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, phân công để thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 2021-2025 và triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tạo động lực cho đổi mới sáng tạo, phát triển, đầu tư lâu dài; cơ chế đảm bảo cho người dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì phát triển bền vững Hà Tĩnh; cơ chế đặc thù cho phát triển Trường Đại học Hà Tĩnh; vấn đề quản trị rủi ro…

Ông Lương Trí Độ - Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Hà Tĩnh phía Nam: Tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi, Hà Tĩnh sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn.

Các giải pháp đầu tư của Hà Tĩnh phải đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững!

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư của quê hương là sự kiện rất đáng mừng cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Hà Tĩnh ở phía Nam. Các doanh nghiệp xa quê cũng được hưởng lợi khi có cơ hội tăng cường kết nối, hợp tác đầu tư trên quê hương, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và giao thương. Hơn nữa, việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh còn đóng vai trò quyết định trong việc thu hút đầu tư, xây dựng Hà Tĩnh trở thành địa chỉ hấp dẫn để đầu tư trong thời gian tới.

Trên thực tế, CLB Doanh nhân Hà Tĩnh phía Nam đã nhiều lần gặp gỡ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các địa phương và tìm hiểu cơ hội đầu tư. Ngay từ thời điểm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Hà Tĩnh, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ tối đa từ các đơn vị, ban, ngành của tỉnh. Đó là việc xóa bỏ rào cản, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh thường xuyên theo dõi tình hình triển khai các dự án đầu tư, kịp thời xử lý những vướng mắc, nhất là thực hiện hồ sơ thủ tục hành chính, những bất cập trong quy hoạch, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng..., tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai dự án.

Ước tính đến thời điểm hiện tại, tổng số vốn đầu tư của các đơn vị trong CLB ở Hà Tĩnh là 3.800 tỷ đồng. CLB Doanh nhân Hà Tĩnh phía Nam cũng đã giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư là những đối tác tiêu biểu, tiềm năng, có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư sản xuất, kinh doanh cả trong nước lẫn nước ngoài đến với Hà Tĩnh. Công tác này tiếp tục được triển khai thực hiện thường xuyên trong thời gian tới.

Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng các chính sách vượt trội, môi trường thông thoáng, chúng tôi kỳ vọng Hà Tĩnh tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Ông Trần Văn Viết - Tổng Giám đốc Công ty TNHHThương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải: Quy hoạch tỉnh “mở đường” để doanh nghiệp phát triển.

Các giải pháp đầu tư của Hà Tĩnh phải đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững!

Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, hiện nay, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải đang là doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề với các lĩnh vực: kinh doanh vật liệu xây dựng, vận tải, sản xuất bê tông thương phẩm, cấu kiện bê tông đúc sẵn, gạch ngói không nung công nghệ cao, thi công xây dựng công trình. Với 12 đơn vị thành viên, công ty đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động; thu nhập bình quân trên 8 triệu đồng/người/tháng.

Trong thời gian tới, công ty sẽ tập trung phát triển đa ngành nghề mà trọng tâm là sản xuất bê tông thương phẩm, cấu kiện bê tông đúc sẵn, gạch ngói không nung công nghệ cao và thi công nền móng công trình đô thị, công nghiệp, dân dụng… Bởi vậy, khi Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, doanh nghiệp kỳ vọng tỉnh sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư chiến lược về địa phương, từ đó tạo cơ hội để công ty mở rộng các mối quan hệ hợp tác, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như “bức tranh” tái cấu trúc nền kinh tế Hà Tĩnh theo 4 ngành kinh tế trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 1 trung tâm động lực tăng trưởng và 4 nền tảng hỗ trợ tăng trưởng. Đây sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp trong tỉnh có thêm nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

Các doanh nghiệp kỳ vọng khi Quy hoạch tỉnh đi vào hiện thực, Hà Tĩnh sẽ tạo dựng môi trường đầu tư thân thiện với các chính sách, cơ chế thông thoáng, tạo nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách hỗ trợ; giải quyết hồ sơ, thủ tục, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các dự án mới… để mở rộng quy mô, từ đó tạo thêm nhiều việc làm cho lao động và tăng thu ngân sách cho địa phương.

Ông Bùi Xuân Sinh - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Nghệ An: Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Các giải pháp đầu tư của Hà Tĩnh phải đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững!

Thời gian qua, chính quyền các cấp tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra nhiều giải pháp có trọng tâm, trọng điểm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp. Điều này được thể hiện qua việc thăng hạng của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2022, trong bảng xếp hạng PCI, Hà Tĩnh xếp thứ 18 toàn quốc và xếp thứ 2 trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ (sau tỉnh Thừa Thiên Huế).

UBND tỉnh tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế và cải thiện, nâng cao các chỉ số: cải cách hành chính (PAR INDEX), hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Nhờ đó, môi trường đầu tư đã có những cải thiện trên nhiều mặt như: sự năng động của chính quyền, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh, môi trường cạnh tranh ngày càng bình đẳng...

Hà Tĩnh cũng đang có nhiều động thái tích cực, quyết liệt để nâng cao lòng tin của doanh nghiệp đối với chính sách của tỉnh như: tổ chức hội nghị đối thoại, các cuộc xúc tiến đầu tư, gặp gỡ doanh nghiệp; tuyên truyền về chính sách hỗ trợ đầu tư qua internet; tham gia nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước, khu vực… nhằm chia sẻ, trao đổi giữa chính quyền và doanh nghiệp. Điều này mang lại hiệu quả tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Hà Tĩnh là tỉnh thứ 2 trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Điều đó chứng minh sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo trong việc phấn đấu đưa tỉnh phát triển mạnh về mọi mặt. Có bản quy hoạch làm định hướng, Hà Tĩnh cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Một số lĩnh vực hành chính cần có sự quan tâm, chú trọng trong thời gian tới như thuế, đất đai, bảo hiểm xã hội, an toàn phòng chống cháy nổ, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện; tiếp tục tạo thuận lợi trong tiếp cận thông tin và giảm thiểu chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp.

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư với chủ đề “Hà Tĩnh -­ Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng” được tổ chức lần này chính là thông điệp gửi đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước định hướng, chiến lược phát triển cũng như thể hiện tầm nhìn dài hạn, khát vọng vươn lên để sớm trở thành tỉnh khá của cả nước. Đây cũng là bước mở đầu để hệ thống chính quyền tỉnh tiếp tục đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch, từ đó thu hút thêm các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước.

Chủ đề QUY HOẠCH TỈNH HÀ TĨNH THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.