Du lịch - “đất vàng” cho nhà đầu tư vào Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Với nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác, du lịch Hà Tĩnh đang đón đầu cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, sau khi Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Nguồn tài nguyên du lịch dồi dào

Hà Tĩnh nằm trong dải đất miền Trung, là địa phương có nhiều di sản văn hóa, danh thắng đặc sắc và lịch sử phát triển vô cùng kỳ thú. Theo các kết quả khảo cổ học, tại nhiều di chỉ như: Phôi Phối, bãi Cọi (Nghi Xuân), Thạch Lạc (Thạch Hà)…, người Việt cổ đã cư trú tại đây từ 4.000 - 5.000 nghìn năm trước.

Xuyên suốt tiến trình phát triển lịch sử dân tộc, mảnh đất Hà Tĩnh luôn giữ một vị trí quan trọng, có vai trò là mắt xích kết nối các thời kỳ phát triển khác nhau.

Du lịch - “đất vàng” cho nhà đầu tư vào Hà Tĩnh

Hồ Kẻ Gỗ - một trong những điểm đến hấp dẫn. Ảnh: Đình Nhất.

Từ thời Kinh Dương Vương lập đô trên núi Hồng Lĩnh sinh ra các vua Hùng sau này, đến truyền thuyết Chử Đồng Tử tầm sư học đạo và là vị phật tử đầu tiên tu hành tại chùa Quỳnh Viên (nằm trên núi Long Ngâm - núi Nam Giới, thuộc địa phận xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà ngày nay), rồi những dấu ấn đời nhà Trần ở thế kỷ XIII tại chùa Hương Tích, Đại thi hào Nguyễn Du thời Nguyễn...

Hà Tĩnh cũng ghi tên mình vào lịch sử dân tộc bằng những cột mốc về đất và người không thể nào quên: là quê hương cố Tổng Bí thư Trần Phú, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập; là nơi diễn ra cao trào Xô viết 1930-1931; nơi có Ngã ba Đồng Lộc bất khuất, anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ…

Du lịch - “đất vàng” cho nhà đầu tư vào Hà Tĩnh

Ngã ba Đồng Lộc thu hút hàng chục vạn lượt khách về tham quan, tri ân mỗi năm.

Gắn liền với chiều sâu của trầm tích văn hóa, lịch sử là những di tích hàng trăm năm tuổi, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các bãi biển cát mịn, nước trong. Đặc biệt, trong dòng chảy của vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, những dòng họ khoa bảng…, con người Hà Tĩnh hồn hậu, chất phác, mến khách. Tất cả hội tụ làm nên tài nguyên vô cùng dồi dào, phong phú, đa dạng và độc đáo để phát triển du lịch.

Ông Dương Đức Minh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “Hà Tĩnh là vùng đất giàu di sản văn hóa, đó chính là nguồn tài nguyên dồi dào để đầu tư phát triển du lịch. Có thể nói trên con đường di sản miền Trung từ Thanh Hóa vào đến Ninh Thuận, Hà Tĩnh là một điểm nhấn để du khách mọi miền dừng chân lại đây khám phá”.

Du lịch - “đất vàng” cho nhà đầu tư vào Hà Tĩnh

Các nhà nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TP Hồ Chí Minh khảo sát điểm đến Khu di tích Nguyễn Du dịp đầu năm 2023.

Trên thực tế, nhiều năm qua, với các chủ trương, chính sách thu hút và đầu tư phát triển du lịch, Hà Tĩnh đã có nhiều thành tựu trong phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Tính đến nay, Hà Tĩnh đã có 15 khu, điểm du lịch cấp tỉnh, trong đó nhiều địa chỉ nổi tiếng đã được du khách trong và ngoài nước biết đến như: Thiên Cầm, Xuân Thành, chùa Hương Tích, Khu di tích Nguyễn Du, Ngã ba Đồng Lộc, Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác…

Cùng với ngân sách đầu tư công, các tổ chức, doanh nghiệp cũng đã đầu tư nhiều dự án xây dựng hạ tầng du lịch hiện đại tại Hà Tĩnh. Tiêu biểu như: Tổ hợp giải trí sân golf 18 lỗ hiện đại, khách sạn Mường Thanh - Xuân Thành cùng khu nghỉ dưỡng Hoa Nắng, khu resort Hoa Tiên tại Xuân Thành (Nghi Xuân); tổ hợp resort Melia Vinpearl Cửa Sót, công viên nước Vinpearl Water Park Cửa Sót (Lộc Hà); hệ thống cáp treo, xe điện tại Khu du lịch chùa Hương Tích (Can Lộc)…

Năm 2022, tổng số khách du lịch đến Hà Tĩnh đạt 1,6 triệu lượt, đạt 200% so với chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, mùa hè 2022, các khu, điểm du lịch biển trên toàn tỉnh luôn diễn ra tình trạng hết phòng do nhu cầu khách tăng cao. Trong hơn 5 tháng đầu của năm 2023, đã có hơn 1,2 triệu lượt khách về với quê hương núi Hồng, sông La.

Du lịch - “đất vàng” cho nhà đầu tư vào Hà Tĩnh

Khu du lịch Xuân Thành thu hút nhiều nhà đầu tư với các dự án lớn thời gian qua. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải.

Ngày càng có nhiều du khách chọn Hà Tĩnh là điểm đến cho các kỳ nghỉ, khám phá nhưng hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có 309 khách sạn, nhà nghỉ, khu resort với khoảng 7.185 phòng, trong đó có 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao, 4 cơ sở đạt tiêu chuẩn 4 sao… Từ thực tế đó, việc đầu tư xây dựng các dự án du lịch ở Hà Tĩnh là hướng đi triển vọng, bền vững đối với nhiều doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Phúc - Giám đốc tổ hợp khách sạn Hanvet tại Khu du lịch Xuân Thành cho biết: “Hiệu quả kinh doanh từ 2 khách sạn Hanvet 1 và 2 nhiều năm qua, cộng với qua khảo sát, đánh giá tiềm năng tương lai, vừa qua chúng tôi đã quyết định đầu tư xây dựng thêm khách sạn Hanvet 3 hướng đến tiêu chuẩn 4 sao, để mở rộng kinh doanh phục vụ du khách”.

Du lịch - “đất vàng” cho nhà đầu tư vào Hà Tĩnh

Khách sạn Hanvet 3 có vốn đầu tư 250 tỷ đồng dự kiến sẽ đưa vào khai thác vào đầu năm 2024.

Cơ hội lớn đến từ Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 xác định, du lịch là 1 trong 4 ngành kinh tế trọng điểm. Từ đây đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho các đơn vị, doanh nghiệp chọn Hà Tĩnh để đầu tư cho lĩnh vực này.

Bà Võ Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh) cho biết: “Việc Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ mở ra nhiều triển vọng cho ngành du lịch Hà Tĩnh. Đây là cơ hội giúp các nhà đầu tư định hướng loại hình đầu tư du lịch một cách cụ thể, rõ ràng để mạnh dạn triển khai các dự án”.

Được biết, bên cạnh các loại hình du lịch đã và đang triển khai, sắp tới loại hình du lịch sinh thái dưới tán rừng sẽ có quy hoạch cụ thể. Là tỉnh có nhiều tiềm năng về rừng, các hồ chứa, khu bảo tồn thiên nhiên..., việc quy hoạch phát triển loại hình du lịch sinh thái dưới tán rừng là một trong những cơ hội lớn để các doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Du lịch - “đất vàng” cho nhà đầu tư vào Hà Tĩnh

Khu du lịch Bắc Thiên Cầm hứa hẹn sẽ là “đất vàng” cho các dự án đầu tư trong thời gian tới.

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 cũng sẽ mở ra cơ hội lớn cho các dự án du lịch có quy mô lớn đã được chấp thuận trong thời gian gần đây hoặc đang được xem xét. Trong đó, với quy mô diện tích 66,15 ha, Khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa Hà Tĩnh ở xã Thạch Văn và xã Thạch Trị (Thạch Hà) của Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Onsen Fuji với tổng vốn đầu tư 952 tỷ đồng đã được chấp thuận sẽ sớm được đi vào triển khai xây dựng.

Ngoài ra, một số dự án lớn như: Khu nghỉ dưỡng Kỳ Ninh, Khu đô thị du lịch Kỳ Nam (TX Kỳ Anh); Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí vùng ven sông Lam, xã Xuân Giang (Nghi Xuân); Tổ hợp sân golf, khách sạn và biệt thự cao cấp tại xã Thịnh Lộc… sẽ có cơ hội được xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh.

Du lịch - “đất vàng” cho nhà đầu tư vào Hà Tĩnh

Khu vực chùa Chân Tiên (xã Thịnh Lộc, Lộc Hà) đang được Công ty CP Đầu tư quốc tế Thịnh Lộc xúc tiến đầu tư dự án du lịch với số vốn khoảng 1.000 tỷ đồng.

Tiềm năng lớn cùng với nhiều chủ trương, chính sách thu hút được triển khai trong thời gian qua, cộng với việc Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Chính phủ phê duyệt sẽ giúp Hà Tĩnh trở thành “miền đất vàng” để các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư phát triển du lịch.

Chủ đề Du lịch Hà Tĩnh

Chủ đề QUY HOẠCH TỈNH HÀ TĨNH THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.