Các trường học ở Hà Tĩnh tăng cường đảm bảo an toàn bếp ăn bán trú

(Baohatinh.vn) - Sau sự việc 10 em học tại Nhóm trẻ độc lập tư thục Ban Mai (TP. Hà Tĩnh) nhập viện do ngộ độc thức ăn, các trường học trên địa bàn đã tiếp tục siết chặt công tác kiểm soát vệ sinh an toàn bếp ăn bán trú.

Bếp ăn bán trú Trường Tiểu học Bắc Hà được thực hiện theo quy trình khép kín.

Tại Trường Tiểu học Bắc Hà (TP Hà Tĩnh), vấn đề đảm bảo ATVSTP cho 930 học sinh bán trú được nhà trường đặc biệt tăng cường qua công tác chỉ đạo, giám sát ở tất cả các khâu. Trước đó, trường đã công khai, minh bạch từ lấy ý kiến tổ chức, quá trình hợp đồng với các nhà cung cấp thực phẩm có địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp đồng cô nuôi... đến toàn bộ phụ huynh học sinh.

Chị Hoàng Thị Hoa - bếp trưởng nhà trường cho biết: “Sau khi có thông tin về sự việc các cháu tại Nhóm trẻ độc lập tư thục Ban Mai nhập viện do ngộ độc, việc đảm bảo ATVSTP bếp ăn bán trú càng được nhà trường siết chặt. Bên cạnh ý thức tự giác, trách nhiệm của mỗi cô nuôi, quá trình nhận nguyên liệu đến các khâu chế biến được nhà trường, các bậc phụ huynh tăng cường kiểm tra, giám sát. Thức ăn sau khi nấu chín được cho vào nồi inox giữ nhiệt 3 khay, chuyển đến tận các lớp. Mẫu thức ăn được lưu lại hàng ngày....".

Sáng 26/9, bác sỹ Đào Thị Phương - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, đơn vị đã tiến hành xác minh, điều tra, bước đầu xác định nguyên nhân xảy vụ ngộ độc thực phẩm tại Nhóm trẻ độc lập tư thục Ban Mai nghi do vi sinh vật có trong sữa chua tự làm, nhà trường cung cấp cho học sinh ăn nhẹ vào buổi chiều.

Qua xác minh, có 73 cháu ăn tại trường, 17 cháu bị ngộ độc với các triệu chứng lâm sàng như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy. Trong đó, 5 cháu phải nhập viện điều trị tại BVĐK tỉnh, 5 cháu nhập viện điều trị tại BVĐK thành phố Hà Tĩnh và 7 cháu điều trị tại nhà. Hiện tại sức khỏe của các cháu đã ổn định.

Vườn rau của Công đoàn Trường Mầm non Thạch Lưu vừa tạo cảnh quan vừa có nguồn rau xanh cải thiện bữa ăn cho trẻ.

Tại huyện Thạch Hà cùng với các hoạt động giáo dục, công tác đảm bảo ATVSTP ở bếp ăn bán trú luôn được giám sát, kiểm tra thường xuyên.

Cô Lê Thị Thái Hà - chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà cho biết: "ATVSTP luôn là vấn đề nóng, được chúng tôi quan tâm hàng đầu. Ngay từ đầu năm, phòng đã tổ chức đoàn kiểm tra tại một số trường để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, đồng thời hướng dẫn, tư vấn về vấn đề dinh dưỡng. Còn hiện tại, sau khi có thông tin về 10 cháu tại Nhóm trẻ độc lập tư thục Ban Mai phải nhập viện do ngộ độc, chúng tôi đã tăng cường nhắc nhở, chỉ đạo các trường học tổ chức bán trú tiếp tục siết chặt công tác đảm bảo ATVSTP.

Đơn vị cũng đang phối hợp Trung tâm Y tế huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác đảm bảo ATVSTP tại một số nhóm trẻ độc lập, các trường mầm non, tiểu học tổ chức ăn bán trú trên địa bàn".

Thực phẩm ở bếp ăn bán trú Trường Mầm non Thạch Lưu được cung ứng từ những địa chỉ có nguồn gốc, đảm bảo ATVSTP.

Cô Bùi Thị Cẩm Tú - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Lưu chia sẻ: “Từ sự tăng cường chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện, Ban Giám hiệu nhà trường đã phối hợp với phụ huynh học sinh tăng cường kiểm tra, giám sát việc đảm bảo ATVSTP trong các khâu chế biến.

Ngoài ra, trường cũng đã phối hợp với nhà bếp xây dựng thực đơn bữa chính và các bữa phụ trong tuần đa dạng, phong phú, không trùng lặp và đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Điều đó cũng khiến phụ huynh, học sinh an tâm khi gửi gắm các con cho nhà trường".

Đồ dùng bán trú ở Trường Mầm non Thạch Lưu được bảo quản trong tủ sấy ở nhiệt độ đảm bảo.

Ở huyện miền núi Hương Sơn, để nắm bắt và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các vấn đề liên quan đến ATVSTP, MTTQ huyện đã phối hợp với các ngành chức năng, xây dựng kế hoạch giám sát việc triển khai thực hiện, chấp hành các quy định pháp luật về bảo đảm ATVSTP đối với bếp ăn trường học trên địa bàn.

Thầy Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện thông tin: “Bên cạnh kế hoạch giám sát của huyện, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát vấn đề đảm bảo ATVSTP bếp ăn bán trú cũng được Phòng GD&ĐT chủ động triển khai ngay từ đầu năm học và thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc, đồng thời tiến hành kiểm tra đột xuất ở một số bếp ăn”.

Cùng với đó, Phòng GD&ĐT huyện cũng đã chỉ đạo các trường đặc biệt chú trọng suất ăn cho trẻ đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong thời điểm vật giá tăng. Đó là việc thống nhất mức giá bình quân dao động từ 18.000 đồng đến 22.000 đồng/suất đối với các trường trong hệ thống công lập. Quá trình triển khai bán trú được thực hiện công khai, minh bạch theo đúng quy trình, quy định nên đã tạo được sự đồng thuận của phụ huynh.

Bữa trưa của học sinh Trường Mầm non Sơn Tây.

Để đảm bảo công tác ATVSTP cho bếp ăn bán trú tại các cơ sở giáo dục, các nhóm trẻ tư thục, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm từ đầu vào đến các khâu chế biến theo quy trình 1 chiều, thức ăn hàng ngày được lưu mẫu... Các trường cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSTP.

Cô Nguyễn Thị Nhung Quyên
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói