Kiểm tra các bộ phận làm mát
Trước khi lái xe ôtô đường dài vào mùa hè, tài xế nên dành thời gian để kiểm tra các bộ phận làm mát của xe ôtô, ví dụ như: Hệ thống tản nhiệt, nước làm mát, quạt làm mát,... bằng cách cho xe chạy không tải.
Kiểm tra áp suất lốp
Trong mùa hè nắng nóng, tài xế nên kiểm tra lốp xe thường xuyên và bảo đảm bơm đúng áp suất lốp. Theo đó, khi nhiệt độ bên ngoài tăng/giảm 5 độ C thì áp suất sẽ thay đổi khoảng 1 PSI. Vì vậy, để bơm chính xác áp suất lốp, tài xế nên bơm xe trong nhiệt độ phòng với mức áp suất lốp khoảng 32 PSI.
Bên cạnh đó, với điều kiện khí hậu ở Việt Nam có thể lên đến 40 độ C, áp suất bơm trước đó ở nhiệt độ phòng sẽ tăng khoảng 4 PSI. Do vậy, tài xế nên giảm bớt 4 PSI so với trước đó, trong điều kiện vận hành thường xuyên ở mức 40 độ C.
Kiểm tra các loại dầu bôi trơn và nước làm mát
Thời tiết nắng nóng sẽ khiến xe ôtô tiêu thụ nhiều hơn dung dịch bôi trơn và nước làm mát để phục vụ cho quá trình tản nhiệt của động cơ.
Vì vậy, việc kiểm tra thường xuyên các dung dịch này sẽ đảm bảo an toàn cho quá trình di chuyển, tránh các vấn đề thường gặp phải như động cơ bị quá nhiệt hay chết máy giữa đường.
Hạ nhiệt nội thất ôtô
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, tài xế không nên làm mát bằng một cách duy nhất là cho điều hòa chạy không tải vì nó có thể khiến động cơ bị quá nhiệt. Theo đó, tài xế có thể đóng, mở cửa bên lái và hành khách một vài lần để đẩy không khí nóng bên trong xe ra ngoài.
Ngoài ra, khi thời tiết không quá ngột ngạt và đang lái xe ở tốc độ thấp, tài xế có thể mở các cửa sổ để lấy không khí tự nhiên. Tuy nhiên, khi lái xe ở tốc độ trên 80 km/h, lực cản gió khi mở cửa sổ tốn nhiên liệu hơn việc sử dụng điều hòa.
Bên cạnh đó, khi phải đỗ xe dưới trời nắng, tài xế nên xoay vô lăng 180 độ để khi lái ít bị nóng hơn. Ngoài ra, tài xế có thể dùng tấm che nắng để tránh tia UV từ ánh nắng mặt trời.