Cảm cúm: khi nào cần dùng thuốc?

Đây là phản ứng có lợi, nó chỉ trở nên có hại khi sốt cao quá mức. Khi nào thì cần dùng thuốc và dùng thuốc như thế nào để tránh các tác hại do thuốc hạ sốt gây ra?

Ảnh hưởng của sốt đối với cơ thể

Bình thường, cơ thể người luôn được duy trì ở một khoảng nhiệt độ rất hẹp để tạo thuận lợi cho chuyển hóa tế bào và hoạt động bình thường của các cơ quan trong cơ thể. Trong ngày, thân nhiệt xuống thấp nhất vào 2 - 4 giờ sáng (35,8oC - 36oC) rồi thân nhiệt tăng dần tới đỉnh điểm vào khoảng 6 - 10 giờ tối (37oC - 37,2oC). Nhiệt độ lấy ở hậu môn thường cao hơn lấy ở miệng 0,25oC - 0,5oC và cao hơn ở lấy ở nách 0,5oC - 1oC. Vì vậy, nhiệt độ lấy ở hậu môn là tốt nhất vì phản ánh sát với nhiệt độ nội tạng. Nhiệt độ lấy ở nách người bình thường sau khi nằm nghỉ 30 phút trong khoảng 36oC - 36,8oC, sau đó người ta phải cộng thêm vào 0,5oC để xác định thân nhiệt.

Ở trẻ em, khi thân nhiệt cao tới 41oC thường xảy ra co giật và não sẽ bị tổn thương không hồi phục khi thân nhiệt lên đến 42,2oC (do làm biến chất protein, làm rối loạn chức năng các enzym). Sốt làm tăng nhịp tim, tăng tiết mồ hôi gây mất muối, mất nước, nhức đầu, sợ ánh sáng, toàn thân mệt mỏi. Người cao tuổi đang mắc các bệnh tim hoặc não thì sốt là tác động xấu.

Khi bị cảm cúm, không tự ý dùng thuốc hạ sốt mà cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: TM

Khi nào cần hạ sốt?

Sốt có thể do nhiều yếu tố gây ra gồm vi khuẩn và độc tố vi khuẩn, virut, nấm, các phản ứng miễn dịch, các hormon, điển hình là progesteron, thuốc và các chất sinh nhiệt ngoại sinh... Sốt là cơ chế bảo vệ chống lại các tác nhân gây bệnh. Khi sốt nhẹ (< 38oC) thường ít gây hại, không khó chịu nhiều, lại có lợi cho cơ chế bảo vệ của cơ thể thì không nên dùng thuốc hạ sốt. Hơn nữa, dùng thuốc hạ sốt sẽ làm mất các hiệu ứng có lợi, làm thay đổi diễn biến tự nhiên của bệnh, gây nhiễu cho quá trình theo dõi kết quả của thuốc điều trị đặc hiệu. Trong trường hợp này chỉ cần điều trị loại trừ nguyên nhân gây sốt. Cần hạ nhiệt khi sốt cao, nhiệt độ nách trên 38,5oC.

Lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt

Trên thực tế rất thường hay gặp trường hợp bị cảm sốt. Có thể do cơ thể có sức đề kháng kém, bị “dị ứng thời tiết” lúc giao mùa, cảm lạnh, cảm cúm hoặc nhiễm virut... cũng gây sốt. Với các trường hợp này, khi mới mắc bệnh thì thường chỉ thấy gai gai sốt (sốt do virut có thể sốt cao) kèm theo các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ho, đau đầu, đau trước trán, đau người... Khi đó, nếu dùng thuốc kháng sinh và thuốc hạ sốt giảm đau thì sẽ gây hại thêm cho người bệnh. Bởi uống thuốc hạ sốt sẽ chỉ làm mất đi triệu chứng của bệnh, trong khi thực tế cơ thể vẫn đang bị nhiễm bệnh. Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt giảm đau khi sốt cao hoặc đau quá không chịu được, gây ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt hay công việc. Tuy nhiên, như vậy cũng chỉ giúp giảm triệu chứng chứ chưa chữa được căn nguyên gây bệnh. Khi cảm sốt thông thường mà dùng thuốc hạ sốt, làm mất đi lợi ích của phản ứng sốt, khiến sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, rất dễ biến chứng chuyển sang các bệnh khác như viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, thậm chí là viêm phế quản hoặc viêm phổi...

Do đó, trước khi dùng thuốc hạ sốt thì nên dùng phương pháp vật lý, bao gồm cởi bớt quần áo cho thoáng, chườm bằng đắp khăn thấm nước ấm lên bẹn, nách, trán, hai bên thái dương... Khi biện pháp này không hiệu quả thì nên dùng phương pháp dùng thuốc hạ sốt.

Các thuốc thường dùng để hạ sốt, giảm đau như aspirin, paracetamol, ibuprofen...

Thuốc hạ sốt không có tác dụng điều trị nguyên nhân mà chỉ làm giảm triệu chứng, nên khi thuốc được thải trừ thì sốt sẽ trở lại. Các thuốc này đều ức chế tổng hợp prostaglandin nên dễ gây thiếu máu ở các cơ quan, gây giảm tạo chất nhầy bảo vệ của đường tiêu hoá dễ gây viêm và loét đường tiêu hóa.

Aspirin là thuốc ức chế kết dính tiểu cầu dễ gây chảy máu. Vì vậy, không được dùng cho người có tiền sử bị viêm loét hoặc chảy máu dạ dày hành tá tràng. Nên uống thuốc lúc no sau bữa ăn. Không được dùng trong bệnh sốt xuất huyết và các bệnh nhân có bệnh thận, bệnh gan, tăng huyết áp. Chỉ dùng liều thấp nhất có tác dụng.

Đối với aspirin còn có tác dụng ức chế bài tiết acid uric ở ống thận, vì vậy không dùng ở người bị bệnh gút. Aspirin còn gây bùng phát cơn hen hoặc làm cơn hen nặng lên nên không dùng cho người bị bệnh hen.

Còn paracetamol là thuốc có nhiều dạng dùng (viên nén, viên đạn, dạng siro, viên sủi bọt...) với rất nhiều tên gọi. Vì vậy, người dùng cần thận trọng để tránh dùng nhiều loại thuốc một lúc mà trong đó đều có chứa paracetamol, gây quá liều, hại gan. Đối với trẻ em cần chọn dạng dùng thích hợp với trẻ.

Ngoài ra, có thể dùng phương pháp hạ sốt do cảm cúm hay cảm thời tiết theo y học cổ truyền như: uống thuốc chữa cảm cúm từ thảo dược, xông hoặc tắm nước ấm... sau đó ủ ấm cho ra mồ hôi để giải biểu vừa giúp cơ thể sảng khoái, nhẹ nhõm, vừa trục xuất hết các “khí độc” gây bệnh ra khỏi cơ thể. Thuốc cảm cúm từ thảo dược có thể là thuốc thang sắc lấy nước hoặc các chế phẩm dạng hiện đại, được bào chế thành viên thuốc uống. Các loại thuốc này đều nên uống với nước ấm hoặc nước nóng để tăng hiệu quả giải cảm. Giải cảm càng sớm càng đạt hiệu quả tốt và hạn chế thấp nhất các biến chứng sau cảm cúm.

Theo DS. Bùi Sỹ Thành/SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói