Cân nhắc phương án phạt nguội xe máy

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc xử phạt nguội với xe ô-tô đang làm tốt, nhưng vi phạm của người điều khiển xe máy còn rất nhiều, cần hình thức xử phạt nguội. Bộ trưởng Giao thông vận tải nhận định, việc cải thiện hành vi của người đi xe máy chắc chắn sẽ giúp kéo giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới. Đề xuất này hiện đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Tại nước ta, xe máy vẫn là phương thức đi lại chủ yếu của người dân, chiếm từ 80% đến 90% số lượng phương tiện lưu thông trên đường. Đây cũng là phương tiện thường gây ra các vụ tai nạn giao thông. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2023, toàn quốc xảy ra 21.880 vụ tai nạn giao thông, trong đó nhiều vụ tai nạn là do người điều khiển xe máy, chiếm hơn 60%. Riêng quý I/2024, trong số khoảng 6.550 vụ tai nạn giao thông, thì tai nạn liên quan xe máy đến gần 57%.

Mới đây, Công an huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) qua trích xuất camera giám sát đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm giao thông với tần suất lớn trong một tháng, trong đó có trường hợp chỉ trong tháng 2 đã vi phạm tới 26 lần.

Tại Vĩnh Phúc, chỉ trong một tuần của tháng 3, Công an tỉnh đã phát hiện và ghi nhận 436 xe máy vi phạm giao thông với tần suất nhiều lần. Điển hình, có chủ xe ở huyện Yên Lạc bị ghi nhận tới 126 lần vi phạm, chủ xe ở huyện Tam Dương có 111 lần vi phạm…

Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông và kéo giảm tai nạn giao thông, biện pháp xử phạt nguội với người điều khiển xe máy cần được coi là giải pháp hợp lý, cấp bách. Tuy nhiên, để triển khai ngay trên diện rộng sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi lượng xe máy đang lưu hành quá lớn (hơn 70 triệu chiếc).

Việc phạt nguội vi phạm giao thông, trong đó có vi phạm của người điều khiển xe máy đã được lực lượng cảnh sát giao thông ở nhiều địa phương áp dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân nộp phạt còn ít. Thực tế, nhiều xe máy mua đi bán lại qua nhiều đời chủ, do đó khi gửi thông báo vi phạm giao thông về địa chỉ chủ xe đăng ký, thì chủ xe hiện tại không nhận được.

Hiệu quả xử lý phạt nguội giữa ô-tô và xe máy có sự chênh lệch lớn. Đối với ô-tô, quá 20 ngày người có liên quan không tới giải quyết, phương tiện sẽ bị đưa vào phần mềm cảnh báo đăng kiểm. Vì vậy, chủ xe vi phạm chấp hành nghiêm túc. Còn đối với xe máy, dù ghi nhận vi phạm nhiều, cảnh sát giao thông đã gửi thông báo về tận địa phương, nhưng nhiều trường hợp người vi phạm (và chủ xe) không hợp tác, cố tình “phớt lờ” khiến các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xử lý.

Với số lượng xe máy lớn như hiện nay, để nâng cao hơn nữa hiệu quả phạt nguội, cần có kế hoạch, lộ trình thực hiện rất rõ ràng, cụ thể. Trước hết, cần thực hiện nghiêm việc sang tên, đổi chủ xe. Hiện nay dữ liệu về xe máy vẫn chưa được đồng bộ hết trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, để thực hiện tốt việc phạt nguội cần đẩy nhanh đồng bộ dữ liệu. Từ đó có thể truy xuất, gửi thông báo phạt về nơi ở của chủ xe dễ dàng, chính xác. Cần tăng cường đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông dọc các tuyến giao thông chính, các khu vực nóng về vi phạm giao thông, kịp thời phát hiện vi phạm, nâng cao hiệu quả xử phạt.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sàng lọc, xác định các lỗi phạt nguội chứ không phải tất cả các lỗi đều thực hiện phạt nguội. Việc phạt nguội thí điểm thực hiện trước ở một số quận, tuyến đường của các thành phố lớn với hạ tầng, điều kiện bảo đảm. Việc này giúp có kinh nghiệm và có thể bổ sung thêm công nghệ để mở rộng thực hiện về sau.

Phạt nguội là cách xử phạt văn minh, hiện đại, đỡ tốn nhân lực làm việc trực tiếp và ít nảy sinh tiêu cực hơn so với phạt trực tiếp, được người dân sẵn sàng đồng lòng ủng hộ. Tuy nhiên, để bảo đảm thuận lợi cho người dân, các cơ quan chức năng cần mở rộng cách thức thông báo vi phạm, rút ngắn đến mức thấp nhất thời gian từ lúc người tham gia giao thông vi phạm đến lúc được thông báo. Điều này vừa thể hiện được tính răn đe của luật pháp, vừa tạo điều kiện giúp người dân sớm nhận thức được lỗi của mình để không tái phạm. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông cần phải bảo đảm để những người có ý thức giao thông tốt, được thuận lợi trong việc sử dụng quyền tham gia giao thông đúng luật.

nhandan.vn

Đọc thêm

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

Thời gian gần đây, một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy mang theo hung khí, lạng lách, đánh võng, rú ga trên một số tuyến đường ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động.
Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 9/11 - 15/11)

Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 9/11 - 15/11)

Ô tô 9 chỗ biến dạng sau va chạm liên hoàn trên QL 1 ở Hà Tĩnh; Khởi tố đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy; Khởi tố thanh niên xâm hại cơ thể bạn gái dưới 18 tuổi; Bắt đối tượng vận chuyển ma túy, súng quân dụng qua biên giới… là những thông tin chính sẽ có trong bản tin Podcast hôm nay của Báo Hà Tĩnh.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.