Cần quy định thẩm quyền khen thưởng đảm bảo đồng bộ

(Baohatinh.vn) - Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, sáng nay (28/10), Quốc hội khóa XV đã tiến hành phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Tại phiên thảo luận, đại biểu đặt vấn đề, hiện một số cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp nhưng không thống nhất giữa các hình thức khen thưởng như: giấy khen, bằng khen, cờ. Do đó, đề nghị luật cần quy định thẩm quyền khen thưởng đảm bảo đồng bộ và có sự phân cấp phù hợp.

Bên cạnh đó, tại cấp tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội như: liên đoàn lao động tỉnh, hội nông dân, tỉnh đoàn cũng có thể tặng bằng khen, cờ thi đua như chủ tịch UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương nhưng bằng khen đó lại không có giá trị làm cơ sở trong việc đề xuất mức độ khen cao hơn. Như vậy, luật cần có sự thống nhất trong khen thưởng giữa tổ chức chính trị - xã hội với chính quyền.

Đại biểu tham dự hội nghị.

Đại biểu đề nghị: xét chung công an xã, ban chỉ huy quân sự cấp xã vào tập thể cán bộ, công chức cấp xã để tặng danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc"; bổ sung thẩm quyền quyết định khen thưởng, trao tặng danh hiệu thi đua của giám đốc quỹ tín dụng nhân dân tại Khoản 5, Điều 79 và thẩm quyền đề nghị khen thưởng của quỹ tín dụng nhân dân tại Khoản 1, Điều 82; đề nghị quy định điều kiện cộng dồn, tăng thêm tiêu chí để khen thưởng khi không đạt được thành tích liên tục.

Đại biểu viện dẫn quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 6 của dự thảo luật: "Quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác và khen thưởng tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Từ đó, đại biểu cho rằng, cần bổ sung chữ “ưu tiên” đối với người lao động trực tiếp và những vùng khó khăn. Bổ sung nội dung “xét tặng danh hiệu thi đua” thành “sơ kết, tổng kết và xét tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng”.

Một số đại biểu nêu ý kiến, việc quy định điều kiện danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” phải có sáng kiến, giải pháp ứng dụng hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học là chưa hợp lý. Vì vậy, cần quy định cụ thể hơn nhằm thể hiện đúng nguyên tắc là “quan tâm, ưu tiên khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất”.

Ngoài ra, Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu về việc đưa ra tiêu chuẩn “Đạt chuẩn nông thôn mới” là không phù hợp do đến nay, nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành. Trong khi, việc đạt chuẩn nông thôn mới ở các xã biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số... còn rất nhiều khó khăn. Do đó, nên xây dựng tiêu chí theo hướng đánh giá mức độ tăng trưởng, phát triển.

Các đại biểu đề xuất không quy định “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” trong dự thảo luật bởi đã có hình thức khen thưởng chung đối với những người tham gia kháng chiến (bằng khen, huy chương kháng chiến, huân chương kháng chiến…); nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng...

Trong sáng nay, Quốc hội cũng đã được nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo, giải trình, tiếp thu các nội dung đại biểu quan tâm. Theo đó, khi xây dựng dự án luật, ban soạn thảo đã quán triệt các nguyên tắc: “Thể hiện tính bao trùm, toàn diện, hợp lý, tạo động lực mới cho các phong trào thi đua, khen thưởng; đảm bảo tính kế thừa, đổi mới; việc đề xuất khen thưởng hướng tới khu vực ngoài Nhà nước, người trực tiếp lao động, sản xuất, chiến đấu, hướng về cơ sở; đảm bảo các mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng...”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói