Cần sớm có phương án xử lý sạt lở hành lang đê Đồng Môn

(Baohatinh.vn) - Hành lang đê Đồng Môn đoạn qua thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) đang bị sạt lở nặng khiến nhiều người dân lo lắng trước mùa mưa bão đến.

Đê Đồng Môn chạy dọc theo sông Rào Cái dài hơn 4 km, qua địa bàn 5 xã/phường của TP Hà Tĩnh gồm: Thạch Trung, Thạch Hạ, Đồng Môn, Thạch Hưng, Văn Yên. Đây là tuyến đê vành đai có tác dụng ngăn mặn giữ ngọt, ngăn triều cường xâm nhập và tiêu thoát lũ cho TP Hà Tĩnh trong mùa mưa bão. Trong đó, đoạn qua xã Đồng Môn nằm gần Cửa Sót, có vị trí chiến lược trong việc giảm thiểu tác động lũ lụt từ sông Rào Cái.

Ông Trần Văn Dũng ở thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn chỉ vị trí sạt lở hành lang đê, cách chân đê Đồng Môn khoảng 20 m.

Chỉ tay về hướng cọc tre đóng giữa dòng sông Rào Cái, ông Trần Văn Dũng (SN 1953, ở thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn) cho biết: “Trước kia, vị trí cọc tre trở vào sát bờ đê Đồng Môn có cả một làng sinh sống rất trù phú, người dân làm nghề muối và khai thác thủy sản. Năm 1968, Mỹ rải bom khốc liệt nên người dân di tản hết. Khu vực này vẫn còn là cồn cao, chúng tôi thường chăn thả trâu bò ở đây. Trải qua nhiều năm, sông Rào Cái thay đổi dòng chảy, lấn sâu vào bờ đê Đồng Môn, nhất là vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao đã cuốn trôi nhiều khối lượng đất. Tình trạng sạt lở hành lang đê đang rất báo động”.

Theo người dân địa phương, tình trạng sạt lở hành lang đê Đồng Môn diễn ra mạnh từ năm 2006 đến nay. Trung bình mỗi năm, vào mùa mưa lũ, sông Rào Cái lại “ngoặm” từ 8 – 10m đất (từ dòng chảy vào đến khu vực hành lang đê). Có điểm sạt lở mạnh với tổng chiều dài gần 300m (từ thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn đến gần địa phận xã Thạch Hạ).

Cách đây 6 năm, gia đình ông Đỗ Văn Trúc – người dân trên địa bàn xã Đồng Môn đấu thầu khu vực này để xây ao, đầm nuôi tôm, nhưng trước tình trạng sạt lở, ông Trúc đã phải “bỏ của chạy lấy người”.

Ống cống và hàng rào do gia đình ông Trúc (thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn) xây dựng để nuôi tôm bị nước lũ cuốn trôi.

Ông Nguyễn Văn Đức – Trưởng thôn Tiền Tiến (xã Đồng Môn) cho biết: “Vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, người dân ra bờ đê chứng kiến đất lở nhiều, rất nguy hiểm. Hiện nay, sạt lở đã xoáy sâu vào sát gần đê, tạo ra những hàm ếch lớn. Nếu xảy ra trận lũ lớn như năm 2020 thì đê Đồng Môn nguy cơ bị "uy hiếp" rất cao. Đê Đồng Môn vừa ngăn mặn, vừa tiêu thoát nước cho TP Hà Tĩnh. Nếu như vỡ đê thì hậu quả rất khó lường”.

Trước tình trạng sạt lở hành lang, "uy hiếp" an toàn của đê Đồng Môn, nhiều năm liền, người dân thôn Tiền Tiến đều kiến nghị lên chính quyền các cấp có phương án, giải pháp khắc phục. Theo người dân địa phương, để khắc phục tình trạng sạt lở, chính quyền địa phương cần có phương án xây dựng tuyến kè bảo vệ hành lang đê ở các điểm xung yếu, dòng nước xoáy sâu.

Mỗi năm, vào mùa mưa lũ, nước sông Rào Cái dâng cao lại "ngoặm" từ 8 - 10m đất hành lang đê Đồng Môn đoạn qua thôn Tiền Tiến.

Nhiều năm gần đây, ở các hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, người dân đều phản ánh về tình trạng sạt lở tại đoạn km7+800 đê Đồng Môn đoạn qua thôn Tiền Tiến. Địa phương đã nhiều lần làm văn bản kiến nghị lên UBND TP Hà Tĩnh để có phương án xử lý. Mong chính quyền các cấp quan tâm đầu tư xây dựng tuyến kè bảo vệ hành lang đê Đồng Môn ở những điểm sạt lở mạnh.

Ông Dương Cao Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Môn.

Video: ông Trần Văn Dũng nói về tình trạng sạt lở gần chân đê Đồng Môn.

Chủ đề Bạn đọc viết

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói