Giới chức an ninh Syria cho rằng, thảm họa động đất mới đây tại nước này và Thổ Nhĩ Kỳ là cơ hội để các nhóm khủng bố trỗi dậy tập hợp lực lượng và gây ra các vấn đề về an ninh.
Phụ nữ và trẻ em chuẩn bị rời khỏi trại al-Hol, nơi tạm giữ thân nhân của các đối tượng bị tình nghi là thành viên IS, ở Hasakeh (Syria), ngày 14/8/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trước đó, truyền thông Trung Đông đã đưa tin về việc khoảng 20 chiến binh thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang bị giam giữ tại thành phố Rajo của Syria đã trốn thoát sau khi cơ sở này bị hư hại do động đất hôm 6/2 vừa qua.
Nhà tù này chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 5km và đang giam giữ 2.000 tù nhân, trong đó có 1.300 phần tử IS.
Nguồn tin cho biết: “Sau trận động đất, nhà tù Rajo bị hư hại và các tù nhân bắt đầu nổi loạn rồi giành kiểm soát một phần nhà tù… Khoảng 20 tù nhân đã trốn thoát… những đối tượng này là thành viên IS”.
Cũng theo quan chức Syria, tất cả các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang được huy động để khắc phục hậu quả của thảm họa động đất nên có khả năng lơ là công tác bảo đảm an ninh.
Đây là cơ hội để các phần tử IS thâm nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ thông qua những dòng người là nạn nhân của trận động đất, vốn đang tìm cách vượt biên vào nước này để tìm kiếm sự trợ giúp về nhân đạo.
Nguồn tin giải thích hiện có “hàng nghìn phần tử cực đoan đang ẩn náu dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và số này đang tìm cách thâm nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ hoặc tiến hành các vụ tấn công dọc biên giới 2 nước”.
Quan chức Syria đánh giá cuộc khủng hoảng nhân đạo đang tạo ra khoảng trống về an ninh đối với khu vực biên giới kéo dài 500km và đây là cơ hội để các tổ chức khủng bố cực đoan như IS trỗi dậy tập hợp lực lượng.
Bên cạnh đó, các nhóm tay súng người Kurd ở đông bắc Syria - vốn bị Ankara đặt ngoài vòng pháp luật - cũng có thể coi đây là thời cơ để trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ.