Cảnh giác với “bẫy”... xuất khẩu lao động!

(Baohatinh.vn) - Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh xuất hiện những dấu hiệu lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, chiếm đoạt tiền. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực tuyên truyền, cảnh báo, nhưng tình trạng này vẫn xảy ra.

Người lao động Hà Tĩnh tìm hiểu về thị trường lao động ở Nhật Bản

Đầu tháng 6/2016, Sở LĐ-TB&XH phát hiện Công ty CP Đầu tư phát triển Hoàng Lan, có trụ sở tại số 248, đường Nguyễn Du (phường Nguyễn Du – TP Hà Tĩnh) không có chức năng, nhiệm vụ về hoạt động XKLĐ (không có giấy phép của Bộ LĐ-TB&XH) và không có chức năng hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm (không có giấy phép của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh) nhưng đã có thông báo gửi tới người lao động trên toàn tỉnh về việc tuyển 3.500 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Việc làm của công ty này đã vi phạm các quy định pháp luật về XKLĐ và vi phạm quy định của Chương trình EPS đã được chính phủ 2 nước Việt Nam - Hàn Quốc cam kết thực hiện.

Trước đó, ngày 27/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Phạm Văn Tiến (SN 1972, trú tại An Tiến, An Lão, Hải Phòng) - Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng lao động và thương mại Tiến Phát (Công ty Tiến Phát), có trụ sở tại số 11, đường Vũ Quang (TP Hà Tĩnh) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cơ quan công an đọc lệnh bắt tạm giam Phạm Văn Tiến về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo cơ quan điều tra, từ tháng 10/2014 đến tháng 3/2016, với tư cách là Giám đốc Công ty Tiến Phát, Phạm Văn Tiến tự giới thiệu và thông báo doanh nghiệp này có chức năng tuyển dụng đưa người đi XKLĐ, tư vấn du học sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Australia… dù không được cấp phép hoạt động theo quy định trên lĩnh vực này.

Khi tư vấn cho những người có nhu cầu đi XKLĐ, du học, Tiến đã tự đưa ra các thông tin cam kết với mức lương hấp dẫn, thời gian xuất cảnh nhanh, đặc biệt là đưa ra giấy phép đăng ký kinh doanh để người lao động tin tưởng nộp hồ sơ và tiền cho Tiến. Bằng thủ đoạn trên, Phạm Văn Tiến đã chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng của hàng chục người nhẹ dạ, cả tin.

Hiện nay, ở nhiều vùng quê, không ít người dân mong muốn có cơ hội cải thiện cuộc sống bằng việc đi lao động ở nước ngoài, song không ít người lại rơi vào cảnh nợ nần chồng chất do bị lừa đảo XKLĐ. Ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, tháng 5/2016, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Việc làm - Lao động Hàn Quốc đã ký kết bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận 3.500 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình việc làm EPS (dành cho lao động phổ thông) trong năm 2016.

Việc ký kết bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS mở ra cơ hội đối với nhiều lao động Việt Nam có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc, kể cả các lao động cư trú và làm việc không hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện hồi hương.

“Theo bản ghi nhớ, chỉ những lao động đã kiểm tra tiếng Hàn trong năm 2012 và những lao động đã làm việc tại Hàn Quốc thuộc diện tái nhập cảnh có thể tham gia chương trình. Theo phân bổ chỉ tiêu thì có thể Hà Tĩnh chỉ được khoảng 200 lao động đủ điều kiện được sang Hàn Quốc làm việc trong năm 2016” - ông Dũng cho biết thêm.

Theo Sở LĐ-TB&XH, hiện nay, Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan duy nhất được ủy quyền thực hiện việc tuyển chọn và đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc. Vì vậy, nếu cá nhân, doanh nghiệp nào hứa hẹn có khả năng đưa lao động đi Hàn Quốc là có thể đang thực hiện hành vi lừa đảo.

Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động Đặng Văn Dũng khuyến cáo: Người lao động cần tìm hiểu kỹ và cảnh giác trước những lời hứa hẹn sẽ được xuất cảnh ngay sau khi đăng ký tham gia. Khi đóng tiền tham gia đi làm việc ở nước ngoài, cần tìm hiểu các khoản phí doanh nghiệp yêu cầu người lao động phải đóng và yêu cầu công ty phải có phiếu thu hợp lệ do công ty cung cấp, ghi rõ các khoản thu, tránh trường hợp đăng ký đi làm việc tại công ty này nhưng các chứng từ, biên nhận lại của công ty khác cung cấp.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn các hành vi lừa đảo, bảo vệ quyền lợi của người dân, rất cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc phổ biến pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ, thông tin về doanh nghiệp có chức năng XKLĐ, thị trường lao động ngoài nước và các điều kiện, tiêu chuẩn, mức lương, chi phí XKLĐ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói