Cặp “doanh nhân thành đạt” thuê hàng chục ô tô tự lái từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa rồi cầm cố

Đường dây khép kín từ việc thuê xe đến làm giả giấy tờ để chiếm đoạt, nên chỉ trong thời gian ngắn, các đối tượng đã lừa đảo 27 xe ô tô từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa, chiếm đoạt hơn 15 tỷ đồng.

Ngày 22/9, Công an huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) cho biết, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bước đầu bắt giữ nhóm 2 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Qua đó, làm rõ số tiền các đối tượng chiếm đoạt là hơn 15 tỷ đồng; thu giữ 22 ô tô và nhiều tang vật liên quan.

Cặp “doanh nhân trẻ thành đạt”

Thời gian gần đây, qua công tác nghiệp vụ và điều tra cơ bản, Công an huyện Quỳnh Lưu phát hiện một đường dây nghi vấn liên quan đến hoạt động phạm tội thuê xe ô tô rồi làm giả giấy tờ xe để cầm cố nhằm chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn.

Cặp “doanh nhân thành đạt” thuê hàng chục ô tô tự lái từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa rồi cầm cố

Đối tượng cầm đầu đường dây Đậu Đức Bằng.

Vào cuộc xác minh, cơ quan Công an xác định, đây là một đường dây chuyên nghiệp, hoạt động khép kín từ việc thuê đến làm giả giấy tờ rồi đi cầm cố. Các đối tượng không chỉ hoạt động phạm tội tại tỉnh Nghệ An mà còn tại nhiều địa bàn thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa…

Xác định đây là nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn rất tinh vi, số lượng tiền chiếm đoạt của các bị hại lên đến hàng chục tỷ đồng, hoạt động lừa đảo diễn ra trong thời gian dài gây bức xúc cho Nhân dân, Công an huyện Quỳnh Lưu đã báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh xác lập chuyên án đấu tranh.

Cặp “doanh nhân thành đạt” thuê hàng chục ô tô tự lái từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa rồi cầm cố

Công an huyện Quỳnh Lưu họp bàn chuyên án.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An, Công an huyện Quỳnh Lưu đã làm rõ phương thức, thủ đoạn của đường dây lừa đảo chuyên nghiệp này cũng như vai trò của từng đối tượng.

Sau khi thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳnh Lưu quyết định phá án, đồng loạt khám xét 27 địa điểm tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... Đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng đã thu giữ 22 xe ô tô là tang vật chuyên án để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cầm đầu đường dây trên là Đậu Đức Bằng (SN 1991), trú tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu và Nguyễn Ngọc Tĩnh (SN 1991), trú tại phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai. Bằng và Tĩnh đều không có việc làm ổn định nhưng ham chơi, đua đòi, không chịu tu chí làm ăn nên đã nghĩ cách lừa đảo để kiếm tiền.

Thông qua các mối quan hệ xã hội, Bằng và Tĩnh quen biết Hồ Trọng Tâm (SN 1989), trú tại xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu. Về phía Tâm, đây là đối tượng được học hành tử tế nhưng vì muốn kiếm tiền nhanh chóng nên chọn con đường trở thành “trợ thủ” cho Bằng và Tĩnh.

Cặp “doanh nhân thành đạt” thuê hàng chục ô tô tự lái từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa rồi cầm cố

Công an huyện Quỳnh Lưu làm việc với Bằng về quá trình mua bán xe ô tô của các cơ sở cho thuê xe.

Quá trình điều tra, Cơ quan Công an xác định, Bằng và Tĩnh có vai trò chính trong việc đi thuê xe; để tạo niềm tin cho bị hại, các đối tượng đóng vai là những doanh nhân trẻ thành đạt, chuyên làm các dự án lớn.

Cặp đôi này lên mạng tìm kiếm những công ty, cửa hàng kinh doanh chuyên cho thuê ô tô tự lái ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và nhiều tỉnh, thành khác.

Sau khi thuê được, đưa về tỉnh Nghệ An rồi làm giả các loại giấy tờ như giấy mua bán xe, chuyển nhượng xe, giấy uỷ quyền về việc mua bán xe, sau đó bán cho Hồ Trọng Tâm để lấy tiền chia nhau. Điều đáng nói, mặc dù biết các xe của Bằng và Tĩnh là do lừa đảo mà có nhưng Tâm vẫn đồng ý mua với giá tiền từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng/xe.

Thuê xe giá cao… rồi đem đi cầm cố

Để tạo vỏ bọc cho mình nhằm tránh việc bị hại nghi ngờ, ngoài việc đóng giả là những doanh nhân trẻ thành đạt, thì điểm mấu chốt, Bằng và Tĩnh khiến bị hại không biết mình bị lừa, đó là chúng thường thuê xe với giá cao, hợp đồng dài hạn, trả tiền đúng kỳ.

Cặp “doanh nhân thành đạt” thuê hàng chục ô tô tự lái từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa rồi cầm cố

Tang vật chuyên án cơ quan công an thu giữ.

Ngoài ra, Bằng và Tĩnh sẵn sàng trả tiền thuê trước nhiều tháng nên các bị hại thường không nghi ngờ. Chính vì vậy, ngoài các loại xe thông thường thì Bằng và Tĩnh còn thuê được những xe với giá trị gần 1,2 tỷ đồng. Giá tiền thuê xe giao động từ 600.000 đồng/ngày đến 1.200.000 đồng/ngày. Thời gian hợp đồng thường thuê kéo dài nên cho tới thời gian các đối tượng bị bắt giữ, hầu như không có bị hại nào biết xe của mình đã bị làm giả giấy tờ, bán hoặc cầm cố cho người khác.

Sau khi điều tra, xác minh, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng, lãnh đạo Công an tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo Công an huyện Quỳnh Lưu phá án.

Ngày 17/9, các tổ công tác Công an huyện Quỳnh Lưu đã bắt giữ đối tượng Đậu Đức Bằng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Hồ Trọng Tâm về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Các mũi trinh sát cũng khám xét nhiều địa điểm liên quan, thu giữ 3 xe ô tô, các tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi phạm tội của các đối tượng.

Quá trình điều tra, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quỳnh Lưu đã thu giữ 22 xe ô tô các loại cùng nhiều loại giấy tờ liên quan đến hành vi phạm tội. Công an huyện Quỳnh Lưu đang tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan thu giữ 5 xe ô tô còn lại mà các đối tượng đã cầm cố.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quỳnh Lưu đang tạm giữ hình sự đối tượng Đậu Đức Bằng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Hồ Trọng Tâm về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, đồng thời tiếp tục điều tra, mở rộng chuyên án. Riêng đối tượng Nguyễn Ngọc Tĩnh hiện đang bị Công an thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) tạm giữ vì liên quan tới một vụ án khác.

Công an huyện Quỳnh Lưu thông báo, những ai là bị hại liên quan đến vụ án nói trên nhanh chóng trình báo Công an huyện Quỳnh Lưu để phối hợp giải quyết.

Theo CAND

Đọc thêm

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.
Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.
Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những chia sẻ của người thân tại hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) tạo động lực cho những người lỗi lầm chấp hành tốt án phạt, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.
Nợ nần sinh lừa đảo

Nợ nần sinh lừa đảo

Do nợ nần trong làm ăn, Nguyễn Văn Đức (trú huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền của 2 bị hại trên địa bàn hơn 1 tỷ đồng. Đức như chết lặng khi nghe HĐXX tuyên án.