Chăm lo con chữ cho trẻ em dân tộc Chứt

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, sự nỗ lực của Bộ đội Biên phòng, cấp ủy chính quyền và các trường học đã giúp học sinh dân tộc Chứt (Hương Khê, Hà Tĩnh) hoà nhập và yên tâm học tập.

Cùng với nâng cao nhận thức, trình độ cho bà con dân tộc Chứt tại bản Rào Tre trong phát triển sản xuất, xây dựng nếp sống văn hoá, lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã tích cực phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp và ngành giáo dục không ngừng quan tâm, chăm lo việc học tập cho các con em trong bản.

Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre sửa xe đạp cho các em học sinh trước khi bước vào năm học.

Trung tá Nguyễn Văn Thiên - Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng) cho biết: “Hiện nay, toàn bản Rào Tre có 59 em dân tộc Chứt. Xác định việc học tập đóng vai trò quan trọng để nâng cao trình độ, nhận thức và tạo sự phát triển cho bản nên ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã phối hợp với các nhà trường đến tận từng nhà để vận động, đôn đốc các em đến trường. Đến nay, 100% trẻ em trong bản đều đến lớp học đầy đủ”.

Đặc biệt, vừa qua, em Hồ Viết Đức – người dân tộc Chứt đã trúng tuyển vào ngành Luật của Trường Đại học Hà Tĩnh với số điểm 20,65. Đây là người dân tộc Chứt thứ 2 trúng tuyển vào đại học, qua đó cho thấy chất lượng học tập tại bản Rào Tre đang ngày càng được nâng cao.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tặng quà cho em Hồ Viết Đức.

Được biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các em trong quá trình học, ngay trước thềm năm học mới, Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre đã nhanh chóng rà soát, tổ chức sửa chữa xe đạp cho toàn bộ các em học sinh. Ngoài ra, 4 em nuôi của Đồn Biên phòng Bản Giàng đều được lực lượng mua sắm quần áo, đồ dùng học tập đầy đủ.

“Em Hồ Viết Đức vừa trúng tuyển vào đại học được lực lượng Biên phòng hết sức quan tâm, chăm lo em có môi trường học tập tốt nhất. Ngoài việc đưa em xuống trường nhập học, tặng phần quà 5 triệu đồng tiền mặt và các đồ dùng học tập trị giá 1,5 triệu đồng, đơn vị đã tham mưu với Bộ Chỉ huy hỗ trợ em 1,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, hiện nay, chúng tôi cũng đã làm các thủ tục đề nghị Hội Khuyến học huyện và tỉnh xem xét cấp học bổng cho em” - Trung tá Nguyễn Văn Thiên cho biết thêm.

Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre đưa em Hồ Viết Đức xuống làm các thủ tục nhập học tại Trường Đại học Hà Tĩnh.

Cùng với sự nỗ lực của BĐBP là sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp uỷ, chính quyền và ngành giáo dục địa phương. Ở bậc học mầm non, Trường Mầm non xã Hương Liên có 15 em học sinh dân tộc Chứt từ 2 đến 5 tuổi. Để đảm bảo việc học tập của con em được diễn ra thuận lợi, địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng 1 điểm trường tại bản Rào Tre với đầy đủ hệ thống thiết bị dạy học, ăn bán trú, các đồ chơi… Trường cũng cử 2 giáo viên cắm chốt để chăm lo cho các em.

Điểm trường mầm non được xây dựng khang trang để cho các em học sinh dân tộc chứt học tập.

Cô giáo Đinh Thị Thanh Hoà – Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hương Liên cho biết: “Điều kiện kinh tế của bà con dân tộc Chứt còn hết sức khó khăn nên nhà trường đã chủ động phối hợp với các lực lượng để kêu gọi xã hội hoá kinh phí tổ chức cho các em học sinh dân tộc Chứt được ăn bán trú buổi sáng và buổi trưa. Dù nguồn kinh phí kêu gọi chưa lớn song vẫn đảm bảo cho 100% các em được ăn bán trú trong những tháng tới. Nhà trường sẽ tiếp tục kiên trì vận động, kêu gọi nguồn lực để giúp cho các em được ăn bán trú trong cả năm học”.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Hương Liên, trong năm học 2024 – 2025 có 18 em học sinh của bà con dân tộc Chứt học tập. Để giúp các em học sinh yên tâm học tập, nhà trường đã phối hợp với lực lượng BĐBP kêu gọi nguồn lực xã hội hoá để hỗ trợ sách, vở và đồ dùng học tập cho các em. Các giáo viên cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp giáo dục hòa nhập, nâng cao kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, giúp các em có sự tiến bộ.

Các trường học nỗ lực kêu gọi kinh phí để đảm bảo học sinh người dân tộc Chứt được ăn bán trú.

Thầy Đặng Khánh Tùng – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Liên cho biết: “Một trong những nỗi lo lớn nhất hiện nay là việc ăn bán trú cho 18 em học sinh dân tộc Chứt. Ngay từ đầu năm học nhà trường đã nỗ lực kêu gọi và đã được các cá nhân, tổ chức hỗ trợ. Tuy nhiên, số kinh phí đó chỉ đảm bảo được hết học kỳ 1. Vì vậy, thời gian tới, rất mong các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm hỗ trợ, chia sẻ để cho các em học sinh của bà con dân tộc Chứt được ăn bán trú trong cả năm học”.

Với sự nỗ lực, trách nhiệm của lực lượng BĐBP, ngành giáo dục và cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chung tay của cộng đồng, việc học tập của các em dân tộc Chứt đã được quan tâm, chăm lo và đi vào nền nếp, mở ra kỳ vọng về một năm học thành công.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói