Giữ vững phẩm chất, đạo đức của người làm báo cách mạng, nhiều thế hệ phóng viên xông pha vào những nơi khó khăn, nguy hiểm để có được những tác phẩm báo chí chân thực, sinh động nhất.
Cùng với cuộc bứt phá, “lên ngôi” khá ngoạn mục của các phương tiện truyền thông hiện đại thông qua Internet, hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh những năm qua cũng diễn ra hết sức sôi động. Đến thời điểm hiện tại, ngoài các cơ quan báo chí, đài phát thanh và truyền hình địa phương, trên địa bàn Hà Tĩnh còn có 10 văn phòng đại diện, 37 phóng viên thường trú báo Trung ương, hơn 20 cơ quan báo chí sử dụng cộng tác viên nhưng chưa đặt văn phòng đại diện hoặc cử phóng viên thường trú trên địa bàn.
Các cơ quan báo chí đã đồng hành cùng với tỉnh, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phản ánh kịp thời tình hình phát triển KT-XH, QP-AN, hợp tác đối ngoại. Đồng thời, tuyên truyền kịp thời về các phong trào thi đua yêu nước, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các địa bàn, các lĩnh vực. Từ đó góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Bức tranh sinh động về hoạt động tác nghiệp của phóng viên Báo Hà Tĩnh.
Nhìn chung, các cơ quan báo chí trên địa bàn cơ bản thực hiện đúng các định hướng tuyên truyền và quy định của pháp luật về hoạt động báo chí; phản ánh các vấn đề dư luận quan tâm, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các cấp nắm bắt, giải quyết hiệu quả các vướng mắc phát sinh từ cơ sở, được các tầng lớp nhân dân quan tâm, đánh giá cao.
Tuy nhiên, trong bức tranh nhiều gam màu sáng của báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh, vẫn còn đó những chấm xám cần được hoàn thiện - đó là tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số phóng viên, cộng tác viên các cơ quan báo chí. Một số phóng viên, cộng tác viên thiếu nhạy bén, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, chức năng tham gia quản lý, giám sát xã hội, có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Không ít nhà báo đã có những bài viết mang nội dung thông tin thiếu trung thực, thiếu chính xác, phản ánh một chiều về mặt trái của xã hội, phản ánh quá nhiều những vụ việc tiêu cực, tệ nạn, gây bất an trong dư luận; chưa quan tâm phát hiện, biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước. Trong khi đó, công tác đấu tranh, phản bác các thông tin và luận điệu sai trái, thù địch chưa được chú trọng, chưa thật sự sắc bén, thiếu tính thuyết phục...
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh ra quyết định xử phạt phóng viên hợp đồng của một tạp chí, do hoạt động sai tôn chỉ, mục đích ngày 20/10/2022. (Ảnh tư liệu).
Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp đã từng xảy ra thời gian qua trên địa bàn Hà Tĩnh đó là trong quá trình tác nghiệp, một số phóng viên chưa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích theo giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí đã được Bộ TT&TT cấp. Chỉ tính riêng năm 2022, Sở TT&TT đã xử phạt 3 phóng viên vi phạm về tôn chỉ, mục đích. Hiện, lực lượng chức năng đã và đang xử lý 2 trường hợp phóng viên báo Trung ương hoạt động trên địa bàn vi phạm các quy định này.
Không chỉ dừng lại ở đó, một số phóng viên, cộng tác viên còn “bỏ quên” đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng hoạt động báo chí để thực hiện hành vi phạm tội. Vụ án Đinh Bảo Trung (SN 1989, trú phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) cùng 3 đồng phạm cưỡng đoạt 269 triệu đồng của các chủ doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh bị Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử vào tháng 3/2022 là một ví dụ điển hình.
Ngày 24/3, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đinh Bảo Trung và các đồng phạm về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. (Ảnh tư liệu).
Để hạn chế vấn đề này, cần có những quy định cụ thể, chế tài chặt chẽ về quy định trách nhiệm của người đứng đầu lãnh đạo cơ quan báo chí. Cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý báo chí, Hội Nhà báo cần tăng cường công tác bồi dưỡng và tập huấn về đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, cơ quan quản lý cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với những cơ quan báo chí, phóng viên sai phạm, tạo sự răn đe và phòng ngừa.
Các cơ quan chức năng phải nhanh chóng có cơ chế kiểm soát, quản lý sao cho hiệu quả nhằm hạn chế các thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng, gây tác hại cho cộng đồng, xã hội. Cần nhanh chóng hoàn thành việc tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các cơ quan báo chí, chấn chỉnh tình trạng các tạp chí hoạt động sai tôn chỉ, mục đích đang diễn ra tràn lan, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm luật pháp về báo chí.
Công an thành phố Hà Nội bắt 3 đối tượng là cộng tác viên các tạp chí về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN).
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản, Sở TT&TT cho biết: Chúng tôi đã triển khai rất nhiều giải pháp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn cho cả người làm báo thuộc các cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn và các địa phương, đơn vị những vấn đề liên quan đến hoạt động tác nghiệp báo chí, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo đúng quy định của pháp luật với mục đích tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động báo chí và sự phát triển của báo chí.
"Tuy vậy, vẫn có hiện tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí để thực hiện các mục đích cá nhân, vừa vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức người làm báo vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của những người làm báo, nghề báo. Để chấm dứt tình trạng này, cần xử lý nghiêm minh, kiên quyết, đủ sức răn đe với những trường hợp vi phạm. Cần có sự phối hợp của cả cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, cơ quan chủ quản báo chí từ khâu tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại... để các nhà báo hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa” - ông Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.