Chàng trai người Huế khởi nghiệp tại Hà Tĩnh, tạo việc làm cho hàng chục lao động nông thôn

(Baohatinh.vn) - Là người con gốc Huế nhưng anh Nguyễn Ngọc Duy (SN 1987) lại có thời gian dài gắn bó với mảnh đất Hà Tĩnh. Từ tình cảm với con người nơi đây đã thôi thúc anh về miền núi thơm Hương Sơn mở công ty may, tạo việc làm cho hàng chục lao động nông thôn.

Chàng trai người Huế khởi nghiệp tại Hà Tĩnh, tạo việc làm cho hàng chục lao động nông thôn

Tháng 1/2022, anh Nguyễn Ngọc Duy đã mở công ty may mặc để khởi nghiệp ở Hà Tĩnh.

Năm 2006, anh Nguyễn Ngọc Duy từ Huế ra Hà Tĩnh làm việc tại nhiều công ty may mặc. Sau 15 năm lập nghiệp, lập gia đình và sinh sống ổn định trên địa bàn huyện Hương Sơn, anh quyết chí khởi nghiệp trên “quê hương thứ 2” này. Trong những ngày tháng bươn chải nơi “đất khách quê người”, anh may mắn gặp, kết thân với anh Phan Văn Phước (SN 1990, quê xã Thanh Bình Thịnh, Đức Thọ) và anh Đoàn Duy Thiện (SN 1984, quê phường Đức Thuận, TX Hồng Lĩnh).

Cùng chung ý tưởng và quyết tâm khởi nghiệp, cả 3 anh đã cùng nhau lên kế hoạch mở công ty may mặc. Tháng 10/2021, sau thời gian lên ý tưởng, các anh đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch mở công ty với số vốn ban đầu gần 2 tỷ đồng. Trong đó, anh Duy đứng vai trò chủ đạo với việc góp 50% vốn để gây dựng công ty.

Chàng trai người Huế khởi nghiệp tại Hà Tĩnh, tạo việc làm cho hàng chục lao động nông thôn

Để nâng chất lượng sản phẩm, anh Duy luôn sát sao hướng dẫn công nhân làm nghề.

Nói về hành trình khởi nghiệp, anh Duy cho biết: “Từ cuối năm 2020, tôi và 2 người bạn đã lên huyện Hương Sơn để khảo sát, tìm địa điểm mở công ty may mặc. Cuối cùng, chúng tôi chọn thuê mặt bằng rộng hơn 500 m2 tại thôn Trung Bằng, xã Sơn Bằng để làm xưởng sản xuất".

Đến đầu tháng 1/2022, Công ty cổ phần Sản xuất thương mại may PDT được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. Anh Duy đảm nhận vai trò giám đốc đại diện kiêm giám đốc điều hành, anh Phước là tổ trưởng tổ hoàn thành và anh Thiện với vai trò là kỹ thuật chính.

Sau gần 6 tháng hoạt động, công ty đã ổn định về máy móc, nhà xưởng, nhân công, dây chuyền sản xuất được vận hành nhịp nhàng, số lượng sản phẩm tăng lên từng ngày. Hiện, công ty đã thu hút được hơn 50 công nhân vào làm việc, chủ yếu là người dân Hương Sơn. Đặc biệt, trong đó có 15 người “chạy dịch” COVID-19 từ các tỉnh phía Nam về quê và quyết định ở lại làm việc, chấm dứt cảnh “ly hương”.

Chàng trai người Huế khởi nghiệp tại Hà Tĩnh, tạo việc làm cho hàng chục lao động nông thôn

Chị Nguyễn Thị Phượng sau 10 năm xa quê thì nay đã trở về để làm việc gần nhà, thoát cảnh “ly hương”.

Chị Nguyễn Thị Phượng (SN 1973, thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung) cho biết: “Sau hơn 10 năm làm công nhân ở Bình Dương, khi gặp dịch COVID-19, tôi đã trở về quê. Khi dịch lắng xuống, tôi đang loay hoay giữa đi và ở thì biết đến Công ty cổ phần Sản xuất thương mại may PDT.

Có kinh nghiệm làm công nhân may, tôi quyết định ở lại quê hương làm việc. Ở đây tôi chỉ mất 10 phút đi xe máy đi làm, công việc ổn định và đảm bảo chu toàn cuộc sống gia đình”.

Cũng là một công nhân “chạy dịch”, chị Nguyễn Thị Miên (SN 1988, thôn Ninh Xá, xã Sơn Ninh) cho biết, sau 8 năm làm công nhân may mặc ở Bình Dương, chị đã quyết định trở về và ở lại quê hương làm tại công ty may của anh Duy.

Chàng trai người Huế khởi nghiệp tại Hà Tĩnh, tạo việc làm cho hàng chục lao động nông thôn

Rời Bình Dương trở về quê làm việc, chị Nguyễn Thị Miên vẫn có mức thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình dần khấm khá hơn.

Chị Miên chia sẻ: “Năm 2021, đợt dịch COVID-19 kéo dài đã khiến kinh tế gia đình tôi kiệt quệ, nên vợ chồng tôi đã bàn nhau cùng về quê làm công nhân. Tuy lương ở quê không cao bằng các khu công nghiệp ở Bình Dương nhưng bù lại, chi phí sinh hoạt rẻ và cũng không mất tiền thuê trọ nên mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng đã giúp cuộc sống của gia đình tôi khá hơn”.

Hiện, Công ty cổ phần Sản xuất thương mại may PDT sản xuất theo dây chuyền, mỗi công nhân đảm nhận từng công đoạn. Sản phẩm chính là gia công quần áo, liên kết với Công ty TNHH May Phoenix (Ninh Bình) để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trung bình mỗi tháng, công ty sản xuất được khoảng 7 - 10 nghìn sản phẩm, tùy theo đơn hàng của từng tháng.

Công nhân làm việc có mức lương bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/tháng, nếu năng suất cao có thể đạt 7 - 8 triệu đồng. Ngoài ra, các chế độ khác cũng được công ty đảm bảo.

Chàng trai người Huế khởi nghiệp tại Hà Tĩnh, tạo việc làm cho hàng chục lao động nông thôn

Vừa có công việc ở gần nhà và có mức thu nhập ổn định nên em Hồ Thị Mỹ Dung yên tâm gắn bó với Công ty cổ phần Sản xuất thương mại may PDT.

Vừa tốt nghiệp THPT, đang loay hoay tìm việc ở quê thì em Hồ Thị Mỹ Dung (SN 2002, thôn Lâm Thành, xã Sơn Trung) đã tìm được cơ hội làm việc ngay gần nhà tại Công ty cổ phần Sản xuất thương mại may PDT.

Mỹ Dung cho biết: “Khi được làm công nhân ở đây, em vừa làm vừa học mà vẫn có đồng lương ổn định. Với mức thu nhập mỗi tháng hơn 5 triệu đồng đủ cho cuộc sống ở quê nên em yên tâm gắn bó với công ty”.

Chàng trai người Huế khởi nghiệp tại Hà Tĩnh, tạo việc làm cho hàng chục lao động nông thôn

Anh Phan Văn Phước đảm nhận việc cắt vải và kiểm tra các công đoạn cuối của sản phẩm trước khi hàng được xuất đi.

Chia sẻ về những khó khăn ban đầu, anh Duy cho biết: “Bên cạnh những công nhân có tay nghề trở về từ các tỉnh miền Nam thì nhiều công nhân khác tay nghề còn yếu nên phải đào tạo từ đầu để nâng cao kỹ năng. Ngoài ra, do mới đi vào sản xuất, nên công ty chưa có lãi mà chỉ đủ doanh thu để trả lương cho công nhân, duy trì thuê mặt bằng và các chi phí khác”.

“Chúng tôi đang đặt kỳ vọng sẽ có lãi vào thời gian sớm nhất để có thêm vốn đầu tư, mở rộng xưởng sản xuất. Và với tình hình sản xuất đều tay, đơn hàng xuất ra liên tục thì trong khoảng 2 tháng nữa, công ty sẽ bắt đầu có lãi” - anh Duy cho biết thêm.

Chàng trai người Huế khởi nghiệp tại Hà Tĩnh, tạo việc làm cho hàng chục lao động nông thôn

Công ty cổ phần Sản xuất thương mại may PDT hiện tạo việc làm cho hơn 50 lao động và sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trong thời gian tới.

Nói về dự định tương lai, anh Duy cho hay, sẽ ổn định nguồn vốn, tiếp tục mở rộng xưởng may ở những vùng nông thôn khác trên địa bàn Hương Sơn để người lao động có cơ hội làm việc gần nhà, tạo thêm việc làm, thu hút lớp trẻ đến làm việc để không còn phải chịu cảnh xa quê.

Trong năm 2020 và năm 2021, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên nhiều lao động từ các tỉnh phía Nam trở về quê hương. Vì thế, khi Công ty cổ phần Sản xuất thương mại may PDT đi vào hoạt động đã tạo việc làm và đưa lại thu nhập ổn định cho hàng chục lao động, giúp họ không còn phải “ly hương”. Công ty may mặc của anh Duy đã góp phần giúp địa phương tạo việc làm tại chỗ cho người dân xã Sơn Bằng và các xã lân cận, cải thiện đời sống cho người lao động, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn.

Bà Uông Thị Kim Yến - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Bằng

Chủ đề Khởi nghiệp

Đọc thêm

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Chả rươi thơm ngậy, ngoài giòn, trong mềm là tinh túy của ẩm thực vùng đất ven bờ sông Lam. Đến mùa rươi, thưởng thức món đặc sản này mới cảm nhận được hết nét đẹp của văn hóa ẩm thực truyền thống của Hà Tĩnh.
Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Mô hình thí điểm nuôi cua lông tại phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) bước đầu mang tới nhiều triển vọng, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần lan tỏa sản vật quê hương.
Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên” do Quang Hiếu sưu tầm và biên soạn; đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.