Công ty TNHH May và Dịch vụ thương mại Đức Anh chuyên may gia công các mặt hàng quần áo thời trang.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành LĐ-TB&XH huyện Cẩm Xuyên, hiện nay, có hàng chục doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực may mặc với hàng nghìn lao động hoạt động trên địa bàn và đang có nhu cầu tuyển dụng thêm nhân lực để mở rộng quy mô sản xuất.
Nhà xưởng của Công ty TNHH May và Dịch vụ thương mại Đức Anh (thị trấn Thiên Cầm) được xây dựng trên diện tích hơn 700 m2 với tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 3 tỷ đồng. Sau 6 tháng đi vào hoạt động, công ty đã thu hút được gần 80 công nhân là lao động tại thị trấn Thiên Cầm và các xã lân cận vào làm việc, trong đó, có khoảng 30% là lao động từ các tỉnh miền Nam về.
Làm công nhân may 6 năm ở Bình Dương, do ảnh hưởng của dịch bệnh, cuối năm 2021, chị Bùi Thị Diệp (thôn Xuân Nam - xã Cẩm Nhượng) đã về quê và quyết định ở lại làm việc tại Công ty TNHH May và Dịch vụ thương mại Đức Anh.
Chị Bùi Thị Diệp lựa chọn về quê làm việc sau 6 năm làm công nhân tại Bình Dương.
Chị Diệp chia sẻ: “Thu nhập bình quân của các lao động tại công ty gần 4,5 triệu/tháng nhưng với những người có tay nghề như tôi thì khoảng 6,5 triệu/tháng. Mức thu nhập đó mặc dù thấp hơn khi tôi làm ở miền Nam nhưng bù lại tôi được ở gần gia đình, chi phí sinh hoạt cũng tiết kiệm hơn nhiều nên tôi đã chọn ở lại quê hương làm việc”.
Vừa mới đi vào hoạt động chưa lâu, đang trong giai đoạn ổn định sản xuất nhưng công ty vẫn có những chính sách hỗ trợ người lao động như: miễn phí đào tạo nghề; hỗ trợ bữa ăn trưa, ăn ca; thưởng chuyên cần...
Công ty TNHH May và Dịch vụ thương mại Đức Anh có nhu cầu tuyển dụng khoảng 100 lao động.
Ông Nguyễn Sỹ Hán - Giám đốc Công ty TNHH May và Dịch vụ thương mại Đức Anh cho biết: “Thời gian tới, công ty có kế hoạch mở rộng nhà xưởng, tuyển dụng thêm 100 công nhân; đồng thời, phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Cẩm Xuyên tiến hành các thủ tục để thành lập công đoàn cơ sở”.
Cũng hoạt động trong lĩnh vực gia công hàng may mặc xuất khẩu đi các thị trường như Hàn Quốc, Mỹ, Canada…, Công ty TNHH May và Thương mại Đăng Nhật (xã Cẩm Trung - Cẩm Xuyên) hiện có khoảng 250 công nhân đang làm việc.
Công ty TNHH May và Thương mại Đăng Nhật có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất.
“Số lượng đơn hàng nhiều, với diện tích nhà xưởng và lượng công nhân hiện có, công ty chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tác. Vì vậy, chúng tôi đang có kế hoạch thuê đất dự kiến khoảng 5 ha để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, khi hoàn thành cần tuyển dụng thêm khoảng 1.000 lao động”, ông Đặng Văn Hiệu - Giám đốc Công ty TNHH May và Thương mại Đăng Nhật thông tin.
Qua khảo sát sơ bộ, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh may mặc trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên cũng đang có nhu cầu tuyển dụng như: Công ty CP May xuất khẩu MTV (khu công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) tuyển dụng 100 lao động; Tổ hợp May mặc Phương Hậu (thị trấn Cẩm Xuyên) tuyển dụng khoảng 40 lao động…
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh may mặc trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên đang có nhu cầu tuyển dụng lao động (Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty CP May xuất khẩu MTV).
Bên cạnh các nhà đầu tư trong nước thì vùng phụ cận thành phố Hà Tĩnh cũng đang trở thành điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài. Những ngày gần đây, thông tin tỉnh Hà Tĩnh có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy May mặc xuất khẩu Sunny Apparel Vina (thuộc Công ty Citi Fox Inc - trụ sở tại bang California, Hoa Kỳ) tại lô CN16 + CN17 thuộc Cụm công nghiệp Phù Việt (xã Việt Tiến - huyện Thạch Hà) được dư luận quan tâm.
Diện tích đất sử dụng được phê duyệt của dự án này khoảng 18.600 m2, vốn đầu tư khoảng 69,36 tỷ đồng, công suất 5 triệu sản phẩm/năm, dự kiến dự án hoàn thành và đi vào hoạt động trong quý IV/2022.
Nhà máy May mặc xuất khẩu Sunny Apparel Vina sẽ được xây dựng tại lô CN16 + CN17 thuộc Cụm công nghiệp Phù Việt (Thạch Hà).
Ông Đặng Hữu Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Tiến cho biết: “Xã hiện có gần 10.000 nhân khẩu có mặt tại địa phương, trong đó, hơn 65% trong độ tuổi lao động, tuy nhiên, phần lớn là lao động tự do. Các dự án lớn như Nhà máy May mặc xuất khẩu Sunny Apparel Vina đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm cho lao động tại địa phương và các vùng lân cận”.
Theo báo cáo của Phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Hà, hiện nay, trên địa bàn cũng có 6 cơ sở kinh doanh lĩnh vực may mặc gia công cho các công ty lớn với 444 lao động và hiện đang có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 260 lao động.
Nhu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp lớn nhưng có một thực tế đang diễn ra tại các địa phương là doanh nghiệp còn khó khăn trong tuyển dụng. Tại cụm công nghiệp Phù Việt (xã Việt Tiến) hiện có 18 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực như xây dựng, phân bón vi sinh…, tuy nhiên chỉ mới thu hút được khoảng 250 lao động địa phương vào làm việc.
Cụm công nghiệp Phù Việt hiện có nhiều doanh nghiệp đầu tư.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là lao động địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, trong khi đó, lao động có tay nghề lại đang làm việc tại các tỉnh, thành khác; mức lương của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn chưa đủ hấp dẫn...
Để tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư, tăng cường kết nối cơ hội việc làm cho lao động địa phương, rất cần sự vào cuộc của chính quyền, các cấp, ngành. Ông Từ Hữu Yên - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Hà cho biết: “Trên cơ sở số liệu khảo sát nhu cầu việc làm của lao động tại địa phương, ngành lao động sẽ phối hợp các cơ sở đào tạo nghề để nâng cao tay nghề cho người dân nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường thông tin đến người dân địa phương về các dự án được đầu tư trên địa bàn; tích cực tuyên truyền để động viên con em xa quê về tìm kiếm cơ hội việc làm tại quê hương mình”.