Vào ngày 10/1 tới, Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) sẽ xuất chuyến hàng đầu tiên của năm 2022 sang thị trường Nhật Bản. Thời điểm này, công ty huy động công nhân tăng ca mỗi ngày 30 phút để kịp tiến độ giao hàng.
Công nhân Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh đóng gói đơn hàng xuất khẩu đầu năm.
Ông Hồ Văn Cát – Phó Giám đốc Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh cho biết: “Mọi năm, phải cuối tháng 1, công ty mới xuất lô hàng đầu tiên, nhưng năm nay hàng xuất sớm hơn. Kỳ nghỉ tết dương lịch, chúng tôi cho công nhân nghỉ 2 ngày thứ bảy và chủ nhật. Từ thứ hai, công ty quay lại sản xuất để đảm bảo thời gian giao hàng cho đối tác”.
Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh tăng ca mỗi ngày 30 phút để đảm bảo tiến độ giao lô hàng đầu tiên năm 2022.
Hoàn thành kế hoạch năm 2021 với doanh thu đạt 32 tỷ đồng, hiện nay, Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch năm 2022 với doanh thu đạt 37 tỷ đồng. Khác với mọi năm đơn hàng đến “nhỏ giọt” thì năm nay mới chỉ đầu năm nhưng công ty đã ký hợp đồng với 5 đối tác từ thị trường Nhật Bản.
“Do dịch bệnh ở các tỉnh miền Nam nên từ giữa năm 2021 đến nay, đối tác hợp tác với các tỉnh từ miền Nam đổ về các tỉnh miền Trung nhiều. Riêng công ty thời điểm này đơn hàng đã ký đến hết tháng 5. Đơn hàng dồi dào, công ty đang xây dựng dây chuyền may chất lượng cao và có kế hoạch mở rộng thêm xưởng, tuyển dụng thêm khoảng 700 lao động trong năm nay” - Phó Giám đốc Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh Hồ Văn Cát nhấn mạnh.
Công ty CP May xuất khẩu MTV đã ký kết đơn hàng đảm bảo việc làm cho lao động đến hết năm 2022.
Tại Công ty CP May xuất khẩu MTV (Cẩm Xuyên), hơn 300 công nhân cũng đang tăng ca mỗi ngày 1 tiếng đồng hồ để kịp tiến độ giao đơn hàng 15.000 sản phẩm áo lông vũ sang thị trường châu Âu trong tháng 1. Mới chỉ đầu năm nhưng hiện nay, Công ty CP May xuất khẩu MTV đã ký kết các hợp đồng gia công dài hạn, đảm bảo đủ việc làm cho công nhân đến hết năm 2022, phấn đấu đạt doanh thu hơn 36 tỷ đồng/năm.
Chị Nguyễn Thị Thu – Tổ trưởng Tổ 1, Công ty CP May xuất khẩu MTV phấn khởi khi công ty ký kết nhiều đơn hàng, đảm bảo việc làm cho công nhân đến hết năm 2022.
Chị Nguyễn Thị Thu – Tổ trưởng Tổ 1, Công ty CP May xuất khẩu MTV chia sẻ: “Việc công ty ký kết đơn hàng sớm tạo thuận lợi cho các chuyền may chủ động kế hoạch sản xuất, phân bổ công việc cho công nhân. Gia công một đơn hàng dài hơi cũng giúp cho công nhân đạt năng suất cao hơn, từ đó nâng cao được thu nhập. Hiện nay, mức lương của công nhân đạt bình quân từ 5 – 6 triệu đồng/tháng”.
Đơn hàng dồi dào, Công ty CP May xuất khẩu MTV đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và tăng cường tuyển dụng lao động. Riêng năm 2021, công ty đã “rót” hơn 12 tỷ đồng mở rộng thêm 1 xưởng may, tuyển dụng thêm 100 lao động. Năm 2022, công ty tiếp tục “bắt tay” với 10 cơ sở vệ tinh trên địa bàn Hà Tĩnh để mở rộng quy mô nhằm đáp ứng các đơn hàng đã ký kết với đối tác.
Đơn hàng dồi dào, công nhân Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech không lo thiếu việc làm.
Cũng đã chốt đơn hàng xuất khẩu đến tận tháng 6/2022, Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech (Đức Thọ) đang tập trung nhân lực, máy móc để sản xuất các sản phẩm quần áo thời trang đi thị trường châu Âu và Mỹ. Thuận lợi của công ty là các mã hàng được ký kết với thời gian dài, liên tục nên công nhân làm việc năng suất hơn.
Ông Phan Quang Hoài – cán bộ Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech chia sẻ: “Ngày mai (ngày 3/1), 1.380 công nhân sẽ bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Đơn hàng dồi dào, công ty không lo thiếu việc làm cho công nhân. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được công ty triển khai nghiêm túc”.
Công nhân trong các xưởng may thường xuyên thực hiện đeo khẩu trang.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn Hà Tĩnh đều duy trì nghiêm túc việc rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt và đeo khẩu trang khi vào công xưởng làm việc. Một số xưởng may còn dựng vách ngăn bằng nilon ở giữa các chuyền may để đảm bảo khoảng cách phòng, chống dịch COVID-19.
Những nỗ lực trong việc tìm kiếm, duy trì đối tác, nguồn hàng của các doanh nghiệp may mặc không chỉ giúp các đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo ổn định và phát triển mà còn tạo cơ hội chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân Hà Tĩnh.