Doanh nghiệp may mặc tại Hà Tĩnh “chớp thời cơ” giữa đại dịch COVID-19

(Baohatinh.vn) - Giữa lúc “bóng đen” COVID-19 hoành hành khiến nhiều ngành nghề “hụt hơi” thì doanh nghiệp may mặc Hà Tĩnh đang tranh thủ mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho con em địa phương.

Đơn hàng dồi dào

Thời điểm này, 270 công nhân của Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh (phường Hà Huy Tập – TP Hà Tĩnh) đều đặn tăng ca 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày để sản xuất kịp đơn hàng xuất khẩu. Dù trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng từ đầu năm đến nay, Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh vẫn đạt doanh thu hơn 15 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp may mặc tại Hà Tĩnh “chớp thời cơ” giữa đại dịch COVID-19

Sản xuất tại Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh.

Ông Hồ Văn Cát - Phó Giám đốc Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh thông tin: “Dịch bệnh COVID-19 khiến cho chuỗi sản xuất ở các doanh nghiệp phía Nam bị gián đoạn. Nhiều đối tác chuyển hướng vào các tỉnh miền Trung, trong đó có Hà Tĩnh nên cơ hội đến với chúng tôi nhiều hơn, đơn hàng làm không xuể. Chúng tôi chỉ nhận những đơn hàng số lượng lớn, lặp đi lặp lại để công nhân đạt sản lượng cao”.

Doanh nghiệp may mặc tại Hà Tĩnh “chớp thời cơ” giữa đại dịch COVID-19

Công nhân Công ty CP May xuất khẩu MTV đóng gói đơn hàng để giao cho đối tác

Tương tự, tại Công ty CP May xuất khẩu MTV (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên), các bộ phận cũng đang tất bật giao hàng cho đối tác. Thời gian qua, Công ty CP May xuất khẩu MTV đã mở thêm 10 cơ sở vệ tinh tại các huyện: Cẩm Xuyên, Lộc Hà, TP Hà Tĩnh với gần 300 công nhân gia công.

Ông Nguyễn Trọng Việt – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP May xuất khẩu MTV cho biết: “Trong tháng 7, doanh thu của công ty đạt 150.000 USD, cao gấp đôi so với các tháng trước. Hiện nay, ngoài việc duy trì sản xuất ở xưởng cũ, công ty đang triển khai xây dựng xưởng mới và nhà kho với tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng”.

Doanh nghiệp may mặc tại Hà Tĩnh “chớp thời cơ” giữa đại dịch COVID-19

Công ty CP May xuất khẩu MTV xây dựng xưởng sản xuất số 2 với quy mô 6 dây chuyền may.

Với nhà xưởng mới rộng 1.700 m2, Công ty CP May xuất khẩu MTV dự kiến sẽ lắp đặt thêm 6 dây chuyền với khoảng 300 đầu máy. Dù chưa triển khai xong dự án nhưng hiện nay, Công ty CP May xuất khẩu MTV đã nhận được lời mời đặt hàng của đối tác Hàn Quốc. “Một doanh nghiệp Hàn Quốc đã đặt hàng 3 dây chuyền, chỉ cần xây dựng xong xưởng, tuyển dụng đủ công nhân là đã có thể đi vào vận hành. Chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ dự án để đầu tháng 10 có thể bước vào sản xuất ở nhà xưởng mới” - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP May xuất khẩu MTV Nguyễn Trọng Việt cho hay.

Thu hút con em xa quê

Cùng với việc mở rộng quy mô sản xuất, Công ty CP May xuất khẩu MTV cũng đang xúc tiến tuyển dụng lao động. Đón “làn sóng” lao động từ các tỉnh miền Nam về quê, doanh nghiệp đã chủ động liên hệ với những người có tay nghề cao trong lĩnh vực may mặc để “chiêu mộ”. Mới đây, Công ty CP May xuất khẩu MTV đã thu hút được 30 lao động có tay nghề cao về làm việc.

Doanh nghiệp may mặc tại Hà Tĩnh “chớp thời cơ” giữa đại dịch COVID-19

Dây chuyền may tại Công ty CP May xuất khẩu MTV đang tiếp tục thu hút lao động từ các tỉnh miền Nam về quê.

Còn tại Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh, doanh nghiệp đang lên phương án tuyển dụng 100 lao động để mở rộng thêm 3 dây chuyền may.

“Theo tính toán của chúng tôi thì đầu tháng 9, lao động ở các tỉnh miền Nam về sẽ hoàn thành cách ly tập trung. Trước những thuận lợi về thị trường, bạn hàng, công ty sẽ mở rộng thêm 3 dây chuyền may và sẽ tuyển dụng khoảng 100 lao động” - Phó Giám đốc Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh Hồ Văn Cát nhấn mạnh.

Doanh nghiệp may mặc tại Hà Tĩnh “chớp thời cơ” giữa đại dịch COVID-19

Khu vực trống trong nhà xưởng Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh sẽ được lắp đặt thêm 3 dây chuyền may và tuyển dụng thêm 100 lao động trong tháng 9.

Tương tự, HTX May mặc Green GMC (phường Bắc Hồng, TX Hồng Lĩnh) cũng đang đẩy mạnh thu hút lao động là con em về từ các tỉnh miền Nam. Bên cạnh may gia công các đơn hàng quần áo xuất đi Hàn Quốc và Mỹ, thời điểm này, HTX còn nhạy bén tìm kiếm nguồn hàng mới là khẩu trang và bảo hộ lao động nên chuỗi sản xuất được duy trì bền vững.

Doanh nghiệp may mặc tại Hà Tĩnh “chớp thời cơ” giữa đại dịch COVID-19

Đặc thù làm việc trong dây chuyền sản xuất, các doanh nghiệp đề xuất sớm được tiêm phòng COVID-19 cho người lao động

Để đảm bảo an toàn dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp may mặc cũng tuân thủ nghiêm ngặt theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Tuy nhiên, do đặc thù dây chuyền sản xuất, đông đảo doanh nghiệp may mặc trên địa bàn Hà Tĩnh đều đề xuất chính quyền sớm cho triển khai tiêm phòng COVID-19 đối với người lao động.

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Vingroup để dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án vào KKT Vũng Áng.
Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

“Tổng mức đầu tư của Dự án điện hạt nhân nếu được triển khai tại Ninh Thuận sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng sơ bộ phải lên đến hàng tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 7/12.