“Chàng trai vàng” môn Vật lý Quốc tế 2016 chia sẻ về bí quyết học tập

Vừa trở về từ kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế 2016, “chàng trai vàng” Nguyễn Thế Quỳnh đã có những chia sẻ rất dí dỏm về cuộc sống thường ngày cũng như trong quá trình học tập với Dân trí.

chang trai vang mon vat ly quoc te 2016 chia se ve bi quyet hoc tap

Bà Trần Thị Vi Hạnh vui mừng đón con trai trở về sau kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế 2016

Vượt qua khó khăn để vươn tới thành công

Sinh ra và lớn lên tại phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới (Quảng Bình), Nguyễn Thế Quỳnh là con trai út trong gia đình có 2 anh em trai. Anh trai Quỳnh là Nguyễn Thế Cường, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Bố Quỳnh từng phục vụ trong Quân đội nhưng đột ngột lâm bệnh nặng và qua đời khi Quỳnh mới học lớp 9.

Những năm qua, bà Trần Thị Vi Hạnh, mẹ của Quỳnh với sạp thịt lợn ở chợ Cộn đã nuôi nấng 2 con trai ăn học thành tài. Bà bươn chải với công việc buôn bán ngoài chợ để mưu sinh, nuôi nấng các con khôn lớn. Mỗi ngày, bà Hạnh dậy từ sáng sớm, lấy thịt lợn ngoài lò mổ rồi mang ra chợ bán cho đến tối.

“Mấy ngày vừa rồi, tôi nghỉ bán ở chợ để đi đón Quỳnh ngoài Hà Nội về, rồi hàng xóm, bà con đến chúc mừng nữa nên chưa có thời gian, có lẽ ít ngày nữa sẽ lại tiếp tục ra chợ bán thịt. Hôm đông khách, hôm ít khách, nhưng trung bình cũng bán được tầm 30 cân thịt mỗi ngày, cố gắng cũng đủ để nuôi hai anh em Quỳnh ăn học. Ba nó mất sớm nên giờ cũng chỉ mong sao lo cho hai đứa ăn học đàng hoàng sau này có tương lai tốt hơn”, bà Hạnh chia sẻ.

Còn với chàng trai Nguyễn Thế Quỳnh sự ra đi của người ba yêu quý chính là nỗi mất mát lớn nhất và đó là những ngày khó khăn nhất đối với em. Quỳnh xúc động khi nói về người cha quá cố của mình: “Khó khăn lớn nhất em từng gặp phải đó là ngày ba em mất, lúc đó em mới học lớp 9, em đã rất buồn và thương mẹ nhiều lắm, mẹ một mình vất vả nuôi hai anh em, vì thế em đã luôn dặn lòng phải cố gắng học tập, rèn luyện để không phụ công ơn của mẹ và cũng muốn ở một nơi nào đó, ba sẽ luôn tự hào về em”.

Thông minh, thương bố mẹ và có ý chí, Nguyễn Thế Quỳnh từ nhỏ đã học giỏi, em luôn đạt học sinh giỏi, năm lên lớp 9, em tham gia thi học sinh giỏi tỉnh cả Lý và Toán, với môn Toán em được giải Nhì trong khi môn Vật lý em đạt giải Ba cấp tỉnh.

chang trai vang mon vat ly quoc te 2016 chia se ve bi quyet hoc tap

Chân dung "Chàng trai vàng" Vật lý Quốc tế 2016 Nguyễn Thế Quỳnh

Lên cấp 3, Quỳnh thi đỗ vào lớp chuyên Lý, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, em từng giành giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi môn Vật lý cấp tỉnh, ngoài ra em còn đạt HCV giải toán trên mạng cấp Quốc gia. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2016 Nguyễn Thế Quỳnh đã xuất sắc giành HCV Olympic Vật Lý Quốc tế và trước đó là HCB Olympic Vật lý châu Á.

Chia sẻ dí dỏm về bí quyết học tập của Quỳnh

Với thành tích học tập đầy ngưỡng mộ, Nguyễn Thế Quỳnh còn rất yêu thích thể thao, đặc biệt là bóng đá, quần vợt. Ngoài ra, em còn có niềm đam mê rất lớn đối với truyện trinh thám Conan.

“Nó “nghiện” đá bóng lắm, suốt ngày đá bóng, cứ thấy bạn gọi là chạy đi ngay, nhiều hôm đến 7h tối với về, có lúc đang học mà nghe tivi chiếu thể thao là chạy xuống xem bằng được đã mới chịu lên học tiếp, mà tôi cũng thấy Quỳnh nó nhác (lười) học lắm ấy chứ, có hôm nó ngồi xem tivi đến 9h tối chưa học, mỗi lần mẹ nói nó học là nó lại cười và bảo là mẹ lo chi. Quỳnh còn rất thích đọc truyện, nhất là truyện Conan, thời gian đọc truyện còn nhiều hơn học nữa, có nhiều lần mẹ mắng và đòi đốt hết truyện của nó đi”, bà Hạnh tươi cười kể về cậu con trai của mình.

chang trai vang mon vat ly quoc te 2016 chia se ve bi quyet hoc tap

Nguyễn Thế Quỳnh mong muốn có thể tiếp tục lọt vào đội tuyển thi Olympic Vật lý vào năm sau được tổ chức tại Indonesia

Trò chuyện với chúng tôi, chàng trai có nụ cười rất tươi và dễ mến Nguyễn Thế Quỳnh cho biết em rất thích bóng đá, em yêu đội bóng Manchester United và rất thần tượng cầu thủ Paul Scholes , huyền thoại của đội bóng này, em chia sẻ rằng nếu có thể em rất muốn được đi du học tại Anh để có thể đến sân Old Trafford xem đội bóng yêu thích của mình thi đấu.

Nói về thời gian và phương pháp học tập, Quỳnh tiết lộ em không học nhiều, mỗi ngày chỉ học từ 30 phút đến một tiếng, với em thời gian không quan trọng, quan trọng là hiệu quả trong việc học như thế nào. Ngoài ra em còn thường xem chương trình khoa học, phim tài liệu về khoa học, đọc báo cũng như quan sát ngoài cuộc sống để bổ sung kiến thức cho việc học tập.

“Sắp tới em sẽ cố gắng luyện tập, rèn luyện kiến thức để có thể tiếp tục lọt vào đội tuyển thi Olympic Vật lý vào năm sau được tổ chức tại Indonesia, đây là cơ hội để em rèn luyện bản thân cũng như có thêm kiến thức và cả những người bạn mới”, Quỳnh cho biết thêm.

Nói về ước muốn và nghề nghiệp tương lai, Quỳnh cho biết em rất thích Vật lý nên tương lai em mong muốn sẽ làm nghiên cứu về Vật lý thực nghệm, hy vọng em sẽ có một công trình nghiên cứu riêng cho mình.

Theo Dân trí

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.