Tính đến tháng 7/2017, trên địa bàn Hà Tĩnh có 83 đơn vị, doanh nghiệp đang khai thác và chế biến khoáng sản. Hoạt động này thời gian qua đã cơ bản góp phần đáp ứng nhu cầu nguyên liệu, vật liệu xây dựng, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Giám đốc Sở TN&MT Võ Tá Đinh báo cáo tại buổi làm việc
Đến nay, trên địa bàn có 155 mỏ khoáng sản do UBND tỉnh cấp phép đã hết hiệu lực, trong đó 40 mỏ chưa khai thác và 115 mỏ đã đi vào khai thác.
Từ năm 2012 đến nay, UBND tỉnh đã thu hồi 24 giấy phép khai thác (6 tháng đầu năm thu hồi 4 giấy phép); chấm dứt hoạt động, yêu cầu đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, đất đai và không cấp lại giấy phép khai thác đối với 17 mỏ; tạm đình chỉ hoạt động khai thác đối với 18 mỏ; tổ chức nhiều đợt kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm…
Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam: Việc cấp phép phải phù hợp giữa gìn giữ cảnh quan môi trường và đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy vậy, việc phối hợp giữa các sở ngành và địa phương trong kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép chưa thường xuyên; khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là khai thác cát trên các tuyến sông; một số bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng không phép chưa được xử lý triệt để, làm thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung báo cáo, thảo luận về kết quả đấu tranh, phòng chống việc khai thác khoáng sản trái phép trên sông; việc đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường đối với khu vực mỏ dọc Quốc lộ 1A; việc tổ chức đấu giá khoáng sản…
Trưởng phòng CSGT Đường thủy Trần Hữu Cảnh: Hiện, các mỏ cát được UBND tỉnh cấp phép khai thác có diện tích nhỏ, lẻ, trữ lượng không nhiều, chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu sử dụng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng, do nhu cầu cao, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn kéo dài mà chưa tìm được giải pháp ngăn chặn triệt để. Mặc dù không có điểm nóng, nhưng tình hình chung vẫn khá phức tạp; việc phối hợp giữa các ngành, địa phương chưa tốt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Sở TN&MT chủ trì, rà soát quy mô, tiến độ khai thác của các mỏ đã cấp phép trên tinh thần khách quan, minh bạch. Nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm phải kiến nghị xử lý nghiêm khắc.
Cần thăm dò trữ lượng các mỏ cát chưa cấp phép, nếu đủ điều kiện tiến hành đề nghị cấp mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Cơ quan Công an xem xét, tham mưu UBND tỉnh cách thức tổ chức, nhân lực để thực hiện việc cử tàu gác ở các điểm mỏ thường xuyên có ”cát tặc”.
Sở TN&MT kiểm tra các điểm mỏ có trữ lượng lớn để có phương án ưu tiên xây dựng hạ tầng, thu hút doanh nghiệp khai thác, đầu tư những điểm này trở thành cụm công nghiệp tập trung về khai thác, chế biến khoáng sản. Sớm xây dựng đề cương đề án bảo vệ, khai thác khoáng sản để có phương án quản lý tài nguyên lâu dài.