Chết trong cạm bẫy

Cái chết của Jamal Khashoggi, nhà báo người Saudi Arabia, sống lưu vong tại Mỹ, với nhiều bài viết phản biện về tình hình Saudi Arabia và khu vực Trung Đông đang làm dấy lên nhiều đồn đoán rằng ông không chỉ là một nhà báo mà còn là một tình báo viên.

Đúng như nhiều tờ báo mô tả, nhà báo này đã chết trong cạm bẫy của những sự rắc rối Trung Đông.

Chết trước giờ hạnh phúc

Báo Bưu điện Washington hôm 18-10 đã cho đăng bài báo được cho là cuối cùng của nhà báo người Saudi Arabia, Jamal Khashoggi, trong đó ông cảnh báo rằng các chính phủ ở Trung Đông "được quyền tự do kiểm soát để tiếp tục bịt miệng truyền thông ở mức độ ngày một tăng".

Bài báo này xuất hiện sau hơn hai tuần nhà báo Khashoggi được nhìn thấy lần cuối, khi ông đi vào Tổng Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), hôm 2-10 để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ.

Hãy cùng nhìn vào nội dung của bài báo này sẽ hiểu một phần tại sao nhà báo Khashoggi lại “mất tích”. Biên tập viên Karen Attiah nói bà đã nhận được bài viết này từ phiên dịch và là trợ lý của Khashoggi một ngày trước khi ông được thông báo mất tích.

Khashoggi bắt đầu viết cho mục ý kiến toàn cầu từ tháng 9-2017 và những bài viết của ông thường chỉ trích Thái tử Mohammed Bin Salman và sự điều hành của Quốc vương Saudi Arabia liên quan tới việc kiểm soát báo chí cũng như những chính sách thôn tính quốc gia khác. Trong bài báo, Khashoggi cảnh báo rằng, những hành động này không còn phải nhận hậu quả mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế nữa.

Bạn bè, người thân của nhà báo Jamal Khashoggi biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul.

Biên tập viên Karen Attiah, người từng nhiều lần nhận bài của Khashoggi, cho rằng, mức độ phê phán của Khashoggi ngày một tăng lên liên quan tới việc Thái tử Mohammed bin Salman sử dụng quyền lực của mình để liên kết với các “đối tác” trong và ngoài Saudi Arabia nhằm chi phối, kiểm soát các chính phủ khác ở khu vực Trung Đông.

Khashoggi viết: “Để đạt được mục đích chính trị, ông ta sẵn sàng dùng mọi chính sách ngăn cản việc tiếp cận internet hòng ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ thông tin phản hồi tới người dân. Điều này còn giúp che giấu ý đồ thực sự của Saudi Arabia và các nước đồng minh của Saudi Arabia trong mục tiêu thực sự đối với cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố mà Saudi Arabia là nước đứng đầu ở khu vực... chỉ là để giành quyền kiểm soát, chi phối... Đẩy "thế giới Arab đối mặt với một bức màn sắt được dựng lên không chỉ bởi các nhân tố bên ngoài mà còn thông qua các lực lượng đang tranh giành quyền lực ở bên trong”.

Sau bài báo của tờ Bưu điện Washington, Tổng thống Donald Trump bắt đầu chỉ trích Saudi Arabia, dù trước đó vẫn luôn ủng hộ Saudi Arabia bởi những hợp đồng “béo bở” về vũ khí, công ăn việc làm cho nửa triệu người Mỹ, cũng như vai trò quan trọng của Saudi Arabia trong chiến lược của Mỹ ở Trung Đông.

Ngày 18-10, Tổng thống Trump tuyên bố, giờ đây ông tin rằng nhà báo Khashoggi đã chết, đồng thời cảnh báo về "những hậu quả hết sức nghiêm trọng" nếu Saudi Arabia được chứng minh là phải chịu trách nhiệm.

Đây là giọng điệu cứng rắn nhất của chính quyền Tổng thống Trump đối với đồng minh Saudi Arabia kể từ khi bắt đầu xảy ra sự việc. Hiện, cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Mỹ đều chưa chính thức công khai khẳng định rằng Khashoggi đã chết hay chính thức tuyên bố buộc tội Riyadh.

Nhưng, việc cho các cơ quan chức năng “rò rỉ” một phần thông tin lên các trang báo thân chính phủ về nhân thân của các nghi can, trong đó có quan chức an ninh Saudi Arabia Maher Abdulaziz Mutreb, nhân vật thân cận với Thái tử với hàm ý đây là nhân vật chỉ đạo vụ giết hại đã cho thấy quan điểm của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ việc này.

Khá nhiều nhà hoạt động nhân quyền lên tiếng về vụ việc này.

Cái chết của nhà báo này cơ bản là đã rõ. Như các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói, ông là nạn nhân của một nhóm đặc vụ Saudi Arabia, vì ông từ chối không chịu về nước.

Đúng như tờ Washington Post dẫn lời một số bạn bè của nhà báo này mô tả, trong khoảng 4 tháng trở lại đây, các quan chức cao cấp của Saudi Arabia thân cận với Thái tử Mohammed Bin Salman đã động viên ông về nước, hứa bảo vệ an toàn và thu xếp cho ông một công việc tốt nhưng ông đã từ chối... và hậu quả được tiên đoán trước đã xảy ra.

Ai đang trục lợi ai?

Một cuộc chiến ngoại giao là mầm mống cho một cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông dường như đã bắt đầu khi mà Chính phủ Saudi Arabia và Thái tử Mohammed bin Salman, đã phủ nhận sự liên quan. Chưa rõ Saudi Arabia có dám “trảm tướng” để “cứu chúa” nhằm tìm cách tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng ngoại giao quốc tế đang lan rộng ra khắp Trung Đông hay không?

Nước Mỹ cần Saudi Arabia bởi những lợi ích chung rất lớn. Cho nên, cũng không ít người hoài nghi, tuyên bố “quay 180 độ” của Tổng thống Trump chỉ là con bài chính trị.

Chẳng vậy mà không phải ngẫu nhiên, ngay sau khi xảy ra sự việc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên đường đến Riyadh gặp Vua Salman và Thái tử Mohammed Bin Salman, sau đó sang Ankara gặp Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Điều đáng lưu ý như báo New York Times ngày 18-10 đưa tin, ngay sau khi ông Pompeo đến Riyadh, tài khoản của Bộ Ngoại giao Mỹ đã tăng lên 100 triệu USD do Saudi Arabia chuyển vào.

Không chỉ có Mỹ muốn “trục lợi” trên số phận một nhà báo được coi là đã bị giết hại. Các phân tích của nhiều tờ báo cũng chỉ ra, chính Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn trục lợi như vậy.

Việc các cơ quan an ninh của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu những bằng chứng liên quan đến Saudi Arabia trong vụ việc nhà báo Khashoggi khiến ông Erdogan có một vị thế hoàn hảo để đạt được những sự nhượng bộ từ Riyadh.

Đặc biệt, chiến lược ngoại giao bảo vệ mối quan hệ hợp tác với Saudi Arabia của chính quyền Tổng thống Trump khiến Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ có ảnh hưởng chi phối tới Saudi Arabia mà còn cả với Mỹ.

Mỗi lần Thổ Nhĩ Kỳ "nhỏ giọt" thông tin, mỗi một báo cáo rằng cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ có đoạn thu âm về vụ sát hại nhà báo Saudi Arabia, rằng ông Khashoggi đã bị tra tấn trước khi bị giết, rằng có 15 người Saudi Arabia đã đến và rời đi vào ngày mà nhà báo này biến mất... đều là một thông điệp mà Ankara muốn gửi đến Riyadh và Washington, rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể là ngòi nổ làm cho Trung Đông dậy sóng, hoặc cũng có thể là người kiến tạo giúp ổn định tình hình.

Các nhà báo Saudi Arabia biểu thị tình đoàn kết với nhà báo Jamal Khashoggi.

Sự thật vùi lấp và lý thuyết một trò chơi

Sự thật rất có thể một lần nữa lại bị vùi lấp bởi lợi ích. Cái chết của một nhà báo dám tố cáo sự bẩn thỉu trong chính trị một lần nữa có thể bị vùi lấp bởi lợi ích của các quốc gia. Song, cái chết ấy gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những bất ổn do chính con người tạo ra để lấy cớ thôn tính và chi phối độc lập chủ quyền quốc gia khác.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông, nguyên nhân sâu xa hơn việc cần phải “bịt miệng” một nhà báo chính là lo ngại về khả năng thông tin “khủng” của Khashoggi có thể làm lung lay chiếc ghế của Thái tử Salman.

Những nghiên cứu của các chuyên gia cho biết: Khashoggi biết rõ chuyện “thâm cung bí sử” của Hoàng gia Saudi Arabia. Bởi, Khashoggi không chỉ là nhà báo mà còn là người gần gũi với bộ tộc Turki - bộ tộc cạnh tranh với bộ tộc đang lãnh đạo hoàng gia.

Ngoài ra, còn một giả thiết khác khá chắc chắn là Khashoggi từng viết trên tờ Washington Post rằng, ông biết một số điều về sự liên quan của Saudi Arabia đối với vụ khủng bố tấn công Trung tâm thương mại thế giới (WTC) tại New York ngày 11-9-2001.

Người ta nghi ngờ rằng, Khashoggi còn có thể biết nhiều hơn nhưng chưa công bố. Các chuyên gia nhận định, một nhà báo biết quá nhiều mà không “ẩn dật” chính là lý do ông phải chết.

Một số chuyên gia Arab chuyên nghiên cứu về các vấn đề liên quan tới những phần tử thánh chiến (yêu cầu giấu tên) cho biết: “Jamal Khashoggi chỉ là một phần của “trò chơi” do CIA điều khiển từ đầu đến cuối”.

Nguồn tin này tiết lộ: “Jamal Khashoggi rốt cuộc là một nhân viên tình báo đội lốt nhà báo. Nếu ông ấy không còn sống, ông ấy chính là nạn nhân của một trò chơi, nơi mà một số cơ quan báo chí và tình báo luôn có “sự hòa nhập lẫn nhau”. Và điều mà ông ta không bao giờ có thể tưởng tượng được, đó là sẽ có ngày cuộc chơi này làm hại chính bản thân mình”.

Theo An ninh Thế giới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói