Ngành LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần đảm bảo an sinh xã hội

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đã chủ động chuyển đổi số lĩnh vực lao động - người có công và xã hội để nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước, giúp việc giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông suốt, minh bạch, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Ngành LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh ứng dụng công nghệ thông tin để lao động phỏng vấn tuyển dụng trực tuyến.

Trước đây, để được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), lao động Hà Tĩnh phải đến trực tiếp Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp. Từ tháng 6/2022, người lao động chỉ cần truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia https://dichvucong.gov.vn/ đăng ký nộp hồ sơ. Sau khi nộp trực tuyến, hồ sơ được chuyển đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh để được xử lý, giải quyết.

Ngành LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Từ tháng 6/2022, người lao động Hà Tĩnh đăng ký hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp BHTN qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (Ảnh chụp giao diện Cổng Dịch vụ công quốc gia giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp).

Anh Nguyễn Văn Thành Đạt (SN 1997, ở xã Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên) sau khi nghỉ việc tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh thì nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp BHTN qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. “Việc triển khai tiếp nhận hồ sơ BHTN trên Cổng Dịch vụ công quốc gia không chỉ hỗ trợ, giúp tôi giảm chi phí, thời gian đi lại, tạo sự tiện lợi, thoải mái, mà còn giúp rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt là có thể thực hiện bất cứ lúc nào, ở đâu”, anh Đạt cho biết.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, từ đầu tháng 6/2022, trung tâm đã triển khai tiếp nhận và giải quyết hưởng trợ cấp BHTN trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trung tâm đã xây dựng quy trình nội bộ để phân công từng khâu tiếp nhận, xử lý và giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp BHTN cho người lao động; đồng thời triển khai tập huấn cho đội ngũ thực hiện nhiệm vụ trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh cho biết: “Để triển khai tiếp nhận hồ sơ BHTN trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trung tâm tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người lao động cách thức đăng ký, tạo tài khoản và nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công quốc gia qua website, facebook, zalo; niêm yết thông báo tại các điểm tiếp nhận, gửi văn bản đến phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành để phối hợp tuyên truyền cho người lao động tại địa phương”.

Tính từ tháng 6 đến hết tháng 10/2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh đã nhận và xử lý, giải quyết hơn 3.000 hồ sơ của lao động nộp để hưởng trợ cấp BHTN qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Ngành LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Cơ sở dữ liệu trẻ em được cập nhật trên phần mềm quản lý, cán bộ cấp xã có thể theo dõi, quản lý trẻ em trên địa bàn. (Trong ảnh: Cán bộ phụ trách chính sách xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ) khai thác dữ liệu trẻ em trên phần mềm quản lý).

Ngoài đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực lao động, ngành LĐ-TB&XH còn tập trung triển khai thực hiện chuyển đổi đối với với lĩnh vực người có công và xã hội. Theo đó, ngành LĐ-TB&XH đã triển khai chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu để cập nhật dữ liệu trẻ em dưới 16 tuổi vào phần mềm quản lý thông tin trẻ em từ cấp xã theo quy trình hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH; rà soát, cập nhật và chuẩn hóa dữ liệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội và hỗ trợ kinh phí chăm sóc.

Ngành LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Thông tin về trẻ em trên địa bàn từ tỉnh đến xã đều được hiện thị qua phần mềm, tạo thuận lợi cho cán bộ phụ trách theo dõi, quản lý đối tượng

Tính từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 10, toàn tỉnh đã cập nhập dữ liệu trẻ em vào hệ thống phần mềm quản lý (http://nhaplieu.treem.gov.vn) gần 317.000 trường hợp (hơn 235.000 trẻ em đã được cấp mã định danh); 13/13 huyện, thành phố, thị xã hoàn thành cập nhật dữ liệu quốc gia với tổng số đối tượng bảo trợ xã hội là 64.553 người.

Sở LĐ-TB&XH còn đẩy mạnh sử dụng văn bản điện tử, giảm giấy tờ hành chính trong hoạt động. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thực hiện tốt việc số hóa, luân chuyển, xử lý văn bản trên phần mềm E-Office theo quy trình khép kín và qua môi trường mạng.

Theo kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực lao động - người có công và xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Sở LĐ-TB&XH, mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 98% hồ sơ công việc tại các phòng, đơn vị chuyên môn thuộc sở được quản lý, xử lý và luân chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước và hồ sơ công việc được nhận gửi từ các đơn vị ngoài hệ thống); 100% hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí được thực hiện trên môi trường mạng theo cấp độ 4; thủ tục hành chính, thực hiện tối thiểu 80% về điều kiện, cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công tỉnh; phấn đấu trên 90% cơ sở dữ liệu lĩnh vực lao động - người có công và xã hội tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh được kết nối, chia sẻ với hệ thống thông tin của quốc gia theo lộ trình...

Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục tăng cường quán triệt, tổ chức thực hiện công tác chuyển đổi số; phối hợp với Sở TT&TT, Công an tỉnh trong triển khai chuẩn hóa, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu “lao động, việc làm và an sinh xã hội” theo kế hoạch của Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh; triển khai đồng bộ việc giải quyết hồ sơ BHTN cho người lao động trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Đồng thời, xây dựng và triển khai đề án số hóa cơ sở dữ liệu người có công với cách mạng, số hóa hồ sơ quản lý văn bản và hồ sơ công việc; tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng mạng để đảm bảo ngày càng tốt hơn trong triển khai chương trình chuyển đổi số và dịch vụ công trực tuyến.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đinh Hữu Công

Chủ đề Chuyển đổi số

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast