Dự kiến 3 nhóm đối tượng được vay vốn tín dụng CSXH

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác thay thế Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 (Nghị định 78). Theo đó, dự kiến sẽ có 3 nhóm đối tượng được vay vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH).

Cụ thể, Dự thảo xây dựng các đối tượng được vay vốn tín dụng CSXH gồm: Hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn; học sinh, sinh viên là con hộ nghèo.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện văn bản pháp lý điều chỉnh của chương trình cho vay hộ nghèo là Nghị định 78, đối tượng được vay vốn là hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia được UBND cấp xã xác nhận.

Thực tế thời gian qua, trong quá trình triển khai các cơ chế tín dụng CSXH, việc xác định hộ nghèo theo quy định phân cấp cho UBND cấp xã nhưng mỗi nơi làm một cách, có nơi bỏ phiếu “bầu” hộ nghèo, có nơi bầu bằng giơ tay, phiếu điều tra do các hộ tự khai.

Mục đích vay vốn phải sử dụng phù hợp với quy định
Mục đích vay vốn phải sử dụng phù hợp với quy định

Ngoài ra, việc phân loại và xác định hộ nghèo cũng được phân cấp quản lý cho cơ sở nhưng thiếu cơ chế kiểm tra giám sát. Nhiều xã khoán cho cấp thôn thực hiện; có nhiều tiêu chí tính toán phân loại không đồng nhất, dẫn đến việc xác định đối tượng thụ hưởng chưa chính xác, có hộ là hộ nghèo nhưng không có trong danh sách hộ nghèo, ngược lại có hộ không thuộc diện nghèo lại được UBND xã xác nhận trong danh sách được vay vốn.

Chưa kể có một số chương trình tín dụng ưu đãi có tên gọi khác nhau nhưng cùng mục đích sử dụng vốn cho cùng một đối tượng thụ hưởng: như chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, chương trình thương nhân miền núi,...

Vì vậy, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định mới theo hướng sắp xếp và loại bỏ các chương trình tín dụng chính sách có nội dung trùng lặp và tập trung vào 3 nhóm đối tượng thụ hưởng (người vay) là: Hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh, sinh viên là con hộ nghèo.

Mục đích vay vốn phải phù hợp

Bộ Tài chính cũng lưu ý nội dung Dự thảo quy định rõ về mục đích vay vốn của người vay phải được sử dụng vào các việc phù hợp với quy định.

Sau 8 năm triển khai Nghị định 78, đã có hơn 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp gần 2 triệu hộ thoát nghèo; thu hút 2,1 triệu người lao động có việc làm; hơn 1,9 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng hơn 2,3 triệu công trình NS&VSMT nông thôn, 74.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ Đồng bằng sông Cửu Long, trên 174.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở; hơn 80.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động...

Đó là vay vốn để mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi, thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh; góp vốn thực hiện các dự án hợp tác sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về nhà ở, điện thắp sáng, nước sạch và học tập; trang trải các chi phí để đi lao động có thời hạn tại nước ngoài.

Còn nếu đối tượng vay là học sinh, sinh viên con hộ nghèo, mục đích sử dụng vốn vay là để mua sắm phương tiện học tập và các chi phí khác phục vụ cho việc học tập tại trường.

Lãi suất cho vay được xác định tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng và không thay đổi trong cả thời hạn vay vốn.

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast