Cholesterol, mỡ máu cao gây bệnh gì?

Cholestesterol hay mỡ máu cao là nguyên nhân dẫn đến xơ vữa động mạch, đột quỵ và các bệnh tim mạch khác … Bệnh có tỷ lệ tử vong cao hoặc gây tàn tật suốt đời. Thay đổi lối sống có thể làm giảm cholesterol hiệu quả bạn có thể thử ngay.

Mỡ máu hay cholesterol tăng cao gây bệnh gì?

Cholesterol (mỡ máu) là kết quả của bệnh mắc phải do di truyền, chế độ ăn uống hay lối sống không khoa học. Đa số cholesterol cao không có bất cứ triệu chứng nào rõ ràng. Cách duy nhất để biết bạn có bị cholesterol cao hay không là xét nghiệm máu.

Cholesterol có 2 loại là LDL-cholesterol (là cholesterol xấu, có hại) và HDL-cholesterol (là cholesterol tốt, có lợi). LDL-cholesterol tăng cao trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng tích tụ mảng bám trong thành động mạch gây xơ vữa động mạc h, làm hẹp lòng động mạch, từ đó gây ra các vấn đề tim mạch khác.

Cholesterol hay mỡ máu cao trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng tích tụ mảng bám trong thành động mạch gây xơ vữa động mạch, làm hẹp lòng động mạch.

Nói chung, cholesterol/ mỡ máu cao nếu không được kiểm soát gây ra các bệnh:

-Xơ vữa động mạch, là sự tích tụ của các chất béo lắng đọng trong mạch máu.

-Bệnh động mạch cảnh, làm hẹp các mạch máu đưa máu từ tim đến não.

-Bệnh mạch vành, là tổn thương ở các mạch máu chính của tim.

-Đau tim.

-Bệnh động mạch ngoại biên, làm hẹp hoặc tắc nghẽn các mạch máu mang máu từ tim đến các chi.

-Đột quỵ.

Các dấu hiệu của cholesterol cao

Cholesterol cao hay mỡ máu hầu như không có các dấu hiệu hay triệu chứng cụ thể, nhưng cholesterol cao gây các bệnh ở mạch máu, từ đó xuất hiện các dấu hiệu của xơ vữa động mạch và bệnh tim.

Chỉ có xét nghiệm máu mới biết một người có bị mỡ máu hay cholesterol cao hay không.

Người bị thừa cân, béo phì có nguy cơ bị mỡ máu cao.

Dưới đây là một số dấu hiệu khi cholesterol cao gây ra các biến chứng:

-Chóng mặt.

-Đau tức ngực.

-Khó thở.

-Chậm lành vết thương.

-Vết loét hoặc vết loét hở khó liền.

-Chuột rút.

-Đổi màu da.

-Chóng mặt.

-Mất thăng bằng, đứng không vững.

-Yếu, mệt

Nhữngđối tượng có nguy cơ bị tăng cholesterol, mỡ máu cao bao gồm người có tiền sử gia đình có cholesterol máu cao (mắc mỡ máu có tính chất gia đình), chế độ ăn uống quá nhiều chất béo bão hòa, người bị thừa cân, béo phì, ít vận động; người mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, bệnh suy giáp; người uống nhiều rượu bia, bị rối loạn chuyển hóa.

Thay đổi thói quen, lối sống để giảm mỡ máu

Theo dõi sát tình trạng cholesterol hoặc mỡ máu định kỳ

Theo các chuyên gia y tế, cholesterol cao thường không có triệu chứng, đặc biệt là ở thời gian đầu, chỉ có thể phát hiện sớm mỡ máu bằng xét nghiệm. Cholesterol có thể gặp ở cả trẻ em, người gầy hoặc bề ngoài sức khỏe vẫn bình thường.

Nếu biết sớm về vấn đề mỡ máu hoặc cholesterol cao, bạn có thể thay đổi ngay chế độ ăn uống, lối sống, nếu cần phải gặp bác sĩ để dùng thuốc hạ mỡ máu.

TS James Beckerman, bác sĩ tim mạch của Viện Tim mạch tại Trung tâm Y tế St. Vincent, Portland, Oregon, Mỹ cho biết, từ 20 tuổi trở lên, bạn nên kiểm tra mức độ cholesterol của mình và cứ sau từ 4 đến 6 năm có thể xét nghiệm lại. Nếu bạn bị thừa cân, béo phì, mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim, lời khuyên là bạn nên xét nghiệm mỡ máu thường xuyên hơn. Cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ.

Bơi lội 3-4 lần mỗi tuần có thể làm giảm mỡ máu của bạn.

Tập thể dục có thể làm giảm cholesterol

Tập thể dục thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để kiểm soát lượng cholesterol của bạn. Bạn không cần phải chạy quãng đường dài mất sức mà chỉ cần chạy khoảng nửa giờ hoặc đi bộ nhanh, bơi lội hoặc khiêu vũ 3 -4 lần một tuần là đủ. Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể chia thành từng khoảng thời gian 10 phút trong ngày.

Để nâng cao sức mạnh bạn có thể tập môn thể thao như chống đẩy, kéo xà, nâng tạ - cũng có thể hữu ích giúp hạ cholesterol xấu.

Bỏ thuốc lá giúp cải thiện chỉ số cholesterol

Hút thuốc lá làm giảm cholesterol tốt, đồng nghĩa với việc cơ thể bạn giữ lại nhiều cholesterol xấu (LDL) hơn. Cholesterol xấu có liên quan đến bệnh tăng huyết áp , tiểu đường và bệnh tim mạch. Bạn có thể cải thiện mức cholesterol, bảo vệ động mạch nếu bỏ thuốc lá, kể cả tránh hút thuốc lá thụ động.

Duy trì cân nặng ổn định để phòng bệnh mỡ máu

Khi cân nặng tăng quá mức, đặc biệt là mỡ “nội tạng” quanh bụng, có thể làm tăng LDL cholesterol (xấu) và giảm HDL cholesterol (tốt).

Tại Mỹ, số đo vòng eo của phụ nữ từ 88cm trở lên và 100cm với nam giới là dấu hiệu của thừa cân, béo phì . Hoặc khi bạn nhận thấy mình sở hữu thân “hình quả táo”, phần bụng to hơn ngực và mông là bạn đã có thể bị béo phì, có nguy cơ bị bệnh mỡ máu hay cholesterol cao.

Với những người thừa cân, béo phì, chỉ cần giảm 10% trọng lượng là bạn có thể thay đổi các chỉ số mỡ máu của mình. Bạn cần phải gặp bác sĩ để nhận được lời khuyên về chế độ tập luyện và dinh dưỡng để giảm cân.

Hạn chế chất béo bão hòa

Chất béo bão hòa người bị mỡ máu cao nên hạn chế ăn, nó có trong các thực phẩm như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, sữa nguyên kem, bơ, phô mai, sữa chua, dầu cọ và dầu dừa… Tất cả những thực phẩm này đều có thể làm tăng LDL cholesterol (cholesterol xấu) của bạn.

Để loại bỏ thay thế các thực phẩm nhiều chất béo bão hòa này, bạn có thể ăn các loại thịt trắng, thịt gia cầm, cá, gà, sữa tách béo và sữa chua ít béo. Tốt nhất không nên ăn nhiều hơn 6% lượng calo từ chất béo bão hòa nếu bạn bị mỡ máu hay LDL cholesterol cao.

Hạn chế chất béo bão hòa trong khẩu phần ăn để giảm cholesterol cao.

Điều trị các bệnh mạn tính

Nếu bạn đang mắc các căn bệnh mạn tính như tiểu đường, béo phì bạn cần phải theo dõi cả chỉ số cholesterol của mình thường xuyên. Bạn cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong điều trị căn bệnh mạn tính của mình bởi nó sẽ giúp cải thiện các chỉ số cholesterol hoặc mỡ máu của bạn.

Tuyệt đối không nên thay đổi hoặc bỏ liều điều trị nếu chưa thông báo với bác sĩ của mình.

Tóm lại, nếu có bất cứ dấu hiệu của bệnh tim, đột quỵ hoặc xơ vữa động mạch như đau ngực trái, tức ngực, chóng mặt, dáng đi không vững, nói lắp, hoặc đau ở cẳng chân... đều có thể liên quan đến mức độ cholesterol trong máu cao. Nếu có một trong những dấu hiệu này, bệnh nhân cần được trợ giúp y tế ngay lập tức.

Theo SK&ĐS

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói