Chủ động phòng chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh

(Baohatinh.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 1/11, Quốc hội khoá XV tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh điều hành phiên thảo luận tại tổ số 5 gồm ĐBQH các tỉnh: Sơn La, Đắk Nông, Bình Thuận, Hà Tĩnh.

Thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả, bền vững

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Trần Đình Gia: Thống nhất sử dụng tên gọi “Luật các Tổ chức kinh tế hợp tác”; đề nghị bổ sung chính sách ưu tiên cho tổ chức kinh tế hợp tác có hoạt động công ích như dịch vụ môi trường như thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải, có sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phát triển xanh.

Đại biểu Quốc hội các đoàn cho rằng thời gian qua, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị nguyên tắc của hợp tác xã (HTX) trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một số tồn tại, hạn chế như: Việc HTX gia nhập, hoạt động, rút khỏi thị trường còn gặp nhiều rào cản; quy định về cơ cấu, tổ chức, quản lý HTX chưa phù hợp với thực tiễn; công tác chỉ đạo thiếu quyết liệt, quản lý Nhà nước chưa chặt chẽ; chưa xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về các tổ chức kinh tế hợp tác...

ĐBQH tỉnh Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng: Về quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, đề nghị làm rõ nguồn hình thành, cơ chế vận hành và cơ quan chịu trách nhiệm quản lý quỹ ở Trung ương và ở cấp tỉnh; đồng thời, làm rõ vai trò và chức năng của quỹ tránh chồng chéo, trùng lặp với vai trò và chức năng của Ngân hàng Hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân.

Từ thực tế đó, các đại biểu khẳng định, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển hiệu quả, bền vững, xây dựng hệ sinh thái các tổ chức hợp tác kinh tế mạnh, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên.

ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ: Chính sách của Nhà nước về phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác cần cụ thể và thiết thực hơn, chính sách phải mang tính đặc thù cho các tổ chức kinh tế hợp tác, hỗ trợ và khuyến khích tổ chức này phát triển.

Chủ động phòng chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố

Thiếu tướng Hà Thọ Bình - ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh: Phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước, được tiến hành bằng các hoạt động xuyên suốt trong cả thời bình, thời chiến và trong tình trạng khẩn cấp để bảo vệ Nhân dân và nền kinh tế, hạn chế đến mức thấp nhất sự thiệt hại về người và của do các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại của địch gây ra, cũng như để thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả của thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ Nhân dân, cơ quan, nền kinh tế quốc dân, giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Về Luật Phòng thủ dân sự, các đại biểu đánh giá, công tác phòng thủ dân sự những năm qua từng bước được hoàn thiện về thể chế và tổ chức thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân.

ĐBQH tỉnh Sơn La - Đinh Công Sỹ: Các tổ chức chỉ đạo phòng thủ dân sự có nhiều sự trùng lặp, chồng chéo về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, thành viên, vì vậy, ở cấp quốc gia đề nghị hợp nhất 3 tổ chức phối hợp liên ngành gồm: Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cần luật hóa để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thực tiễn như: Pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng các biện pháp ứng phó theo cấp độ phòng thủ dân sự dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện.

Hệ thống tổ chức chỉ đạo, chỉ huy ứng phó, khắc phục các dạng thảm họa, sự cố ở các cấp còn thiếu đồng bộ, dẫn đến công tác chỉ đạo, chỉ huy hiệu quả chưa cao. Theo đó, các đại biểu thống nhất trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Phòng thủ dân sự.

ĐBQH tỉnh Sơn La - Vi Đức Thọ: Đề nghị nghiên cứu quy định về thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự để không chồng chéo trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi. Cần cân nhắc nội dung quy định về bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố.

Các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh; đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố; xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự; cấp độ phòng thủ dân sự và thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp; cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự; quỹ phòng thủ dân sự.

Hoàn thiện các quy định, tạo động lực cho HTX phát triển

Phát biểu thảo luận tại tổ, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, Tổ trưởng Tổ thảo luận số 5 khẳng định: Thời gian qua, các tổ chức kinh tế hợp tác không ngừng tăng lên về số lượng, từng bước hoạt động ổn định, doanh thu và thu nhập người lao động trong HTX, tổ hợp tác được cải thiện.

HTX góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị tại cộng đồng. Việc sửa đổi dự thảo luật lần này cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng phát biểu thảo luận

Bên cạnh đó, đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh và các đại biểu đoàn Hà Tĩnh đề xuất bổ sung quy định về điều kiện, trình tự thủ tục chuyển nhượng tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân; nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan đến thành lập doanh nghiệp trong HTX, nhất là làm rõ các điều kiện để HTX thành lập doanh nghiệp;

Nghiên cứu quy định hợp lý về số lượng thành viên HTX; về lộ trình tăng số lượng thành viên theo thời gian hoạt động của HTX; cơ chế khuyến khích các thành viên mới tham gia HTX; tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền đối với phát triển kinh tế xã hội; có chính sách thu hút đặc biệt để tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho HTX; có chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ.

Về dự án Luật Phòng thủ dân sự, đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh và các đại biểu đoàn Hà Tĩnh tán thành việc đổi mới cơ cấu, tổ chức, điều hành chỉ đạo công tác phòng thủ dân sự theo hướng tập trung, thống nhất từ trung ương đến cơ sở, gọn đầu mối, phân công, phân cấp rõ ràng để chủ động, linh hoạt trong triển khai, gắn với thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả).

Các đại biểu đoàn Hà Tĩnh đề xuất quy định cụ thể các tiêu chí để đánh giá mức độ ảnh hưởng và tính chất đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố; làm rõ tiêu chí, cách phân loại gắn với từng loại công trình phòng thủ dân sự, yêu cầu khi xây dựng công trình phòng thủ dân sự để bảo đảm tính khả thi, tránh phát sinh thủ tục, nghĩa vụ cho chủ đầu tư. Rà soát quy định về thẩm quyền công bố, ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự để đảm bảo thống nhất với các luật chuyên ngành; nghiên cứu quy định các biện pháp phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp. Bên cạnh nguồn lực ngân sách, cần quan tâm thu hút xã hội hoá trong hoạt động phòng thủ dân sự.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói