Do không có điện nên các hộ dân phải sắm máy nổ để duy trì việc tạo sóng cung cấp ô xi cho các hồ tôm. So với sử dụng điện thì việc dùng máy nổ chi phí cao hơn nhưng lại không mang tính ổn định.
Từ lâu Kỳ Thọ được xem là xã có diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) lớn và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Đặc biệt, nhờ vị trí địa lý thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy hải sản (3 phía của xã giáp với kênh nhà Lê) nên việc nuôi trồng thủy hải sản được chính quyền xã xem là mũi nhọn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do thiếu hệ thống điện lưới nên người dân còn ngần ngại mở rộng quy mô sản xuất NTTS.
Anh Nguyễn Tiến Hiển - thôn Bắc Sơn, xã Kỳ Thọ cho hay, gia đình anh nhận thầu 7 ha mặt hồ để nuôi tôm, tuy nhiên do hệ thống điện lưới không có cộng thêm hạ tầng đường giao thông, kênh mương tưới tiêu, cống thoát nước xuống cấp, hư hỏng nên hạn chế rất nhiều tới sản xuất.
Ngoài thiếu điện, việc các hệ thống vận hành mương, cống thoát nước bị xuống cấp khiến người dân “ngại” đầu tư
Theo anh Hiển, việc không có điện là trở ngại lớn nhất cho gia đình anh và những hộ dân khác ở đây mạnh dạn đầu tư. Không có điện nên gia đình anh Hiển phải đầu tư máy phát nổ để chạy hệ thống cánh quạt tạo sóng cung cấp ô xi cho hồ tôm nên tốn kém kinh phí mua dầu và hiệu quả công việc không cao.
Ngoài hệ thống điện lưới chưa được đầu tư thì đường giao thông, các kênh mương tưới tiêu, đê bao xuống cấp khiến người dân “ngại” đầu tư mở rộng quy mô nuôi trồng thủy hải sản.
Anh Hồ Minh Dân, thôn Bắc Sơn, xã Kỳ Thọ cũng được giao 3 ha đất đào hồ nuôi tôm nhưng do hệ thống đê bao, cống quá kém nên bước vào mỗi mùa vụ là anh phải thuê nhân công, máy móc để đào đắp lại các tuyến đê bao của các hồ tôm.
“So với việc trồng lúa thì nghề NTTS đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Mỗi năm, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi thì chúng tôi có thể nuôi 3 vụ tôm. Tính trung bình mỗi héc-ta đầu tư khoảng 200 triệu thì thu về bình quân khoảng 500 - 600 triệu đồng. Vì vậy, chúng tôi mong muốn chính quyền tạo điều kiện đầu tư hạ tầng bài bản để người dân mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất”, anh Dân nói.
Tâm lý tương tự, ông Lê Văn Huế (thôn Bắc Sơn) cũng cho rằng, hiện tại bà con chỉ nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến nên hiệu quả chưa cao. Nếu muốn đầu tư nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao thì yếu tố nguồn điện là rất quan trọng vì vừa ổn định vừa giảm chi phí đầu tư sản xuất.
Theo ông Hồ Văn Hiển – Chủ tịch UBND Kỳ Thọ cho biết: Xã Kỳ Thọ được xem là “vựa tôm” lớn nhất của huyện Kỳ Anh vì có vị trí địa lý thuận lợi cho việc nuôi tôm. Tuy nhiên, do không có hệ thống điện lưới, hạ tầng không được đầu tư bài bản nên chưa phát huy hết thế mạnh vốn có của địa phương.
Một số hộ dân kéo điện từ trạm biến áp của Công ty CP Thủy sản Nghệ Tĩnh để sử dụng tiềm ẩn nguy cơ về an toàn nhất là về mùa mưa bão
Toàn xã Kỳ Thọ hiện có 190,52 ha đất NTTS và có khoảng 200 hộ dân được UBND xã giao đất đào hồ nuôi tôm. Trong số đó chỉ có Công ty CP Thủy sản Nghệ Tĩnh là có điện (vì trước đó đơn vị này “kéo” điện về) cùng một số hộ dân kéo điện từ đơn vị này.
Trong số 190,52 ha đất nuôi trồng thủy hải sản thì chỉ có khoảng 10 ha của Công ty CP Thủy sản Nghệ Tĩnh và một số hộ dân kéo điện từ đơn vị này là có điện để phục vụ nhu cầu nuôi tôm.
Về việc khu NTTS tại xã Kỳ Thọ chưa có điện lưới, ông Đặng Đôn Sơn - Giám đốc điện lực Kỳ Anh cho rằng: “Thời gian trước, người dân nuôi tôm ở xã Kỳ Thọ chỉ nuôi tôm theo hình thức tự phát nhỏ lẻ và theo mô hình quảng canh nên không quá phụ thuộc vào điện lưới. Sau này do người dân áp dụng các mô hình nuôi tôm thâm canh, nuôi theo hình thức công nghệ cao thì mới cần hệ thống điện lưới ổn định. Chúng tôi đã tham mưu với các bên nên thành lập các khu quy hoạch nuôi trồng cụ thể để được nhà nước hỗ trợ về hạ tầng điện lưới”.