Trong Quyết định 588 của Thủ tướng Chính phủ khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi.
Về vấn đề này, GS.TS Vương Tiến Hòa, chuyên gia sản phụ khoa, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, về mặt sinh học, phụ nữ độ tuổi từ 20 đến trước 30 tuổi là thời điểm dễ thụ thai nhất, chất lượng trứng cũng tốt nhất.
“Điều này có liên quan đến số lượng và chất lượng noãn (trứng chưa trưởng thành) trong cơ thể người phụ nữ. Độ tuổi từ 20 đến dưới 30 là độ tuổi khỏe nhất của phụ nữ, số lượng trứng nhiều, phát triển mạnh nhất và số lượng trứng sẽ giảm về số lượng, chất lượng khi phụ nữ càng lớn tuổi”- GS Vương Tiến Hòa cho biết.
(Ảnh minh họa) |
Cũng theo GS Hòa, độ tuổi từ 20 đến trước 30 tuổi cũng là độ tuổi sinh đẻ tốt nhất của chị em phụ nữ vì khi đó cổ tử cung có độ đàn hồi tốt nhất, dễ mở rộng, các cơn co tử cung cũng mạnh mẽ hơn, thuận lợi cho quá trình sinh nở.
Về góc độ tâm lý, từ 25 đến trước 30 tuổi là lúc phụ nữ đã đủ trưởng thành, công việc, kinh tế cũng đã có để sẵn sàng làm mẹ. Sau khi sinh con, chị em trong độ tuổi này cũng hồi phục nhanh hơn và dễ dàng bắt đầu một công việc mới vì chưa quá muộn.
Kết hôn và sinh con muộn, phụ nữ gặp những nguy cơ gì?
GS.TS Vương Tiến Hòa cho rằng, nếu kết hôn muộn và sinh con muộn, chị em sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ trong đó có vô sinh hiếm muộn. Bởi phụ nữ càng lớn tuổi, nhất là sau 35 tuổi, khả năng thụ thai giảm dần. Đến khi bước sang tuổi 45, rất ít phụ nữ có thể thụ thai một cách tự nhiên.
Ngoài việc thụ thai khó, theo GS.Hòa, phụ nữ kết hôn, sinh con muộn còn đối diện với nhiều nguy cơ trong thời gian mang thai, sinh con như bị đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, sảy thai, thai chết lưu…
“Những bà mẹ lớn tuổi có nguy cơ sinh con dị tật. Bởi nguy cơ con chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo tuổi của mẹ. Nguyên nhân do mẹ càng lớn tuổi, khả năng các nhiễm sắc thể ở trứng dính vào nhau càng cao, dẫn đến các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể cho thai nhi như hội chứng Down, Edwards…”- GS Hòa phân tích.