Chuyện những người lính công binh

(Baohatinh.vn) - Rà phá bom mìn - công việc đặc biệt nguy hiểm đòi hỏi những người lính công binh không chỉ hiểu biết khoa học kỹ thuật mà còn phải có tinh thần thép và sự khéo léo tuyệt đối. Bởi vậy, mỗi lần tháo kíp nổ thành công là một chiến công đặc biệt xuất sắc. Và đằng sau những chiến công thầm lặng lại chứa bao ẩn họa rình rập...

Chiến đấu với “thần chết”

Trung tá Nguyễn Văn Bính (Ban Công binh - Bộ CHQS tỉnh) nhớ lại: Năm 2008, tại trạm dừng chân cách đường tàu 2m ở ga La Khê (Hương Khê), một quả bom có trọng lượng khoảng 1.000 bảng (tương đương 440 kg thuốc nổ TNT) nằm sâu 1m dưới lòng đất. Không thể dừng tàu đột ngột. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, lỡ quả bom phát nổ, hậu quả sẽ rất khó lường. Làm thế nào để đảm bảo an toàn đây?… Lần lượt các phương án được triển khai.

Rà phá bom mìn là công việc nguy hiểm đòi hỏi mỗi chiến sỹ không chỉ vững chuyên môn mà còn phải có thần kinh thép và sự khéo léo tuyệt đối.

Toàn bộ dân cư trong khu vực phong tỏa được sơ tán. Dù đã quá quen với việc xử lý các loại bom “khủng”, song vị đội trưởng vẫn phải “lên dây cót” tinh thần động viên anh em. Cả đội phá bom 12 nhân lực, các anh cởi trần mặc cái nắng cháy rát da thịt, đào hố và tiến hành các biện pháp vô hiệu hóa. Sau 6 giờ đồng hồ, thời khắc quả bom “lộ diện” khỏi mặt đất sau hàng chục năm “ngủ quên” cũng là lúc tiếng còi tàu vang lên khiến các anh vỡ òa niềm vui, ôm chặt lấy đồng đội.

“Thót tim” chẳng kém là lần đưa bom về nơi hủy nổ cách đây 6 năm. Kế hoạch xử lý quả bom có trọng lượng 500 bảng tại xã Phù Việt (Thạch Hà) phải hoàn thành trước 9h sáng. Nhưng sau khi tìm đủ mọi phương án như sử dụng máy kích điện, đèn chiếu camrema, đoạn dây điểm hỏa 1.000m vẫn không thể kích nổ. Lo lắng, hồi hộp và cả run sợ khiến tinh thần những người lính công binh có phần xao động, song, vì sự yên bình của nhân dân, các anh không được phép lơ là nhiệm vụ. Sau khi phát hiện nguyên nhân dây điểm hỏa bị vướng mối nối không thể dẫn lửa, các anh đã xử lý thành công quả bom khi đồng hồ điểm 12h trưa.

Do hậu quả nặng nề từ chiến tranh, Hà Tĩnh là một trong 3 địa phương có lượng bom đạn còn sót lại lớn nhất cả nước, tập trung nhiều nhất tại địa bàn Hương Khê, Đồng Lộc (Can Lộc). 40 năm qua, đã có 2.212 người thương vong vì bom. Nhiều năm qua, trên toàn tỉnh xảy ra nhiều vụ việc đau lòng như một học sinh tiểu học tại Hương Đô (Hương Khê) cụt bàn tay do nhặt đầu đạn nổ; anh Lê Văn Thống (Đức Thọ) chết do cưa bom...

Nỗi lòng “chiến binh”

Ban Công binh gồm 90 người. Công việc của các anh là dò, gỡ, rà phá bất kể ngày đêm ở nhiều địa hình, dù vùng núi hay dưới biển. Năm nhiều nhất, lần giáp mặt với “thần chết” lên đến con số 12.

Xử lý bom mìn là công việc đòi hỏi tinh thần thép, tập trung cao độ, hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ và chính xác 100%

Chỉ tính riêng năm 2016, lực lượng công binh đã xử lý thành công 4 quả bom có trọng lượng trung bình 500 bảng. Các loại bom thường gặp là bom bi, bom phá, đạn cối, đạn pháo. Đặc biệt, bom chùm có sức công phá kinh hoàng và là nỗi khiếp đảm của những người lính công binh.

Xử lý bom mìn là công việc đòi hỏi tinh thần thép, tập trung cao độ, hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ và chính xác 100%. Bởi chỉ một sai sót nhỏ có thể phải trả giá bằng tính mạng của bản thân và đồng đội. Thoạt nhìn, những quả bom, đạn pháo nằm sâu trong lòng đất suốt hàng chục năm trời thường bị rỉ tét, song do công nghệ vũ khí hiện đại, các bộ phận kích nổ còn nguyên công năng và có thể phát nổ bất cứ lúc nào khi có tác nhân.

Thiếu tá Nguyễn Bá Phúc – Trưởng ban Công binh trải lòng: “Nghề nguy hiểm nên đòi hỏi mỗi chiến sĩ phải nắm vững chuyên môn. Song, dù thực hiện tối đa các biện pháp an toàn, vẫn còn phụ thuộc một chút vào yếu tố may rủi…”.

Mỗi lần bắt tay vào công việc “giải phẫu”, phải đối mặt với khó khăn, thậm chí, ranh giới giữa sự sống và cái chết nên các anh không chỉ làm việc bằng khối óc, bằng bàn tay khéo léo mà còn phải cần sự dũng cảm. Đối với những chiến sỹ trẻ lần đầu ra “chiến trận” không tránh khỏi cảm giác run rẩy, lo sợ. Ngoài những lời động viên của đồng đội, các anh còn phải tự trấn an mình. Việc đưa bom về nơi hủy nổ là công việc khó khăn chẳng kém. Có những lần các anh chứng kiến cảnh người thân của lái xe vừa chạy, vừa khóc can ngăn con không được chở bom vì sợ mất mạng. Và, mỗi lần các anh giáp mặt với “tử thần” cũng là lúc vợ con thấp thỏm cầu nguyện!

Ngoài thi công rà phá, anh em còn kiêm luôn công việc tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức. Nếu nghi ngờ có bom, phải giữ nguyên hiện trường và báo với chính quyền địa phương. “Chúng tôi mong muốn các tổ chức phi chính phủ có chính sách đầu tư cho Hà Tĩnh khắc phục hậu quả do bom mìn, vật liệu nổ để lại” - Thiếu tá Phúc mong mỏi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói