Cơ sở chế biến gỗ băm dăm Hoài Luyến của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Hoài Luyến có trụ sở ở xã Sơn Tây (Hương Sơn) do bà Nguyễn Thị Hoài làm đại diện pháp luật đã hoạt động 4 năm (riêng băm dăm làm hơn 2 năm), được xây dựng trên đất ở, đất vườn của gia đình, nằm trong khu vực có dân cư.
Cơ sở này đang thu mua, chế biến (băm dăm) gỗ rừng trồng, chủ yếu là keo, tràm. Trong quá trình hoạt động, cơ sở này đã gây ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng đường sá, làm chết cây trồng, gây tiếng ồn lớn… nên người dân trong vùng khá bức xúc.
Ông Lê Thanh Hải – người dân thôn Trung Lưu (xã Sơn Tây) phản ánh: “Gia đình tôi nằm trên trục đường thôn cũng là đường ra vào cơ sở băm dăm Hoài Luyến. Hằng ngày, trên trục đường có nhiều xe tải lớn chở keo, tràm vào chế biến rồi chở băm dăm và các phụ phẩm đi bán nên đường sá bị hư hỏng nặng, nguy cơ mất an toàn cao, gây cản trở việc lưu thông, đi lại sản xuất của bà con trong thôn, nhất là vào đêm tối, mùa mưa. Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến lên chính quyền địa phương nhưng chưa được xử lý”.
Bà Lê Hồng Thùy cùng ở thôn Trung Lưu thông tin: “Gia đình tôi cùng ông Lê Thanh Hải và 1 hộ khác đang trồng chè ngay phía dưới cơ sở thu mua, chế biến keo, tràm này (trồng từ năm 2014, mỗi nhà khoảng 4 sào). Trước đây, đồi chè này là nguồn thu nhập quan trọng của các gia đình, nhưng từ năm 2020 (khi xưởng đi vào hoạt động) đến nay thì cây chè chết dần chết mòn, năng suất giảm vì bụi gỗ và nước thải từ bã cây keo chảy xuống khi trời mưa. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành xem xét xử lý để bảo vệ tài sản, sinh kế cho bà con”.
Quan sát hiện trường cho thấy phản ánh của người dân nơi đây có cơ sở. Theo đó, do đặt ở khu dân cư nên khi máy móc hoạt động gây tiếng ồn lớn; xung quanh nhà máy luôn bề bộn các đống nguyên liệu, phụ phẩm làm ô nhiễm môi trường, dễ xảy ra hỏa hoạn; một số diện tích chè gần khu vực sản xuất bị chết, số khác thì khá cằn cỗi; tuyến đường chính vào cơ sở chế biến bị xe tải nặng cày nát, trời mưa thì nhão nhoét, trời nắng đầy bụi đất.
Qua tìm hiểu, cơ sở này hoạt động trái phép, được phản ánh rõ nhất qua Văn bản số 4896/STNMT-ĐĐ29 ngày 28/10/2024 của Sở TN&MT Hà Tĩnh về “Báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát các cơ sở băm dăm hoạt động không phép trên địa bàn”.
Văn bản ghi: Cơ sở chế biến gỗ băm dăm tại xã Sơn Tây của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Hoài Luyến, nhà xưởng được xây dựng trên đất ở, đất vườn của hộ gia đình; không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, mục đích sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận; không có hồ sơ môi trường và các hồ sơ thủ tục liên quan theo quy định. UBND huyện Hương Sơn đã yêu cầu chủ cơ sở chấm dứt hoạt động và giao UBND xã Sơn Tây giám sát việc chấp hành.
Dù cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng này đang gây ra nhiều ảnh hưởng xấu, tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống, sinh hoạt, cây trồng của người dân nhưng chủ cơ sở vẫn phủ nhận trách nhiệm. Bà Nguyễn Thị Hoài – đại diện pháp luật của cơ sở chế biến gỗ băm dăm Hoài Luyến phân trần: “Phản ánh của người dân là không đúng, chưa khách quan. Không có chuyện nước thải từ cơ sở sản xuất của chúng tôi làm chết cây chè của người dân, cũng không có chuyện xe trọng tải lớn làm hư hỏng đường...".
Bà Nguyễn Thị Hoài cũng đưa ra lý do thiếu thuyết phục về việc không chấp hành văn bản yêu cầu ngừng hoạt động của chính quyền các cấp: “Vì nghĩ hoạt động thu mua, chế biến keo, tràm có lợi cho người trồng rừng nên tôi đã làm theo kiểu tự phát, không có hồ sơ, thủ tục đầy đủ (chưa có giấy phép sản xuất băm dăm, đất chưa được quy hoạch, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có hồ sơ đánh giá tác động môi trường... - PV). Nay vì đầu tư quá lớn cho dây chuyền sản xuất nên không thể tạm dừng hoạt động. Thời gian tới, tôi vừa duy trì sản xuất vừa từng bước hoàn thành các loại giấy tờ để sản xuất ổn định tại chỗ”.
Ông Cao Văn Đức – Chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho biết: “Ngoài ý kiến phản ánh của người dân, UBND huyện cũng đã có Văn bản số 2227/UBND-TNMT ngày 16/10/2024 yêu cầu cơ sở chế biến gỗ băm dăm tại xã Sơn Tây của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Hoài Luyến dừng hoạt động. Huyện cũng giao cho UBND xã giám sát, quản lý việc này. Chúng tôi đã gửi văn bản và tổ chức làm việc 2 lần với doanh nghiệp nhưng họ chưa chấp hành...”.
Có thể khẳng định, cả doanh nghiệp lẫn chính quyền địa phương đều chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh (văn bản số 5264/UBND-KT1 ngày 9/9/2024 và số 6257/UBND-KT1 ngày 18/10/2024 về việc kiểm tra, xử lý dứt điểm các cơ sở băm dăm hoạt động không phép trên địa bàn).