Còn 13 dự án BOT chây ỳ lắp thu phí tự động

Hiện còn tới 13 dự án BOT chưa lắp thu phí tự động, chủ yếu do nhà đầu tư BOT sợ minh bạch.

con 13 du an bot chay y lap thu phi tu dong

Bộ GTVT gia hạn đến trước 15/7, các nhà đầu tư BOT phải hoàn thành ký hợp đồng dịch vụ thu phí tự động không dừng(Trạm thu phí BOT Nam Bình Định) - Ảnh: Hoàng Trọng (TN)

Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, các nhà đầu tư phải hoàn thành lắp đặt đồng loạt hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) đối với 28 trạm thu phí BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên trước 30/6/2017. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn tới 13 dự án BOT chưa triển khai ETC chủ yếu do nhà đầu tư BOT sợ minh bạch thu phí.

Nhà đầu tư BOT sợ minh bạch thu phí

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai dự án thu phí tự động không dừng tổ chức hôm qua (5/7), ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư (PPP) cho biết, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, 28 trạm thu phí BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải hoàn thành việc ký hợp đồng dịch vụ triển khai lắp đặt hệ thống ETC trước ngày 30/4/2017. Thời gian qua, Vụ PPP đã mời tất cả các nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư ETC tiến hành đàm phán hợp đồng.

“Trong quá trình đàm phán, tất cả nhà đầu tư BOT đều khẳng định ủng hộ chủ trương áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng. Đồng thời, các vướng mắc, kiến nghị của nhà đầu tư BOT đều được các bên họp bàn thống nhất giải quyết. Tuy nhiên, đến nay còn nhiều nhà đầu tư BOT vẫn chưa ký hợp đồng dịch vụ thu giá của 13 dự án BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên”, ông Huy nói và chỉ rõ nguyên nhân, do các nhà đầu tư BOT chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT.

Ngoài ra, nhiều trạm BOT đã tự động triển khai lắp đặt hệ thống ETC không phù hợp với thiết kế chung của dự án dẫn đến khó khăn trong việc kết nối với hệ thống của Bộ GTVT, gây khó khăn trong việc quyết toán các thiết bị này.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa

"Cá nhân tôi khi lắng nghe và quyết định những vấn đề này đều xuất phát từ yêu cầu lớn của xã hội đó là tính minh bạch và thuận lợi của người dân, hết sức khách quan, vô tư đối với nhà cung cấp dịch vụ và các nhà đầu tư BOT”.

Thông tin cụ thể, ông Vũ Quang Lâm, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC - nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng) nói: “Hiện, chúng tôi đã ký hợp đồng dịch vụ với 6 nhà đầu tư của 8 trạm thu phí BOT. Trong quá trình đàm phán, nhiều nhà đầu tư rất thiện chí hợp tác và chuẩn bị ký hợp đồng, còn lại 13 dự án BOT khác, các nhà đầu tư viện đủ lý do để trì hoãn ký hợp đồng dịch vụ”.

“Nhiều nhà đầu tư BOT, chúng tôi đã tìm đến 5 lần 7 lượt nhưng họ vẫn từ chối tiếp. Thậm chí, trong quá trình đàm phán, chúng tôi chấp nhận ở thế “cửa dưới” nhưng một số nhà đầu tư BOT vẫn viện đủ cớ nhằm trì hoãn quá trình đàm phán, ký hợp đồng dịch vụ thu phí với VETC khiến tiến độ dự án bị chậm so với yêu cầu của Bộ GTVT”, ông Lâm chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, tiến độ dự án thu phí tự động không dừng của 28 trạm BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên bị chậm xuất phát từ tư duy của nhà đầu tư BOT chưa muốn minh bạch. “Hiện tại, tôi khẳng định, số liệu doanh thu thu phí của các trạm BOT vẫn chưa phải là chuẩn 100%, nếu tiến hành giám sát đột xuất là vẫn có vấn đề. Bây giờ, Chính phủ đã có yêu cầu, Bộ GTVT đã chỉ đạo làm rất quyết liệt, các nhà đầu tư phải phối hợp thực hiện, không còn cách nào khác cả”, ông Huyện nói.

Sẽ xử lý nhà đầu tư BOT chây ỳ

Sau khi nghe ý kiến của các nhà đầu tư BOT, đơn vị cung cấp dịch vụ và cơ quan chức năng liên quan, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, việc triển khai dự án thu phí tự động không dừng nhằm cải thiện các điều kiện cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu cho xã hội và hướng tới những người tham gia giao thông là nguyên tắc bất di bất dịch.

Đánh giá thời gian thực hiện đã khá dài, nhưng tiến độ dự án vẫn chưa đảm bảo yêu cầu, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các cơ quan của Bộ GTVT do chưa hoàn thành nhiệm vụ trong cách thức thực hiện.

“Từ nay, tôi sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc đánh giá, giám sát, quyết định các dự án này. Tổng cục Đường bộ VN sẽ kế thừa, nhận chuyển giao và chịu trách nhiệm về các hợp đồng cung cấp dịch vụ của các dự án từ Vụ Đối tác công-tư. Các Vụ Pháp chế, Tài chính và PPP sẽ hỗ trợ, xem xét để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng đúng pháp luật”, Bộ trưởng nói và thẳng thắn phê bình những nhà đầu tư BOT chưa tiến hành ký hợp đồng dịch vụ với đơn vị cung cấp để triển khai hệ thống thu phí không dừng.

“Tiến độ dự án bị chậm, ngoài các vướng mắc trong quá trình đàm phán, lý do lớn nhất là các nhà đầu tư BOT né tránh và e ngại tính minh bạch trong thu phí khi lắp đặt hệ thống thu phí tự động. Tôi nhận được rất nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải khu vực phía Nam phản ánh, họ đi trên Tây Nguyên rất thuận lợi vì có hệ thống thu phí không dừng nhưng về đến khu vực cửa ngõ TP.HCM lại rất ách tắc vì vẫn thu phí thủ công”, Bộ trưởng nói và cho biết, nhu cầu của xã hội rất lớn và xu hướng này phát triển rất nhanh, nếu các nhà đầu tư BOT không thay đổi sẽ vấp phải sự phản ứng của xã hội, buộc các cơ quan Nhà nước phải xử lý.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu, trước 10/7/2017, các nhà đầu tư BOT và VETC có báo cáo chi tiết quá trình đàm phán, lựa chọn và các đề xuất, kiến nghị gửi về Bộ GTVT. “Đến ngày 15/7, các nhà đầu tư phải hoàn thành toàn bộ việc ký hợp đồng dịch vụ với nhà cung cấp và VETC tiến hành lắp đặt, vận hành hệ thống trước 15/8. Đây là các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu và quyết định thực hiện nên các nhà đầu tư cần tập trung”, Bộ trưởng quyết liệt nói.

Đối với VETC, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa lưu ý, đơn vị này cần tiếp tục nỗ lực hoàn thiện chất lượng dịch vụ, bởi sắp tới sẽ có thêm 2-3 nhà cung cấp khác tham gia vào thị trường thu phí tự động không dừng. Bộ trưởng dẫn câu chuyện từ thị trường viễn thông, sau khi Viettel tham gia thị trường, VNPT cũng phải tự thay đổi. Rồi trong lĩnh vực hàng không, Vietnam Airlines cũng phải thay đổi cả cách quản lý, chất lượng dịch vụ và giá cả khi có sự có xuất hiện của Vietjet Air.

“Quan điểm của Bộ GTVT là ủng hộ việc cạnh tranh minh bạch giữa các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng. Bộ sẽ đưa ra khung tiêu chuẩn chung và chỉ đánh giá năng lực của các nhà cung cấp, còn việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ do nhà đầu tư BOT quyết định”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.

con 13 du an bot chay y lap thu phi tu dong
Theo Báo Giao thông

Đọc thêm

Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Là địa phương “đi sau” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhưng huyện Kỳ Anh đã có nhiều cách làm sáng tạo. Trong đó, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng thành công các khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn thông minh, coi đây là nền móng tạo sự lan toả, đưa phong trào xây dựng NTM của huyện phát triển vững chắc.
Giá xăng, dầu cùng tăng

Giá xăng, dầu cùng tăng

Giá xăng, dầu cùng tăng 120-240 đồng một lít từ 15h hôm nay, sau điều chỉnh của liên Bộ Công thương - Tài chính.
“Bến đỗ” của những dự án nghìn tỷ

“Bến đỗ” của những dự án nghìn tỷ

2024 tiếp tục là năm thắng lợi của Hà Tĩnh khi được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tin tưởng “rót vốn” đầu tư các dự án quy mô lớn. 22 dự án có tổng vốn gần 25.000 tỷ đồng được chấp thuận chủ trương đầu tư là “cú hích” tạo niềm tin và động lực tăng trưởng bền vững cho tỉnh nhà trong giai đoạn mới.