Tối 3/3, thông tin một cô gái trú tại TP Hà Tĩnh vừa trở về từ Ulsan (Hàn Quốc) nhưng không thực hiện các biện pháp cách ly y tế tại nhà để tới tham gia một tiệc cưới đông người đã gây “bão” trên mạng xã hội. Hành động này ngay lập tức nhận chỉ trích vì thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm cộng đồng khi có thể gây bùng phát dịch bệnh.
Không riêng sự việc trên mà thực tế cho thấy, vẫn còn một bộ phận người dân đang thờ ơ, chủ quan trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo ghi nhận của PV tại chợ TP Hà Tĩnh, dù ban quản lý liên tục phát loa cảnh báo, tuyên truyền về dịch bệnh nhưng không ít người đến mua bán tại chợ không có ý thức mang khẩu trang để đề phòng lây nhiễm chéo.
Tại chợ TP Hà Tĩnh, không khó bắt gặp cảnh cả người bán lẫn người mua đều không đeo khẩu trang y tế
Khi được hỏi lí do tại sao không đeo khẩu trang tới chỗ đông người, bà N. T. P (phường Đại Nài) hồn nhiên cho biết: “Lúc dịch bệnh mới bùng phát, tôi cũng đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên lắm nhưng sau khi thấy Việt Nam chữa được thành công 16 ca dương tính với virus thì tôi yên tâm hơn, không còn đeo khẩu trang như trước nữa”.
...vô tư ăn uống mà không có biện pháp phòng tránh dịch bệnh.
Trong khi đó, lí do để anh P. M. Q (phường Nam Hà) không đeo khẩu trang tại nơi đông người đơn giản chỉ vì, Hà Tĩnh chưa có dịch nên chưa lo lắng. Hơn nữa buôn bán ở chợ đeo khẩu trang khó chịu nên anh không dùng.
Tại các khu chợ dân sinh, bà con tiểu thương hàng ngày tiếp xúc với những mặt hàng thực phẩm tươi sống, người dân trao đổi bằng tiền mặt nhưng không thường xuyên rửa tay sát khuẩn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Đương nhiên, ở những nơi này rất khó để tìm được cồn y tế hoặc nước rửa tay miễn phí đểphục vụ việc khử trùng, sát khuẩn cho người dân.
Tại siêu thị, nhiều người dân còn vô tư đặt tay lên các vị trí tiếp xúc đông người dễ lây lan virus
Tình trạng không đeo khẩu trang y tế khi tới chỗ đông người; ho, khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; vứt rác không đúng nơi quy định... còn diễn ra ở nhiều điểm tập trung đông người, trong đó có cả trung tâm thương mại lẫn các siêu thị.
Tại siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh, 100% nhân viên luôn đeo khẩu trang...
Bà Phạm Thị Hiệp Định - Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh cho biết: “Ngay từ khi có thông báo về dịch Covid-19, chúng tôi đã chủ động triển khai công tác phòng chống dịch lây lan như quy định 100% nhân viên phải đeo khẩu trang; thường xuyên tiêu độc khử trùng; lau chùi liên tục các xe hàng, xe đẩy; chuẩn bị nước rửa tay, dán thông báo...
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều người có phần mơ hồ, chủ quan về dịch nên trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, đồng thời cũng mong họ tự nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tới chỗ đông người để góp phần bảo vệ sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng”.
... sẵn nước rửa tay miễn phí được chuẩn bị sẵn cho khách hàng
Để phòng chống dịch bệnh, người dân cần tuân thủ tốt các hướng dẫn của Bộ Y tế bao gồm: Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng các loại xà phòng sát khuẩn hoặc nước sát khuẩn tay nhanh, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã...
Các trường hợp trở về từ vùng có dịch Covid-19 được cách ly và theo dõi sức khỏe hàng ngày. (Ảnh: Giang Nam)
Rõ ràng, trước đại dịch Covid-19 thì việc thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các khuyến cáo của các cơ quan chức năng là biện pháp tốt nhất để phòng tránh. Đặc biệt, người dân cần tránh tư tưởng chủ quan trong phòng chống dịch, bởi thực hiện đúng yêu cầu của ngành chức năng là bảo vệ cho chính mình, gia đình, người thân và cộng đồng trong xã hội.