Chiều 10/2, Bộ GD&ĐT tổ chức lễ công bố chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025”, kết nối bằng hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự, chỉ đạo buổi lễ. Cùng dự có bộ trưởng các bộ, ngành, đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh. |
Các đại biểu tham dự lễ công bố tại điểm cầu Hà Nội: Ảnh: Internet.
Chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 2/10/2021, nhằm mục tiêu duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông. Qua đó, bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Chương trình xác định 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khoẻ trẻ em, học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học.
Chương trình cũng đã đề ra các chỉ tiêu chủ yếu như: 80% trường học bảo đảm các điều kiện thực hiện công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe học sinh theo quy định; 80% trường học bố trí ít nhất 1 khu vực bảo đảm các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết dành cho giáo dục thể chất và hoạt động thể thao theo quy định; 100% trường học định kỳ tổ chức thi đấu thể thao; 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định; 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường…
Nghi thức công bố chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hiện nay, Việt Nam có hơn 22 triệu trẻ em, học sinh (tương đương 25% dân số Việt Nam) được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay từ trong trường học. Với thông điệp “Trường học an toàn, trẻ em, học sinh khỏe mạnh”, chương trình kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho trường học, để chăm sóc và nuôi dưỡng một thế hệ Việt Nam khoẻ mạnh, năng động, trưởng thành.
Chương trình thể hiện quyết tâm và khát vọng của quốc gia vào việc chăm sóc cho thế hệ tương lai. Đây là bước khởi đầu cho một chương trình thiết thực, tổng thể và dài hạn về sức khỏe học đường quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
Tại lễ công bố, Bộ GD&ĐT cũng đã ký kết chương trình phối hợp với Bộ Y tế và Bộ VH-TT&DL về thực hiện công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh và quản lý công tác giáo dục thể chất, thể thao trường học giai đoạn 2022 - 2026.
Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2022 - 2026. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới giáo dục, đào tạo và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân nói chung, sức khỏe học đường nói riêng.
“Sức khỏe luôn là vốn quý nhất, đặc biệt là đối với hơn 22 triệu trẻ em, học sinh bởi đây là thế hệ tương lai của đất nước. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em là trách nhiệm không chỉ của gia đình mà còn của cộng đồng, của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị” - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Giao nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ GD&ĐT, bộ ngành liên quan và các địa phương tổ chức xây dựng kế hoạch phối hợp, triển khai thực hiện chương trình với lộ trình cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng địa phương, vùng miền.
Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đồng hành cùng chương trình sức khoẻ học đường cũng như các chương trình, đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nói chung.
Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong công tác chăm sóc toàn diện về tinh thần, thể chất cho trẻ em, nhất là bảo vệ các em trong bối cảnh dịch COVID- 19 đang diễn biến phức tạp.
Tại Hà Tĩnh, sẽ có 304 ngàn học sinh trong gần 700 cơ sở giáo dục được hưởng thụ chương trình. Đây sẽ là cơ hội để các trường học nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ, phấn đấu giảm số trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi, quan tâm giáo dục trẻ tự kỉ, trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn và khắc phục những hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. |