Video: Cán bộ công đoàn các cấp nắm bắt tình hình lao động, việc làm tại các doanh nghiệp.
Công ty CP Thủy sản Thông Thuận (huyện Nghi Xuân) là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng tôm giống cho thị trường cả nước. Theo thông lệ, từ tháng 11 năm nay đến tháng 1 năm sau, công nhân của công ty phải “nghỉ đông”, không có việc làm bởi điều kiện khí hậu của Hà Tĩnh mùa này rất khắc nghiệt, gây hại cho tôm, chất lượng tôm không đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Từ phong trào thi đua “Lao động giỏi - lao động sáng tạo” do công đoàn phát động, nhiều sáng kiến đã ra đời, ứng dụng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh vụ đông tại Công ty CP Thủy sản Thông Thuận.
Thời gian nghỉ đông, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty bị gián đoạn; công nhân chỉ được hưởng 50% lương. Khắc phục khó khăn đó, BCH công đoàn công ty đã phát động và khích lệ người lao động hưởng ứng phong trào “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật” để ứng dụng vào sản xuất.
Hưởng ứng phong trào, nhiều sáng kiến cải thiện môi trường sống, hạn chế tác động của thời tiết, dịch bệnh đến sự sinh trưởng của tôm giống đã ra đời, góp phần giúp nâng cao sản lượng, chất lượng tôm vụ đông. Nhờ đó, thời điểm này, công ty vẫn duy trì sản xuất, cung ứng hàng cho các đối tác truyền thống.
Công nhân có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định trong thời điểm khó khăn.
Anh Nguyễn Quang Đạt - công nhân công ty chia sẻ: “Có việc làm trong vụ đông là điều mà công nhân luôn mong muốn. Với sự vào cuộc tích cực của công đoàn, sự nỗ lực của công nhân, năm nay, chúng tôi có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định; các chế độ lương thưởng được đảm bảo nên ai cũng phấn khởi, yên tâm hơn”.
May mặc là một trong những ngành nghề chịu tác động nặng nề nhất của tình hình thế giới hiện nay. Trong thời điểm khó khăn chung này, BCH công đoàn Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech (cụm công nghiệp Đức Thọ) đang nỗ lực để phối hợp cùng lãnh đạo doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, đảm bảo việc làm cho gần 1.600 công nhân.
Cùng với đó, công đoàn đã phát huy rất tốt vai trò tập hợp, đoàn kết người lao động để chia sẻ cùng công ty trong giai đoạn khó khăn bằng những việc làm cụ thể như: vận động người lao động đồng thuận cùng nghỉ phép năm vào một thời điểm để công ty thuận lợi trong bố trí công việc; hưởng ứng phong trào thi đua “Năng suất - Chất lượng - Hiệu quả”...
Gần 1.600 công nhân Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech được đảm bảo việc làm, thu nhập trong thời kỳ khủng hoảng của ngành may mặc.
Ông Kwon Soon Cheol - Tổng Giám đốc Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech cho biết: “Công đoàn đã luôn đồng hành cùng công ty trong thời điểm khó khăn, làm tốt công tác ổn định tư tưởng của người lao động, khích lệ tinh thần làm việc của họ. Với sự đồng hành, chia sẻ của công đoàn và người lao động, tin tưởng rằng chúng tôi sẽ sớm vượt qua được giai đoạn khủng hoảng này”.
Tại KKT Vũng Áng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thủy sản, may mặc, chế biến gỗ... cũng đang gặp tình cảnh lao đao. Chủ tịch Công đoàn Các KKT tỉnh Nguyễn Đức Thạch cho biết: “Giá nguyên liệu tăng cao, đơn hàng sụt giảm, nhiều công ty phải cắt giảm lao động... Trước tình hình đó, công đoàn đã khảo sát nắm tình hình, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp; kết nối với những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để tìm kiếm việc làm mới cho những lao động bị mất việc”.
Bên cạnh việc đồng hành với doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn, công đoàn các cấp cũng đang triển khai nhiều hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Công đoàn Các khu kinh tế tỉnh tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động tại nơi làm việc.
Chịu tác động nặng nề từ tình hình thế giới, cuối tháng 10/2023, Công ty CP May Five Star (Hương Sơn) đã phải tạm ngừng hoạt động, hơn 300 công nhân mất việc làm. Bà Cù Thị Bích Thuận - Chủ tịch LĐLĐ huyện Hương Sơn cho biết: “Bên cạnh việc chia sẻ cùng lãnh đạo doanh nghiệp, LĐLĐ huyện đã tích cực phối hợp cùng các ban, ngành liên quan đôn đốc, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động. Đến nay, 100% công nhân bị nợ lương đã được công ty thanh toán đầy đủ”.
Thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc triển khai chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp cắt giảm đơn hàng, công đoàn các cấp đã trực tiếp khảo sát, nắm bắt tình hình lao động, việc làm tại các doanh nghiệp để có cơ sở đề xuất lên cấp trên. Đến nay, LĐLĐ tỉnh đang tiếp nhận, hoàn tất hồ sơ để xét duyệt và đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ theo quy định.
Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh trực tiếp nắm tình hình lao động, việc làm và hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động những thủ tục gửi hồ sơ xét duyệt hỗ trợ từ Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Trọng cho biết: “Bên cạnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ chăm lo cho đoàn viên, lao động thì chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp” luôn được Công đoàn Hà Tĩnh coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tết Nguyên đán đang đến gần, công đoàn các cấp sẽ nỗ lực, tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm chia sẻ hơn nữa với doanh nghiệp, người lao động”.
Sự vào cuộc tích cực của tổ chức công đoàn đã góp phần khẳng định vai trò đồng hành, cầu nối giữa doanh nghiệp và lao động; giúp người lao động yên tâm, sẵn sàng chia sẻ cùng doanh nghiệp vượt qua những thời điểm khó khăn như hiện nay.