Thiệt đơn, thiệt kép
Con tàu 320 CV của ông Nguyễn Xuân Vinh (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) mới đây đã ra khơi sau một thời gian nằm bãi, sửa chữa với kinh phí gần 50 triệu đồng. Nghề nghiệp và tình yêu biển buộc ông và đồng sự phải hướng ra khơi nhưng ông vẫn chưa nguôi sự bức xúc vì tàu phải “chạy bộ” trên luồng cát cửa lạch, gãy bánh lái và hỏng một số thiết bị khác.
Bánh lái con tàu của ông Vinh vừa mới thay sau khi bị gãy do luồng lạch cạn.
Trước ông Vinh, năm 2014, 2 tàu cá khác khi vào cửa bể đã bị mắc cạn. Sau đó, con nước lên nhấn chìm tàu, thiệt hại mỗi tàu lên đến hàng trăm triệu đồng. Không thể làm gì được, hàng chục năm qua, hơn nghìn tàu cá 7 xã miền biển huyện Cẩm Xuyên đã coi việc đối mặt với khó khăn, chi phí đắt đỏ cho việc vượt lạch cạn là điều tất yếu.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Cẩm Nhượng cho hay: “Cẩm Nhượng hiện có 1 tàu vỏ thép công suất 820 CV đánh bắt thu trồi, cá ngừ. Nhưng vì cửa lạch cạn, những lúc thời tiết đẹp mới vào được hòn Bơớc, lúc thời tiết xấu phải vào Cửa Hội. Vào hòn Bơớc thì chủ tàu phải chịu thêm kinh phí vận chuyển hàng vào bờ hoặc các thương lái phải bỏ chi phí ra tận hòn Bơớc nhận hàng. Trong 4 chuyến vào Cửa Hội, kinh phí thu được chỉ khoảng trên 310 triệu đồng mỗi chuyến. Nếu có nơi cho tàu vào tại Cẩm Xuyên, mỗi chuyến phải thu được trên 700 triệu đồng”.
Có mặt tại tàu của ông Vinh lúc chuẩn bị ra khơi, rất đông ngư dân Cẩm Nhượng đã than phiền: “Nhìn cảnh tàu phải sửa chữa, thiệt hại thế này, chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi muốn đóng tàu lớn để ra khơi, nhất là sau khi xảy ra sự cố môi trường nhưng lo ngại nhất là cửa biển”.
Người dân Cửa Nhượng đang phải thường xuyên sửa chữa tàu do tác động xấu từ cửa lạch.
Cần nạo hơn 420.000 m3 cát và xây kè cánh hàn
Từ nỗi than phiền của hàng nghìn ngư dân 7 xã vùng biển Cẩm Xuyên, năm 2013, UBND xã Cẩm Nhượng đã lập đề án nạo vét cửa lạch, xây dựng kè cánh hàn tạo luồng lạch và quỹ đất thương mại, dịch vụ chợ cá Cồn Gò. Đề án nêu rõ, cần nạo vét hơn 420.000 m3 cát với chiều rộng từ 100-150m, chiều dài khoảng 1.500m, sâu từ 2-4m.
“Để giải quyết tình trạng luồng lạch, theo kinh nghiệm dân gian thì chỉ nạo vét là chưa đủ, vì kiểu gì cũng bị bồi lắng. Do đó, cần phải xây thêm kè cánh hàn. Chúng tôi tính toán, kè có chiều dài từ 350-400m, trong khi cửa lạch rộng 800m, đảm bảo chắn 45-50% dòng chảy. Kè sẽ có tác dụng chắn cát và ngăn dòng chảy, tạo độ sâu của luồng lạch và tạo thành bến đậu thuyền, tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân, từ đó mở rộng diện tích chợ Cồn Gò” - ông Nguyễn Sỹ Huyền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho hay.
Cần giải pháp nạo vét cửa lạch cho ngư dân vùng biển Cẩm Xuyên an tâm vươn khơi.
Mặc dầu, nạo vét luồng lạch là ước mơ hàng chục năm của ngư dân vùng biển Cẩm Xuyên nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu tích cực. Năm 2013, UBND huyện Cẩm Xuyên nhận thấy tác động xấu của cửa lạch và đề xuất tỉnh có giải pháp. Cũng năm đó, UBND tỉnh nói rõ tính cần thiết của đề án, song lại giao UBND huyện Cẩm Xuyên chủ động bố trí nguồn.
Hai phương án chưa giải quyết được một nỗi niềm. Những năm qua, ngư dân cứ thế chờ đợi và ước mơ về những năm 90 của thế kỷ trước. Thời điểm ấy, cảng Minh Hải nay là Thiên Cầm có hàng chục tàu vận tải trên 100 tấn hoạt động, hàng trăm tàu vận tải gỗ từ 50-70 tấn và trên 2.000 tàu các loại thường xuyên ra vào an toàn, thuận tiện. Thế mà, giờ đây, những tàu nhỏ ra vào cửa lạch cũng đòi hỏi khi nước lớn và người lái phải có nghề, có kỹ năng luồn đá, lách cát.