Người đứng từ đảo Gyodong có thể nhìn thấy lãnh thổ Triều Tiên đằng sau hàng rào. Ảnh: Al Jazeera. |
Các binh sĩ bồng súng trường canh gác cho người dân và các du khách khi họ đi qua một chốt kiểm soát quân sự trên một cây cầu dài kết nối đại lục Hàn Quốc với đảo Gyodong, nơi chỉ cách lãnh thổ Triều Tiên vài km, theo Al Jazeera.
Dù nghe những lời bàn luận không ngừng về nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, một khi đã đặt chân lên đảo Gyodong, người đến thăm không hề cảm thấy cộng đồng người dân nơi đây đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột.
Thay vào đó, những người dân sống lâu năm trên đảo đang bận rộn tiếp đón lượng du khách ngày càng tăng và tìm cách mưu sinh ở khu vực nông thôn với mức thu nhập còn thấp này.
Nơi thời gian ngừng trôi
Truyền thông Hàn Quốc đôi khi gọi Gyodong là "miền đất nơi thời gian ngừng trôi". Kể từ khi cây cầu đầu tiên kết nối hòn đảo này với đại lục Hàn Quốc được xây dựng vào năm 2014, nhiều người đổ xô đến đây để chiêm ngưỡng nơi vẫn còn giữ được nếp sống của những ngôi làng vào thập niên 1970. Một số muốn tìm kiếm một nơi xả hơi, tạm thoát khỏi cuộc sống căng thẳng ở các thành phố nhộn nhịp.
Giữa lúc mối lo ngại ngày càng gia tăng về nguy cơ xung đột với Triều Tiên, nhiều người cũng đến Gyodong để tận mắt quan sát quốc gia bí ẩn trong tầm gần.
Gyodong nằm rất gần Triều Tiên. Đồ họa: BBC |
Lee Young-jin, 48 tuổi, dọn đến đảo Gyodong cách đây 7 năm và làm nghề giáo viên. Là một dịch giả bán thời gian và cũng là một người ham mê đọc sách, bà rất khát khao một cuộc sống yên bình. Khi quyết định cùng con trai chuyển đến sống ở Gyodong, bà Lee không lo lắng về nguy cơ chiến tranh với Triều Tiên và giờ đây, bà vẫn không có chút lo âu nào.
"Mọi người trên đảo nghĩ rằng nếu chiến tranh xảy ra, Triều Tiên sẽ tấn công Seoul hoặc những thành phố lớn khác. Gyodong là mục tiêu quá nhỏ, không mang tính biểu tượng nào cả. Thật nghịch lý, giống như sự êm đềm trong tâm bão vậy, mọi người có cảm giác an toàn hơn khi ở đây", bà nói.
Có nhiều yếu tố khiến Gyodong tách biệt khỏi cuộc sống hiện đại. Thứ nhất, hòn đảo này nằm ở một nơi héo lánh tại cực tây bắc Hàn Quốc trong khu vực từng chứng kiến nhiều vụ đụng độ chết chóc giữa hải quân Hàn Quốc và Triều Tiên. Trong suốt cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 và đầu thập niên 1950, rất nhiều người Triều Tiên chạy đến Gyodong lánh nạn và bị người dân Hàn Quốc xa lánh.
Những người Triều Tiên này đã xây dựng một khu chợ trên đảo với những cửa hiệu cũ nằm trong các ngõ hẻm xuống cấp. Ông Ji Gwang-shik là một trong số đó. Năm 1952, ông nghe tin chiến sự đang xảy ra gần vùng quê ở Triều Tiên nên ông lên thuyền chạy qua đảo Gyodong mà không ngờ rằng ông sẽ không bao giờ quay trở về được nữa.
Ông và những người khác từ Triều Tiên đã đốn cây cối để dựng những căn lều gỗ nhỏ và sinh sống trong đó. Vì nhiều người không thể tìm được việc làm nên họ bắt đầu tự kinh doanh. Ông Ji mưu sinh bằng những công việc chân tay chẳng hạn quét dọn.
"Hồi đó tôi rất đói và sẵn sàng làm bất cứ việc gì", ông nói.
Vài năm sau khi đến Gyodong, ông Ji kiếm được một công việc ổn định trong một tiệm cắt tóc và cuối cùng mua lại tiệm cắt tóc này. Cách bài trí bên trong tiệm cắt tóc vẫn giống như cách đây vài thập niên với giấy dán tường in hình hoa và sàn nhà được lót vải màu be. Gần đây, ông Ji đã thay những cánh cửa sổ trong suốt bằng gương mờ để ngăn du khách tò mò nhìn vào.
Khu chợ trên đảo Gyodong. Ảnh: Al Jazeera. |
Gyodong có không gian thoáng đãng và trong lành. Vì nằm ở vị trí địa lý xa xôi, Gyodong hầu như không có ngành công nghiệp nào. Không khí trên đảo rất sạch nhờ thiếu vắng xe cộ và được gió biển thổi vào liên tục.
Cách đây ba năm, khi có làn sóng người Hàn Quốc rời bỏ thành phố để bắt đầu cuộc sống mới ở miền quê, Lee Ghang, 54 tuổi, đã dọn đến Gyodong. Ông trông coi một ngôi đền đạo Khổng nhỏ trên đảo và trở thành một nhà sử học nghiệp dư ở địa phương. Ông mở một blog để đăng các hình ảnh về Gyodong và các bài viết về lịch sử của hòn đảo này.
"Mơ ước của tôi là sống trong một ngôi nhà nhỏ trên một hòn đảo để có thời gian suy ngẫm và viết", Lee nói. Ông không kiếm được nhiều tiền với công việc hiện tại nhưng bù lại nhưng ông cho rằng các lợi ích từ cuộc sống trên đảo Gyodong đã đủ đáng giá.
"Tôi có thể sống mà chỉ cần ánh mặt trời trên đảo này", ông nói.
Thiếu cơ hội cho giới trẻ
Tuy vậy, Gyodong cũng giống như các cộng đồng dân cư Hàn Quốc khác ở chỗ xem giáo dục là yếu tố quan trọng để xây dựng cuộc sống tương lai. Các gia đình Hàn Quốc thường chọn sống ở những nơi có thể tiếp cận các trường học chất lượng cao. Con trai của Lee sẽ vào trung học trong vài năm tới và bà mong con sẽ học ở một ngôi trường danh giá ở một thành phố lớn.
Cơ hội nghề nghiệp rất hạn chế đối với những thanh niên sống trên đảo Gyodong, nơi có nhiều diện tích đất trồng lúa màu mỡ nhưng hầu như không có ngành công nghiệp hay công việc có thu nhập cao.
Ông Ji Gwang-shik bên trong tiệm cắt tóc của mình. Ảnh: Al Jazeera. |
Trong khi đó, tiệm làm đầu của ông Ji phát đạt đến nỗi ông phải thuê thêm hai thợ phụ. Vào hầu hết các ngày, ông phải cắt tóc cho nhiều khách đến độ không có thời gian nghỉ trưa. Tuy nhiên, ông lo lắng một khi ông và các thợ nghỉ làm, cửa tiệm của ông sẽ phải đóng cửa.
"Giới trẻ thời nay không muốn làm những công việc như thế này", ông nói.
Khi được hỏi về sự kết nối ngày càng gia tăng giữa hòn đảo với đại lục Hàn Quốc cũng như rủi ro chiến tranh với nước láng giềng Triều Tiên, Ji cho rằng sẽ không có những thay đổi lớn trong tương lai.
"Đây chỉ là một hòn đảo mộc mạc, nơi mọi người trồng và bán lúa gạo", ông Ji nói.