Chỉ từ 35-50 ngàn đồng, mỗi bạn trẻ ở Hà Tĩnh có thể đến các quán mì cay cấp độ 7 trên đường Nguyễn Du và hay 12 cấp độ trên đường Võ Liêm Sơn (TP. Hà Tĩnh) thưởng thức tô mì cay trên chiếc bàn thấp mang phong cách Hàn đặc sệt. Món mì cay được nấu khá đơn giản với nước dùng, mì, kim chi và các loại hải sản như tôm, mực, cá, sò, bò viên, thịt…
Món mỳ có 7 cấp độ cay, từ thấp đến cao, tương ứng cấp độ 0 đến cấp độ 7 (mỗi cấp độ được thêm một muỗng ớt xay). Tuy nhiên, nếu có khả năng, tại quán mì cay ở đường Võ Liêm Sơn có thể phục vụ đến 12 cấp độ cho bạn. Thực khách vào quán được nhân viên đem ra một bản thực đơn trong đó ghi các mức độ cay từ 0 đến 7, hoặc thậm chí 12. Khách có thể chọn cấp độ tùy theo mức độ ăn cay của mình.
Từ khi khai trương đến nay, 2 quán mì cay trên địa bàn luôn chật kín người, nhất là vào buổi chiều tối. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn kiên nhẫn đứng cả tiếng đồng hồ để có được chỗ ngồi trong quán.
Em Nguyễn Thị Ly (23 tuổi), trú tại huyện Lộc Hà cho biết: “Nghe mọi người giới thiệu, em rất tò mò muốn thử một lần xem như thế nào. Thế nhưng, sau 2 lần cùng các bạn đến các quán ăn trong thành phố, đợi mãi không có chỗ, nên đành quay về.”
Không chỉ người lớn mà trẻ em cũng hăng hái “chinh phục” món mì cay nhiều cấp độ
Không chỉ dừng lại ở việc thưởng thức thông thường, giờ đây mì cay trở thành mục tiêu để các bạn trẻ thách đố và khoe khoang cấp độ trên các trang mạng xã hội.
Em Trần Thị Trang (25 tuổi) trú tại huyện Vũ Quang cho biết: “Mỗi tuần em ăn mỳ cay từ 3 đến 4 lần vào các buổi chiều. Hiện em đã ăn được đến cấp độ 3 và sẽ thử ăn ở những cấp độ cao hơn nữa”.
Ông Nguyễn Trường Sinh, bác sỹ chuyên khoa II, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh cho biết: “Đơn vị chưa tìm hiểu về nguyên liệu để làm ra được mì cay. Còn tác hại của việc ăn cay là rất lớn, bởi trong ớt có chất Capsaicin, chất này có thể gây cảm giác bỏng rát khi ăn, ảnh hưởng niêm mạc dạ dày, viêm dạ dày, niêm mạc miệng và đường hô hấp.”
Ông Sinh thông tin thêm, trong mì cay có thể có chất tạo màu, ăn nhiều gây độc, tổn thương ADN tế bào dẫn đến ung thư, loại chất này ở một số nước đã được cấm. Chúng tôi sẽ chỉ đạo kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hoá. Nếu phát hiện cơ sở nào có sử dụng chất cấm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Trong ớt có chất Capsaicin, trong dược điển y khoa xem chất cay capsaicin là một loại chất độc. Đây là một chất có tác dụng làm cho quả ớt có vị cay nóng, Capsaicin hòa tan trong cồn và mỡ, không hòa tan trong nước. Nếu ở dạng tinh khiết, loại hóa chất này có thể gây tử vong cho bất kỳ ai thử nuốt nó. Đến một lượng nhất định, chất Capsaicin sẽ gây nóng và bỏng rát khi tiếp xúc với làn da người. Những nơi có niêm mạc như phủ tạng bao gồm ruột, bao tử, hệ hô hấp, vùng bên trong khoang miệng mũi sẽ bị tổn hại nếu ăn cay quá độ. Dùng ớt quá độ và trong một thời gian dài có thể làm chết dần hệ thần kinh. Ngoài những tác hại trên, chất cay là chất mà được các chuyên gia khuyến cáo cho những người mắc bệnh trĩ không nên dùng, bởi ăn cay là một chất kích thích cần hạn chế nếu không muốn bệnh tình nặng thêm. |