Đáp nghĩa ân tình với đồng bào miền Bắc

(Baohatinh.vn) - Khắc ghi, trân quý những ân tình đã được đón nhận lúc hoạn nạn, người dân vùng thường xuyên bị thiên tai ở Hà Tĩnh đã hướng về đồng bào miền Bắc với lòng tri ân, thấu cảm sâu sắc...

Thông tin xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên) chỉ trong 3 ngày phát động đã quyên góp được hơn 430 triệu đồng ủng hộ người dân các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 khiến nhiều người thán phục.

Nhưng có lẽ với người dân Cẩm Vịnh thì kết quả đó không quá bất ngờ bởi nếu điều kiện kinh tế cho phép, chắc chắn họ sẽ còn đóng góp nhiều hơn thế nữa. Số tiền đó không chỉ là một con số định lượng đơn thuần, mà đó còn là tấm lòng của người dân nơi đây đáp nghĩa những ân tình đã từng nhận được trong những thời điểm khó khăn, hoạn nạn.

Ủy ban MTTQ xã Cẩm Vịnh tiếp nhận ủng hộ của người dân.

Nằm ở hạ du hồ Kẻ Gỗ, có sông Ngàn Mọ chảy qua, địa hình thấp trũng nên Cẩm Vịnh thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi có mưa bão. Cơn lũ lịch sử tháng 10/2020, có 6/7 thôn của xã Cẩm Vịnh bị ngập hoàn toàn, nhà cửa, tài sản của người dân chìm trong biển nước. Trong thời điểm đó, nhiều chuyến xe thiện nguyện của đồng bào cả nước đã dồn về đây cứu trợ, chia sẻ với bà con.

Những món quà đơn sơ nhưng ấm áp nghĩa tình của người dân xã Cẩm Vịnh gửi trao cho đồng bào miền Bắc trong cơn hoạn nạn.

Giờ đây, khi nghe tin người dân miền Bắc gặp thiên tai, ngay trong ngày 10/9, Nhân dân Cẩm Vịnh đã gấp rút ủng hộ tiền, chuẩn bị nhu yếu phẩm. Không ai bảo ai, người có nhiều ủng hộ nhiều, có ít ủng hộ ít. Từ những cụ già gần 100 tuổi cho đến những em nhỏ cũng đều tham gia ủng hộ; đặc biệt có gia đình con em đang sinh sống ở nước Úc xa xôi đã ủng hộ thông qua kênh của Ủy ban MTTQ xã số tiền 200 triệu đồng.

Ngay trong đêm 10/9, 2 chuyến xe chở hàng hóa do bà con quyên góp, cùng với 21 thanh niên trai tráng, quen nghề sông nước đã lên đường ra vùng tâm lũ để tham gia cứu trợ.

Anh Thái Văn Cường (ngoài cùng bên trái) chia sẻ về hành trình tham gia cứu trợ đồng bào vùng lũ.

Vừa cùng đoàn thiện nguyện trở về từ chuyến đi cứu trợ tại tỉnh Tuyên Quang, anh Thái Văn Cường (SN 1987) và em trai là anh Thái Văn Anh (SN 1992, cùng trú thôn Tam Đồng, xã Cẩm Vịnh) cho biết: “Khi nhìn thấy cảnh người dân miền Bắc vật lộn trong lũ dữ, chúng tôi bắt gặp lại hình ảnh của người dân quê mình những năm về trước, tự thấy phải có trách nhiệm làm một điều gì đó và hai anh em tôi đã đăng ký tham gia đoàn cứu trợ. Chúng tôi tận tay mang những tình cảm, sự động viên của người dân quê mình đến đồng bào vùng lũ...".

Những ngày cơn bão Yagi càn quét, rồi lũ, sạt lở đất hoành hành ở các tỉnh miền Bắc cũng là những ngày bà con nhân dân xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) đứng ngồi không yên. Cũng như các địa phương vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ, xã Cẩm Thành từng bị nhấn chìm trong những trận mưa lũ lịch sử, họ thấu hiểu nỗi khổ đồng bào miền Bắc đang phải gánh chịu.

Người dân xã Cẩm Thành tích cực đóng góp ủng hộ Nhân dân miền Bắc.

Hình ảnh những chiếc thuyền cứu trợ luồn lách vào những khu vực ngập sâu, bị cô lập để đưa tận tay người dân địa phương những gói nhu yếu phẩm, những món quà, những lời động viên, khích lệ của đồng bào cả nước gửi về năm nào vẫn còn in đậm trong tâm trí người dân nơi đây.

Ông Phạm Văn Trí - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Kênh (xã Cẩm Thành) chia sẻ: “Lúc chưa có văn bản phát động chính thức mà chỉ mới nghe thông tin bão lũ trên phương tiện truyền thông, người dân trong thôn đã tự nguyện rủ nhau đến nhà văn hóa thôn để ủng hộ. Thôn Kênh có 135 hộ - ít nhất của xã, trong đó, nhiều hộ hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng chỉ sau 2 ngày kêu gọi, bà con đã đóng góp được gần 20 triệu đồng, chung tay sẻ chia cùng đồng bào vùng lũ”.

Nhiều người dân xã Cẩm Thành tham gia cứu trợ tại các tỉnh miền Bắc.

Phấn khởi thông tin kết quả quyên góp ủng hộ của xã trong mấy ngày qua, ông Mai Văn Ninh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Cẩm Thành cho biết: “Gần 300 triệu đồng đã được xã chuyển vào tài khoản Ban vận động cứu trợ huyện Cẩm Xuyên; hiện người dân vẫn tiếp tục đóng góp. Ngoài ra, con em xa quê trong và ngoài nước cũng hưởng ứng lời kêu gọi, ủng hộ thông qua các kênh chính thống khác. Khi chúng tôi hoạn nạn, được đồng bào cả nước cưu mang thì khi đồng bào miền Bắc gặp nạn, người dân chúng tôi sẵn sàng chia sẻ. Đó là sự thủy chung nghĩa tình, là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái”.

Trong trận lũ năm 2020, thôn Sơn Trình (xã Tân Lâm Hương) được biết đến là một địa phương ngập sâu, bị cô lập dài ngày và thiệt hại nặng nề nhất của huyện Thạch Hà. Hơn ai hết, người dân Sơn Trình chia sẻ sâu sắc với những mất mát, đau thương mà đồng bào miền Bắc phải gánh chịu những ngày qua.

Thôn Sơn Trình, xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) trong trận lũ năm 2020. Ảnh tư liệu.

Ông Phạm Đình Hòa - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Sơn Trình cho biết: “Năm đó, thôn chúng tôi được người dân khắp mọi miền đất nước chung tay chia sẻ khó khăn, khôi phục cuộc sống sau lũ lụt. Những ân tình ấy chúng tôi luôn trân quý và khắc ghi nên khi đồng bào miền Bắc hoạn nạn, mọi người đều tự nguyện ủng hộ. Dù là thôn khó khăn, biệt lập nhất của xã nhưng đến nay, 100% hộ dân đã đóng góp với tổng số tiền hơn 51 triệu đồng, góp phần hỗ trợ người dân vùng lũ ổn định lại cuộc sống”.

Hương Khê là vùng đất quanh năm phải hứng chịu kiểu thời tiết cực đoan đặc trưng của miền Trung: mùa hè nắng như đổ lửa, mùa đông, mưa bão trắng trời, mênh mông nước. Từ bao đời nay, người dân nơi đây phải vật lộn với thiên tai và trong những thời điểm gian nan, luôn được Nhân dân mọi miền đất nước quan tâm, yêu thương, chia sẻ.

Cũng chính vì lẽ đó, những ngày qua, trên khắp địa bàn huyện, đâu đâu cũng nghe bàn chuyện quyên góp ủng hộ đồng bào miền Bắc. Người góp tiền của, người góp công sức. Những bếp ăn đỏ lửa chuẩn bị thực phẩm khô; những điểm tập kết hàng hóa luôn nườm nượp người...

Người dân Hương Khê ủng hộ đồng bào miền Bắc thông qua các kênh: Ủy ban MTTQ, Hội Chữ thập đỏ.

Ông Hà Văn Đàn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Khê cho biết: "Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân Hương Khê rất sẵn lòng quyên góp để ủng hộ miền Bắc. Đến thời điểm này, toàn huyện đã vận động được hơn 2,1 tỷ đồng cùng hàng tấn nhu yếu phẩm để vận chuyển ra các tỉnh vùng lũ miền Bắc. Nhiều người cũng đã trực tiếp tham gia đoàn thiện nguyện để giúp đỡ người dân các tỉnh bị thiệt hại khắc phục hậu quả cơn bão số 3".

Nằm trong vùng “chảo lửa, túi mưa”, Hà Tĩnh thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của thiên tai và trong khó khăn, luôn được đồng bào cả nước chia sẻ, đùm bọc. Sống trọn nghĩa trước sau nên người Hà Tĩnh không bao giờ quên những ân tình đã được nhận trong hoạn nạn, sẵn sàng chia sẻ, cứu giúp đồng bào mình lúc khó khăn. Đó cũng chính là đạo lý, lẽ sống bao đời nay của người Việt.

Theo báo cáo của Ban Vận động Quỹ Cứu trợ tỉnh Hà Tĩnh, tính đến ngày 14/9, đã có hàng trăm cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ bằng hình thức chuyển khoản, tiền mặt và hiện vật với tổng trị giá hơn 17,4 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt và chuyển khoản qua tài khoản Ban Vận động Quỹ Cứu trợ các cấp là hơn 14 tỷ đồng; hiện vật tương đương số tiền trên 678 triệu đồng; số tiền đăng ký chưa chuyển vào tài khoản là trên 2,7 tỷ đồng...

Trước đó, tỉnh Hà Tĩnh đã trích ngân sách hỗ trợ khẩn cấp 2,1 tỷ đồng cho các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại nặng nề của bão số 3. Cùng đó, người dân các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã quyên góp lượng lớn hàng hóa, nhu yếu phẩm, tổ chức các đoàn thiện nguyện cứu trợ đồng bào vùng lũ.

Video: Người dân Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) chia sẻ tình cảm hướng về vùng lũ miền Bắc.

Chủ đề Nhịp cầu nhân ái

Chủ đề Hướng về đồng bào vùng lũ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói